(QBĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với UBND huyện Tuyên Hóa về các nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện, diễn ra chiều nay (9-7). Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành cấp tỉnh.
![]() |
Theo báo cáo của UBND huyện Tuyên Hóa, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm của huyện có nhiều chuyển biến tích cực; lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục được chú trọng; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống của người dân cơ bản ổn định.
Năng suất các loại cây trồng trong vụ đông-xuân 2020-2021 đạt cao, sản lượng lương thực vượt kế hoạch đề ra, đạt hơn 17.100 tấn (bằng 126,6% kế hoạch), tăng hơn 1.840 tấn so với cùng kỳ năm 2020. Hiện tại, các địa phương trên địa bàn huyện đã hoàn thành việc gieo trồng vụ hè-thu.
Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện trong 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 194,5 tỷ đồng, tăng 15,36% so với cùng kỳ; thu ngân sách ước thực hiện 41 tỷ đồng/76 tỷ đồng, đạt 53,9% kế hoạch năm. Về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn huyện có 292 tiêu chí đạt chuẩn, bình quân đạt 16,22 tiêu chí/xã.
![]() |
Đánh giá cao kết quả đạt được của huyện Tuyên Hóa trong thời gian qua, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng chia sẻ những khó khăn mà Tuyên Hóa đang gặp phải, đồng thời chỉ ra những hạn chế cần có giải pháp khắc phục, đó là tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn còn cao, định hướng thoát nghèo và phát triển của huyện chưa rõ.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh gợi ý, huyện Tuyên Hóa cần xây dựng các giải pháp chiến lược dài hạn để phát triển kinh tế-xã hội; chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các mô hình, định hướng phát triển phù hợp tiềm năng, lợi thế của địa phương để tạo sự đột phá; nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù về chủ trương, chính sách báo cáo UBND tỉnh xem xét; chú trọng các lĩnh vực, ngành nghề có lợi thế như: chế biến nông, lâm sản, sản xuất công nghiệp, vật liệu xây dựng để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư.
![]() |
Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Tuyên Hóa cần nghiên cứu, xây dựng một số mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, kêu gọi khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao, như: trồng rau sạch, cung cấp thực phẩm sạch và đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng.
Về một số nhiệm vụ trước mắt, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý: Huyện Tuyên Hóa cần tập trung thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện các chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và tình hình thực tế của địa phương, Tuyên Hóa cần lựa chọn những nội dung, tiêu chí, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp, thiết thực để mang lại hiệu quả cao nhất.
![]() |
Trong đó, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển quỹ đất nhằm tăng thu ngân sách; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế, nợ đọng thuế; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư thuộc nguồn ngân sách; xác định, lựa chọn các dự án, công trình quan trọng, tập trung và ưu tiên nguồn lực để đầu tư.Thời gian còn lại của năm 2021, Tuyên Hóa cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch viêm da nổi cục trên trâu bò, dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm; phòng chống cháy rừng, tình trạng phá rừng trái phép; chuẩn bị các phương án phòng chống thiên tai trong mùa mưa năm 2021.
Đối với các kiến nghị, đề xuất, huyện Tuyên Hóa tổ chức rà soát những công trình, dự án cấp bách, lựa chọn và sắp xếp thứ tự ưu tiên những công trình thực sự cần thiết, quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương để báo cáo UBND tỉnh xem xét.
Dương Công Hợp