Ngành GDĐT: Triển khai nhiệm vụ năm học mới thích ứng với tình hình dịch bệnh
02:08, 28/08/2021
(QBĐT) - Sáng nay (28-8), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ Giáo dục-Đào (GDĐT) tạo đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022.
Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có các đồng chí: Vũ Đại Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện một số sở, ban, ngành liên quan.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Theo báo cáo của Bộ GDĐT, năm học 2020-2021 vừa qua, ngành GDĐT đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa hoàn thành kế hoạch năm học. Ngành đã triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đồng thời thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.
Các cơ sở giáo dục (CSGD) đã chủ động tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố điều chỉnh linh hoạt kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đẩy mạnh việc dạy học qua Internet và truyền hình trong các thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Chất lượng giáo dục các cấp học và hoạt động giáo dục được nâng lên. Ngành đã triển khai thực hiện Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia tiếp tục đổi mới và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Công tác tuyển chọn, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Kết thúc đợt thi Olympic 2021, cả nước có 37 lượt thí sinh tham gia và 100% thí sinh đoạt giải. Việc tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong GDĐT được ngành tập trung đẩy mạnh, chất lượng GDĐT ngày càng được nâng lên.
Bước vào năm học 2021-2022, ngành GDĐT đang đứng trước nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Để hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học, ngành tiếp tục xây dựng các giải pháp nhằm chuyển trạng thái hoạt động một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch bệnh. Một trong những nhiệm vụ được quan tâm là duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non, tiếp tục triển khai chương trình GDPT 2018 bảo đảm chất lượng; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh; đa dạng hóa chương trình giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo sau đại học và một số nhiệm vụ liên quan khác.
Tại hội nghị, đồng chí Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT về công tác GDĐT của tỉnh; trong đó tập trung vào việc triển khai các nhiệm vụ năm học mới trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng phát biểu tại hội nghị.
Năm học vừa qua, tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn về thiên tai, bão lũ, dịch bệnh để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ theo đúng kế hoạch, đạt chất lượng. Tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc quán triệt, triển khai các nghị quyết của Trung ương, pháp luật của nhà nước về GDĐT; trong đó, triển khai hiệu quả các nội dung Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn, bản toàn diện GDĐT, cụ thể hoá nội dung Nghị quyết trên thành các nhiệm vụ trọng tâm trong từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng gặp những khó khăn nhất định như: Do nguồn lực có hạn nên việc đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, đặc biệt là chính sách đầu tư cơ sở vật chất cho các CSGD. Việc thực hiện tinh giản biên chế trong giáo dục chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp một số môn học, cấp học. Ngoài ra, theo Luật Giáo dục 2019, tỉnh vẫn còn khoảng 500 cán bộ quản lý và giáo viên các cấp học chưa đạt trình độ chuẩn đào tạo. Công tác phân luồng học sinh tại các trường THCS nhiều khó khăn, chất lượng đào tạo nghề ở các cơ sở nghề nghiệp chưa cao, chưa gắn với thị trường lao động, thiếu các cơ sở sử dụng lao động sau đào tạo nghề…
Từ những thực tế nêu trên, tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ GDĐT có hướng dẫn cụ thể hơn để các địa phương chủ động tổ chức hiệu quả chương trình, kế hoạch trong năm học mới. Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ xem xét phương án tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh THPT và có chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bộ GDĐT cần kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục để có chính sách triển khai tại địa phương nhằm thực hiện mục tiêu lao động qua đào tạo và nhiệm vụ phân luồng, tiến tới phổ cập trung học phổ thông gắn với phân luồng trong giáo dục theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Đề án kiên cố hóa trường, lớp, nhà công vụ giáo viên, bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất nhằm tạo điều kiện cho các CSGD tổ chức tốt hoạt động dạy học...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực của ngành GDĐT trong triển khai hiệu quả các nhiệm vụ năm học 2020-2021; chúc mừng các học sinh đoạt giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, thi Olympic 2021; biểu dương đội ngũ cán bộ, sinh viên ngành y tế tích cực tham gia hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Thủ tướng nhấn mạnh: Trước thềm năm học 2021-2022, cả nước gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có công tác GDĐT. Ngành GDĐT cần thực hiện phương châm “lấy học sinh làm trung tâm, lấy nhà trường làm nền tảng, giáo viên làm động lực” để đổi mới toàn diện, kết hợp hài hòa giữa giáo dục truyền thống và giáo dục hiện đại. Ngành GDĐT phải chủ động triển khai linh hoạt các nhiệm vụ; trong đó chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin và cần xây dựng các tình huống, kịch bản cụ thể để ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế xem xét, nghiên cứu việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em độ tuổi học sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả; rà soát tiêm đủ vắc xin cho giáo viên ở các cấp học. Ngành GDĐT, các địa phương cần triển khai công tác dạy học phù hợp với tình hình thực tiễn. Các bộ, ngành liên quan cần xem xét việc hỗ trợ, miễn giảm học phí cho giáo viên, học sinh thuộc vùng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Nhân dịp đón năm học mới 2021-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng toàn thể thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục đã vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt sự nghiệp "trồng người". Thủ tướng kêu gọi toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh nêu cao tinh thần trách nhiệm, đồng lòng, đồng sức thực hiện tốt việc bảo đảm an toàn trường học, tổ chức hiệu quả hoạt động dạy học với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu” nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm học mới.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo công an tỉnh và các lực lượng chức năng tăng cường rà soát, thu dung người "lang thang, cơ nhỡ" trên địa bàn để xét nghiệm, phân loại, đưa vào các cơ sở trợ giúp xã hội hoặc tổ chức quản lý để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
(QBĐT) - Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh vừa có một số thông điệp nhằm quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh. Chi tiết như sau:
(QBĐT) - Ngày 27-8-2021, đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Công văn số 1685/UBND-NCVX về việc cho phép các trường hợp được di chuyển trên địa bàn cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung như sau: