(QBĐT) - Sáng ngày 11-11, UBND tỉnh có cuộc làm việc với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp-PTNT về khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020 do đồng chí Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn.
Tham dự buổi làm việc về phía tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan.
|
Thay mặt tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang và Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT đã báo cáo công tác triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả do 2 đợt mưa lũ gây ra trong tháng 10-2020.
Theo đó, mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp đã có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, sát sao nhưng do mưa quá lớn, nước lên rất nhanh, vượt quá năng lực ứng phó của thiết chế hạ tầng, hệ thống phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nên tính mạng, tài sản, nhà cửa của người dân, công trình hạ tầng của nhà nước vẫn bị thiệt hại, tổn thất hết sức nặng nề; sản xuất bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân; hệ thống thiết chế hạ tầng bị phá hủy cần nhiều thời gian và nguồn lực để khôi phục.
Mưa lũ làm 183 thôn, bản/33 xã bị cô lập, chia cắt; 25 người bị chết, 197 người bị thương; 106.220 hộ bị ngập nặng... Ước tính tổng giá trị thiệt hại sơ bộ toàn tỉnh do 2 đợt mưa lũ gây ra là 3.511,6 tỷ đồng; trong đó lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, thủy lợi 1.780,713 tỷ đồng.
|
Trong suốt quá trình trước, trong và sau thiên tai, tỉnh Quảng Bình nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và đón các đồng chí lãnh đạo trực tiếp về kiểm tra, chỉ đạo, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ. Hiện, tỉnh đang chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tổng lực các biện pháp để khắc phục hậu quả lũ lụt nhằm sớm ổn định cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mặc dù sau lũ đã có sự hỗ trợ tích cực, kịp thời của Trung ương, các tổ chức, cá nhân, tuy nhiên hậu quả để lại của trận lũ vừa qua hết sức nặng nề nên tỉnh rất cần nhiều kinh phí, thời gian để khắc phục.
Vì vậy, UBND tỉnh kính đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục ưu tiên hỗ trợ khẩn cấp trước mắt cho tỉnh Quảng Bình: Giống cây trồng: lúa 2.000 tấn; ngô 120 tấn; lạc 200 tấn; rau các loại 20 tấn. Giống vật nuôi: bò 700 con, lợn 17.000 con, thỏ NewZealand 3.000 con, gà 750.000 con, vịt 20.000 con. Vắc xin các loại: lở mồm long móng lợn 80.000 liều; dịch tả lợn 100.000 liều; tai xanh lợn 20.000 liều; cúm gia cầm 2.000.000 liều. Về hóa chất sát trùng, hỗ trợ thêm 20.000 lít Benkocid và 20.000 lít hóa chất Iodine. Về thức ăn: thức ăn hỗ hợp trâu bò 50 tấn, thức ăn hỗn hợp cho lơn 400 tấn, thức ăn hỗn hợp cho gia cầm 100 tấn. Giống thủy sản: cá nước ngọt các loại 53.250.000 con; cá chẽm 2.200.000 con; tôm các loại 453.000.000 con...
|
Tỉnh cũng đề nghị hỗ trợ 298,8 tỷ đồng để gia cố khẩn cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, đê kè, nước sạch nông thôn bị hư hỏng trong các đợt lũ vừa qua; hóa chất PAC để xử lý nước khử khuẩn (6 tỷ đồng); hỗ trợ kinh phí di dân khẩn cấp các vùng sạt lở do lũ gồm: bản Cha Lo, xã Dân Hoá (Minh Hoá) 12 tỷ đồng; xã Thạch Hóa (Tuyên Hoá) 7 tỷ đồng; xã Thuận Hóa (Tuyên Hoá) 5 tỷ đồng; xã Minh Hóa (Minh Hóa) 19 tỷ đồng; bản Sắt, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) 11 tỷ đồng...
Về lâu dài, tỉnh đề nghị hỗ trợ gói khắc phục cơ sở hạ tầng thủy lợi khoảng 1.708,5 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng Đề án phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Bắc Trung bộ thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ nghiên cứu giải pháp thoát lũ cho vùng Lệ Thủy, Đồng Hới, Phong Nha (Bố Trạch).
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp-PTNT (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Unicef...) đã có nhiều ý kiến tập trung đưa ra các giải pháp nhằm giúp cho Quảng Bình khôi phục sản xuất trước mắt và lâu dài, ứng phó với tình hình lụt bão thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh.
|
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Bão, lụt đi qua, công tác khắc phục và tái thiết sau thiên tai để ổn định đời sống lâu dài của người dân thông qua tạo sinh kế bền vững là vô cùng quan trọng. Giai đoạn trước mắt, cần đặc biệt nhanh chóng khôi phục chăn nuôi gia cầm vì chu kỳ sản xuất ngắn có thể tạo sản phẩm trước Tết Nguyên đán cho bà con.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã nhanh chóng triển khai các phương án, kế hoạch hỗ trợ người dân, kêu gọi các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ trong nước chung sức hỗ trợ tạo sinh kế phù hợp, hỗ trợ cây trồng vật nuôi, vật dụng thiết yếu đến người dân sớm ổn định sản xuất và cuộc sống, khôi phục nền kinh tế cho người dân khu vực miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Bình...
Tuy nhiên, để đẩy mạnh việc chăn nuôi sau lũ lụt, địa phương phải thực hiện tốt công tác khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường an toàn, sạch bệnh… Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị liên quan xây dựng mô hình nuôi gia cầm sau mưa lũ để phổ biến, nhân rộng tại các địa phương; đồng thời chỉ đạo các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và cơ quan quản lý địa phương tổ chức quan trắc môi trường vùng nuôi, đảm bảo môi trường an toàn trước khi thả nuôi, tránh thiệt hại...
Về các kiến nghị của tỉnh, đoàn ghi nhận và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu để hỗ trợ phù hợp cho từng giai đoạn.
|
Nhân dịp này, một số tổ chức, doanh nghiệp đi theo đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp-PTNT đã hỗ trợ bước đầu cho tỉnh ta một số giống vật nuôi, cây trồng... trao hàng và tiền hỗ trợ cho tỉnh để khắc phục hậu quả lũ lụt.
Bùi Thành