(QBĐT) - Sáng 21-12, tại huyện Tuyên Hóa, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tổ chức giám sát “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”.
![]() |
Tham gia đoàn giám sát có bà Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đại tá Nguyễn Tiến Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, ĐBQH khóa XV và đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Theo báo cáo, giai đoạn 2019-2021, huyện Tuyên Hóa đã hoàn thành tổ chức sáp nhập xã Nam Hóa với xã Thạch Hóa (cũ) thành xã Thạch Hóa theo Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 ngày 13-3-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các xã, thị trấn còn lại trên địa bàn huyện đều đạt tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Riêng các xã Ngư Hóa, Lâm Hóa chưa đạt từ 50% quy mô dân số; và các xã Châu Hóa, Văn Hóa, Lê Hóa chưa đạt 50% diện tích tự nhiên.
![]() |
Sau sắp xếp, bộ máy, tổ chức đã được kiện toàn, bảo đảm ổn định. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, dân số đông, địa bàn rộng nên đã gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, nhất là về lĩnh vực đất đai, quản lý bảo vệ và phát triển rừng, an ninh trật tự. Hiện, số lượng cán bộ, công chức dôi dư chưa sắp xếp được tại xã Thạch Hóa là 2 cán bộ, 6 công chức.
![]() |
Tại buổi giám sát, lãnh đạo huyện Tuyên Hóa kiến nghị đề xuất UBND tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, điều kiện để xác định công chức cùng một chức danh bị dôi dư; hỗ trợ kinh phí để thay đổi các loại giấy tờ cho nhân dân sau sáp nhập. Đối với các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 1 trong 2 điều kiện quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, không thực hiện sắp xếp trong giai đoạn tới, do điều kiện địa hình chia cắt bởi đồi núi, dân cư sinh sống không tập trung.
Thay mặt đoàn giám sát, bà Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp thu và chia sẻ với những khó khăn các địa phương đang gặp phải; đồng thời khẳng định, đây là chủ trương lớn, huyện Tuyên Hóa cần tiếp tục rà soát, để sắp xếp các địa phương chưa đủ điều kiện sáp nhập, tổ chức lại bộ máy bảo đảm quy định; có phương án giải quyết các vấn đề phát sinh sau sáp nhập, đặc biệt là vấn đề về cán bộ, công chức, cơ sở vật chất, hạ tầng bị dôi dư.
Dương Công Hợp