(QBĐT) - Sáng 11/2, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022. Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
![]() |
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT và các phòng, ban, chi cục thuộc sở.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước phát sinh 4 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình và Hà Nội với tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 13.600 con. Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 321 xã của 36 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 19.628 con lợn. Bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 17 xã của 2 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 15 con trâu, bò… Các dịch bệnh thông thường khác trên gia súc, gia cầm như: Dịch tả lợn cổ điển, tụ huyết trùng, phó thương hàn… được phát hiện và kiểm soát tốt, không gây thành dịch lớn.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho động vật; tổ chức xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch quốc gia; kế hoạch chủ động phòng, chống dịch của các địa phương; tổ chức giám sát dịch bệnh, phân bổ hóa chất, hỗ trợ vắc-xin cho các địa phương; xây dựng các chuỗi, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Hiện, cả nước có 3.705 lượt cơ sở, vùng chăn nuôi tại 52 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh, bao gồm: 1.462 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 2.039 cơ sở, vùng chăn nuôi lợn và 204 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và đưa ra các kiến nghị, đề xuất trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thời gian tới, nguy cơ các loại dịch bệnh động vật xảy ra là rất lớn do các mầm bệnh còn tồn lưu ngoài môi trường với tỷ lệ cao, trong khi đó, chăn nuôi của chúng ta chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ. Các ngành, địa phương, doanh nghiệp cần tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định; tăng cường tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh; tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các ngành, địa phương khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi theo kế hoạch; hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc; thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn việc phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở; tổ chức quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh tại nguồn, nhất là các vùng nuôi tập trung. Các địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phát triển chăn nuôi, xây dựng các mô hình nuôi mới, hiện đại, đồng bộ…
Lan Chi