(QBĐT) - Sáng 6-7, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) kiêm Phòng thủ dân sự (PTDS) tỉnh chủ trì hội nghị đánh giá công tác PCTT-TKCN năm 2020, 6 tháng đầu năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.
![]() |
Cùng chủ trì hội nghị có đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS tỉnh. Tham dự có các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS tỉnh, thiên tai năm 2020 diễn biến hết sức phức tạp, lũ lụt vượt mốc lịch sử đã làm 25 người chết, 197 người bị thương, 113 ngôi nhà bị sập, 125.881 ngôi nhà bị ngập lụt, nhiều trường học bị hư hỏng… Ước tính tổng giá trị thiệt hại do thiên tai là 3.676 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan đã làm 74 ngôi nhà bị hư hại, 3.351ha lúa và hoa màu bị hư hại, 1 tàu cá bị chìm, ước tính tổng giá trị thiệt hại là hơn 5 tỷ đồng.
![]() |
Để ứng phó kịp thời với diễn biến thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS tỉnh đã chỉ đạo triển khai các phương án theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó, rà soát, kiện toàn lại các ban chỉ huy PCTT-TKCN để bảo đảm điều hành thông suốt, hiệu quả; xây dựng lực lượng xung kích cấp xã bảo đảm đáp ứng yêu cầu điều động khi có thiên tai xảy ra; chủ động vật tư, phương tiện, lương thực, thực phẩm… theo kế hoạch, phương án đã được phê duyệt. Công tác chỉ đạo ứng phó của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm PTDS tỉnh, các sở ngành, địa phương kịp thời, đồng bộ, bám sát yêu cầu thực tiễn, đi vào chiều sâu và có hiệu quả. Nhờ vậy, đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tuy nhiên, công tác PCTT-TKCN của tỉnh thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: Công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” ở một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn bị động lúng túng khi bão, lũ xảy ra; kịch bản ứng phó chưa đa dạng; lực lượng cứu hộ chưa thật chuyên nghiệp; cập nhật thông tin chưa kịp thời dẫn đến công tác cứu hộ và cứu trợ gặp lúng túng; công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho cộng đồng phòng tránh thiên tai chưa thường xuyên; kinh phí PCTT-TKCN còn hạn chế; phương tiện cứu hộ, cứu nạn chưa đáp ứng yêu cầu…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về những khó khăn, kết quả đạt được và những kinh nghiệm thực tiễn rút ra trong công tác PCTT-TKCN trong thời gian qua. Từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất để thực hiện tốt hơn công tác PCTT-TTCN trong thời gian tới, như: Nâng cao chất lượng công tác dự báo thiên tai; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng trong PCTT-TTCN; chủ động bố trí kinh phí để trang bị phương tiện cứu hộ, cứu nạn; có kế hoạch xây dựng, nâng cấp, gia cố các các hạng mục công trình giao thông, thủy lợi trước mùa mưa bão; công tác di dời dân bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19; rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng các công trình PCTT có nguy cơ mất an toàn…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của công tác PCTT-TKCN trước tác động của biến đổi khí hậu và diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Để thực hiện có hiệu quả công tác PCTT-TKCN thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành, địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, triển khai công tác PCTT-TKCN chủ động, kịp thời, hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”; tiếp tục thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai lịch sử gây ra trong năm 2020 tại Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 22-12-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Chương trình hành động 121/CT-UBND ngày 21-01-2021 của UBND tỉnh về khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định đời sống nhân dân; đẩy nhanh tiến độ về thủ tục, thi công các công trình PCTT, đê điều, hồ đập, sạt lở, di dân cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh bố trí kinh phí; rà soát các phương án PCTT năm 2021, nhất là các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, lũ quét, sẵn sàng phương án sơ tán để bảo đảm an toàn tính mạng người dân và phòng, chống dịch Covid-19.
![]() |
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị chủ động rà soát, bổ sung trang thiết bị bảo đảm công tác PCTT hiệu quả; xây dựng, kiện toàn đội xung kích PCTT tại cơ sở; thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng của từng địa phương, cơ sở, từng khu vực dân cư để tiếp nhận thông tin; kịp thời triển khai các phương án ứng phó với sự cố thiên tai, cứu hộ, cứu nạn...
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Bình, Cổng Thông tin điện tử tỉnh nghiên cứu mở chuyên mục riêng trong những tình huống thiên tai phức tạp, gây hậu quả nặng nề để cung cấp thông tin có trọng tâm, trọng điểm. UBND cấp huyện phối hợp với Ủy ban Mặt trận cùng cấp, lượng lực thanh niên tình nguyện nghiên cứu giải pháp hỗ trợ, kết nối thông tin cho tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đến các địa chỉ cần được cứu trợ một cách kịp thời và công bằng khi thiên tai gây hậu quả nặng nề…
Lan Chi