(QBĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trong chuyến kiểm tra công tác phòng chống bão số 13 vào sáng ngày 14-11. Cùng đi có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp-PTNT, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Văn phòng UBND tỉnh...
|
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang đã trực tiếp kiểm tra việc thực hiện công tác ứng phó với bão số 13 trên địa bàn các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và Bố Trạch.
Theo báo cáo của các địa phương, để chủ động đối phó với bão số 13, các địa phương đã thực hiện nghiêm nội dung các công điện và chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, UBND tỉnh,...
|
Qua kiểm tra tại các địa phương, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện tốt nội dung các công điện và chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh; tổ chức trực ban 24/24 để theo dõi chặt chẽ bản tin, cảnh báo diễn biến của bão số 13 để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh các địa phương, lực lượng chức năng gấp rút thực hiện các công việc cụ thể sau: Rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, hướng dẫn di chuyển thoát ra và không đi vào vùng nguy hiểm; không cho tàu thuyền ra khơi cho đến khi bão tan, không còn cảnh báo rủi ro thiên tai theo dự báo, cảnh báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia. Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú đảm bảo an toàn; gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản. Kiên quyết sơ tán người trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản và trên tàu thuyền trước khi bão đổ bộ để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Việc rà soát, tổ chức sơ tán, di dời người dân đến các nhà kiên cố cao tầng đảm bảo an toàn trước khi bão, lũ xảy ra phải được tiến hành khẩn trương, hoàn thành trước 16 giờ ngày 14-11-2020. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông, khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trong các nhà không đảm bảo an toàn.
|
Đối với khu vực miền núi, trung du, tiếp tục rà soát các điểm dân cư có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân, cán bộ, chiến sỹ, người lao động đến nơi an toàn; có phương án đảm bảo an toàn cho các hộ dân phải di dời do nguy cơ sạt lở đất... nắm chắc thông tin người dân đang còn ở trong rừng, yêu cầu ra khỏi rừng hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn đề phòng lũ quét và sạt lở đất, hoàn thành trước 16 giờ ngày 14-11-2020.
|
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu triển khai các biện pháp bảo vệ nhà cửa, trụ sở, trường học, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cột, tháp cao, cây xanh... để hạn chế rủi ro và thiệt hại do bão; khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong thời gian bão đổ bộ. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để xử lý các tình huống khẩn cấp và ứng cứu, khắc phục kịp thời khi có các sự cố xảy ra... Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh, hàng hóa thiết yếu, nhất là ở các khu vực có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ...
Theo báo cáo nhanh của các địa phương trong tỉnh và các lực lượng chức năng: Đến trưa ngày 14-11, toàn bộ 6.564/6.564 phương tiện tàu cá, 19 tàu vận tải trên địa bàn đã vào vị trí neo đậu an toàn.
|
|
|
Hiện trên địa bàn tỉnh ta có 107 điểm có nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến 4.019 hộ/14.767 khẩu. Trước tình hình đó, các địa phương đã di dời từ trước 108hộ/438 khẩu và hiện đang tiếp tục di dời thêm 231 hộ/953 nhân khẩu ra khỏi vùng có nguy cơ bị sạt lở.
Cùng đó, các sở, ngành, địa phương đã sẵn sàng di dời dân khỏi vùng nguy hiểm, vùng ven biển, cửa sông trong trường hợp khẩn cấp với bão cấp 12-13 đối với 20.290 hộ/76.069 người (Ba Đồn 4.126 hộ/14.002 khẩu; Bố Trạch 5.644 hộ/20.270 khẩu; Lệ Thuỷ 1.622hộ/5.453 khẩu; Tuyên Hoá 1.586hộ/5.577 khẩu; Minh Hoá 1.911 hộ/10.704 khẩu; Quảng Trạch 770 hộ/2.825 khẩu; Quảng Ninh 3.191 hộ/12.184 khẩu; Đồng Hới 1.440 hộ/ 5.054 khẩu).
Bùi Thành