Đại biểu Quốc hội thảo luận, thông qua các nghị quyết và dự án luật

  • 05:06, 22/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Hôm nay, 22/6, tiếp tục chương trình, nội dung kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã biểu quyết thông qua các nghị quyết và thảo luận về các dự án luật.

Các ĐBQH tỉnh bấm nút biểu quyết thông qua các nghị quyết
Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua các nghị quyết.

Sau khi biểu quyết thông qua 2 luật, 2 nghị quyết, ĐBQH đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) và dự án Luật Căn cước công dân (CCCD) (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh tán thành với việc sửa đổi Luật Viễn thông (VT) và nhấn mạnh, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến Luật VT trên cơ sở sửa đổi Luật VT năm 2009 (Luật 2009) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong phát triển hạ tầng thông tin, VT, bảo đảm an ninh quốc gia, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Phân tích các vấn đề về kết nối và chia sẻ hạ tầng VT, ý kiến nhấn mạnh đây là những quy định mới có tính ưu việt rất lớn, nhằm khắc phục tình trạng “quyền anh, quyền tôi” trong khai thác hạ tầng VT và hạ tầng dịch vụ khác có liên quan; đồng thời tạo sự liên kết, chia sẻ nguồn lực, góp phần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ thiết yếu phục vụ phát triển đất nước và nhu cầu của người dân; khai thác tối đa hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có, tránh lãng phí nguồn lực và bảo đảm mỹ quan đô thị.

Để quy định bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong thực thực tiễn, đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo xem xét, cân nhắc quy định cụ thể hơn các trường hợp được kết nối mạng, chia sẻ hạ tầng, các trường hợp được ưu tiên kết nối, chia sẻ ngay trong luật mà không giao cho Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông quy định chi tiết như quy định tại các Điều 46, 47, 48 của luật.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Phân tích về khoản 2, Điều 22 về cung cấp dịch vụ VT cơ bản trên internet, ý kiến đề nghị quy định cụ thể thế nào là vượt ngưỡng và mức vượt ngưỡng là bao nhiêu. Đối với điểm a, khoản 2, Điều 24 về cung cấp dịch vụ VT qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam, để thuận tiện trong quá trình áp dụng pháp luật; đồng thời tránh trường hợp các mục tiêu này có thể được sử dụng để áp đặt các hạn chế, cấm đoán đối với các nhà cung cấp dịch vụ, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể hoặc chỉ quy định giới hạn trong phạm vi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý giá cước VT (Điều 59), ý kiến đại biểu cho rằng điểm đ, khoản 1 và điểm e, khoản 2 quy định chưa cụ thể, rõ ràng. Để tạo điều kiện cho Bộ Thông tin - Truyền thông và doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm của mình đúng theo quy định của Luật VT, tạo điều kiện thuận lợi trong thi hành luật, đại biểu đề nghị quy định cụ thể thế nào là “áp đặt, phá giá giá cước viễn thông”.

Về Quỹ Dịch vụ VT công ích, đại biểu đánh giá cao vai trò hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ VT công ích, góp phần bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời trong hoạt động VT công ích ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các khu vực kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; giúp giảm bớt sự chênh lệch về khoảng cách số, thụ hưởng thông tin giữa các vùng miền. Với việc dự thảo luật đã kế thừa các quy định của Luật Viễn thông năm 2009, ý kiến đại biểu tán thành tiếp tục duy trì quỹ. Song để phát huy tối đa vai trò của quỹ, theo đại biểu, luật cần quy định rõ các nội dung liên quan đến mục tiêu hỗ trợ, nguyên tắc hoạt động, cơ chế đặt hàng, quy định về đóng góp và sử dụng nguồn tài chính của quỹ để bảo đảm tính minh bạch, phát huy vai trò của quỹ là cùng với ngân sách nhà nước đảm đương một số nhiệm vụ chi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam thảo luận về dự án Luật CCCD (sửa đổi)
Đại biểu Nguyễn Tiến Nam thảo luận về dự án Luật CCCD (sửa đổi).

Thảo luận về dự án Luật CCCD (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tiến Nam phân tích các nội dung liên quan về việc thu thập thông tin sinh trắc học trong cơ sở dữ liệu căn cước theo dự thảo luật.

Trước các ý kiến lo ngại về việc thu thập các thông tin sinh trắc học này ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân, có thể làm lộ lọt thông tin cá nhân liên quan đến các lĩnh vực bảo mật; bị tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay làm giả giấy tờ tài liệu của công dân, đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu thập thông tin sinh trắc học trong quá trình quản lý công dân. Điều này cũng phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ hiện nay, đặc biệt là vai trò quan trọng của thông tin sinh trắc học trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.  

Nhằm hoàn thiện nội dung dự thảo Luật CCCD (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tiến Nam đề nghị bổ sung vào khoản 1, Điều 5 nội dung: Công dân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin của cá nhân trong Cơ sở dữ liệu CCCD, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm tạo điều kiện cho công dân trong việc tra cứu, cung cấp thông tin để thực hiện thủ tục hành chính và giao dịch dân sự khi không tự khai thác được thông tin của mình theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 5; đồng thời phù hợp với quy định tại khoản 4, Điều 6 của dự thảo luật này.

Đối với Điều 2, để thống nhất trong xác định đối tượng áp dụng, đồng thời có cơ sở phân biệt với các đối tượng áp dụng khác như người không quốc tịch, đại biểu đề nghị bổ sung quy định giải thích cụ thể trường hợp người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Tại Điều 22 quy định thẻ căn cước phải được đổi khi công dân đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi, đại biểu nêu tình huống các trường hợp đến độ tuổi quy định nhưng vì lý do nào đó chưa thực hiện cấp đổi thẻ căn cước thì thẻ căn cước đó có còn giá trị sử dụng hoặc có giá trị để thực hiện thủ tục hành chính và giao dịch dân sự hay không; đồng thời đề nghị quy định cụ thể hoặc giao Chính phủ quy định chế tài cụ thể nội dung này.

Trong khuôn khổ chương trình làm việc ngày 22/6, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đã tham gia phiên họp của Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Đức.

Ngọc Mai

 

 

tin liên quan

Công ty Long Đại cần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và quản lý sử dụng đất
Công ty Long Đại cần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và quản lý sử dụng đất

(QBĐT) - Chiều nay, 22/6, đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại (Công ty Long Đại) về tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) và công tác quản lý sử dụng đất của đơn vị. Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3

(QBĐT) - Sáng nay, 21/6, dưới sự chủ trì của đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương để bàn giải pháp đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3.

Chuẩn bị công tác diễn tập bảo đảm chu đáo, đầy đủ, đúng kế hoạch, an toàn
Chuẩn bị công tác diễn tập bảo đảm chu đáo, đầy đủ, đúng kế hoạch, an toàn

(QBĐT) - Sáng nay, 21/6, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ và phòng thủ dân sự (KVPT và PTDS) tỉnh năm 2023 đã kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức diễn tập KVPT và PTDS năm 2023.