(QBĐT)- Chiều nay, 29/9, Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Tham dự có các đồng chí: Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh; các ĐBQH: Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo TAND tỉnh.
|
Đặt vấn đề tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Tuyến, Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh nêu rõ về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Tổ chức TAND theo tinh thần Nghị quyết số 89/2023/QH15 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội. Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sắp tới trên cơ sở tuân thủ sự chỉ đạo của đồng chí Chánh án TAND tối cao.
Theo hồ sơ dự thảo, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) kết cấu gồm 9 chương, 151 Điều; trong đó bổ sung mới 51 Điều, sửa đổi 93 Điều, giữ nguyên 7 Điều. So với Luật Tổ chức TAND năm 2014, dự thảo luật giảm 2 chương và tăng thêm 54 Điều.
|
Tại hội nghị, các ĐBQH đã tham gia nhiều nội dung góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Theo đại biểu Trần Quang Minh, chủ trương sửa đổi Luật Tổ chức TAND là cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động xét xử của tòa án. Trong quá trình sửa đổi cần xem xét đến cơ cấu hoạt động tòa án địa phương; chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ thẩm phán nhằm nâng cao đạo đức công vụ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; quy định cụ thể hơn về hoạt động Hội thẩm nhân dân, TAND chuyên biệt...
Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, thì dự thảo luật cơ bản được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí theo hướng sửa đổi toàn diện, nhiều nội dung mới hoàn toàn. Tuy nhiên, cần thiết phải tranh thủ thêm ý kiến đội ngũ cán bộ tòa án ở một số vấn đề: Sự cần thiết của việc thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia; vấn đề điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của tòa án; việc bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn tòa án; việc đổi tên TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm và TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm...
|
Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng cho rằng: Phải quy định rõ ràng nội hàm quyền tư pháp của tòa án nhằm thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra. Về việc thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia trên cơ sở bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thành phần Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia trước đây, cần thiết phải xem xét, cân nhắc góp ý thêm trước khi trình Quốc hội; việc bỏ quy định tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa là phù hợp với nguyên tắc tố tụng vì tòa án là cơ quan xét xử, nếu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự rồi quay lại xét xử vụ án do mình khởi tố sẽ thiếu khách quan, không hiệu quả.
|
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh lưu ý vấn đề đưa chế định nhân dân tham gia xét xử, quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động xét xử vào dự thảo luật cũng cần cẩn trọng, quy định pháp luật phải cụ thể nhằm hạn chế tình trạng vượt, lạm quyền dẫn đến vi phạm pháp luật của người dân. Việc thực hiện thay đổi TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm cũng cần có lộ trình thực hiện, tranh thủ thêm nhiều ý kiến tham gia góp ý vì thay đổi tên gọi đồng thời với thể chế hóa chức năng, nhiệm vụ từng tòa án, tránh lặp lại mô hình TAND khu vực trước đây.
T.Long