(QBĐT) - Sáng nay, 5-11, đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chủ trì phiên họp thường kỳ để đánh giá tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) tháng 10-2020.
Tham dự hội nghị có đại diện Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh và Ủy viên UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh...
|
Trong tháng 10, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra hai đợt mưa lũ liên tiếp. Mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp đã có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao nhưng do mưa quá lớn, nước lên rất nhanh đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân, doanh nghiệp.
Trước tình hình mưa lũ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp phòng chống ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, di dời dân đến nơi an toàn; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho nhân dân và khắc phục hậu quả; khôi phục sản xuất, kinh doanh sau lũ lụt...
|
Về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp: Các cây trồng chủ yếu của vụ hè thu cơ bản thu hoạch trước ngày 5-9, còn phần lớn cây trồng vụ thu đông đã thực hiện trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do mưa lũ. Mưa lũ cũng khiến số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại lớn: trâu, bò 9.481 con; lợn 57.342 con; gia cầm 1.702.103 con...
|
Cũng do ảnh hưởng của mưa lũ nên hầu hết các lĩnh vực kinh tế trong tháng 10 đều có mức tăng trưởng thấp so với tháng trước.
Cụ thể: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính giảm 1,5% so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.117,2 tỷ đồng, giảm 5,1% so tháng trước. Doanh thu hoạt động dịch vụ đạt 120,4 tỷ đồng, giảm 9,1% so tháng trước. Số lượng khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 86,15 ngàn lượt, giảm 71,5% so cùng kỳ năm 2019, giảm 74,1% so kế hoạch năm 2020. Tổng doanh thu vận tải ước đạt 325,1 tỷ đồng, giảm 7,8% so tháng trước, giảm 4,3% so cùng kỳ.
|
Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh do địa phương quản lý ước thực hiện 357,1 tỷ đồng, giảm 19,1 % so tháng trước. Đã phê duyệt chủ trương đầu tư 5 dự án với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách Nhà nước 10 tháng đầu năm thực hiện hơn 4.277 tỷ đồng, đạt 77,7% dự toán địa phương giao, tăng 10% so cùng kỳ.
|
Ngành Giáo dục-Đào tạo chịu thiệt hại nặng do ảnh hưởng của mưa lũ; một số nơi học sinh phải nghỉ học. Toàn ngành có hàng ngàn trang thiết bị, sách vở, đồ dùng học tập và trên 334 trường với khoảng 3.000 phòng học và phòng chức năng bị ngập trong nước. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính trên 370 tỷ đồng.
|
Trong thời gian mưa lũ, mặc dù cũng bị thiệt hại khá nặng nề, song ngành y tế đã bố trí lực lượng đảm bảo công tác khám, cấp cứu người dân, kịp thời cấp cứu nội viện, ngoại viện các trường hợp bị thương do lũ lụt; đảm bảo sức khỏe, ăn uống cho người bệnh trong tình trạng một số bệnh viện bị cách ly do lũ lụt. Triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh...
|
Do mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng nên tình hình đời sống nhân dân sau lũ lụt hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Vì vậy, các cấp chính quyền đang nỗ lực giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định cuộc sống và không để có hộ dân nào thiếu đói.
|
Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã trao đổi, thảo luận về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả và thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH hai tháng cuối năm và cả năm 2020.
|
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang thay mặt UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả lũ lụt vừa qua trên địa bàn tỉnh ta. Đồng thời cảm ơn sự sẻ chia, ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần của các các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài...
|
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang nhấn mạnh: Nhiệm vụ trong thời gian tới là hết sức nặng nề và dự báo gặp rất nhiều khó khăn. Trước mắt, các sở, ban, ngành, địa phương cần tập trung tổng lực thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra để ổn định đời sống cho người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh; tiếp tục thực hiện tốt công tác ứng phó, phòng chống lụt bão trong thời gian tới.
Đồng chí cũng yêu cầu tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã đề ra từ đầu năm, nhất là nội dung các nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm trong quý IV-2020 mà UBND tỉnh đã đề ra. Trong đó, tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc phục hồi sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển KT-XH trong bối cảnh dịch Covid-19 và đặc biệt là trong tình hình tỉnh ta vừa trải qua trận lũ lịch sử gây thiệt hại hết sức nặng nề. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách năm 2021, Kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo các hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
Để làm được việc đó, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần phải nỗ lực hết mình trong việc nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao. Trong đó, cần triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt và đạt hiệu quả cao nhất có thể các nội dung chương trình công tác trong tháng 11 mà UBND tỉnh đã đề ra.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể đối với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ của tháng 11. Đặc biệt là nhiệm vụ vừa khắc phục tốt hậu quả trận lũ lịch sử vừa qua, vừa phát triển KT-XH và chống dịch bệnh Covid-19 tốt...
Bùi Thành