(QBĐT) - Theo số liệu báo cáo nhanh bước đầu từ các địa phương, đến chiều ngày 23-10, mưa lũ đã làm 11 người chết và 95 người bị thương; 109.254 nhà ở bị ngập sâu trong nước lũ; 13 nhà dân bị sập...
![]() |
Đến chiều ngày 23-10, toàn tỉnh vẫn còn hơn 1.000 ngôi nhà đang ngập trong nước lũ; chủ yếu ở huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Nhiều thôn, bản vẫn đang còn bị cô lập, chia cắt ở huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa, Quảng Trạch; đặc biệt còn 52 thôn, bản vùng biên giới vẫn đang bị cô lập, chia cắt. Các hộ dân được di dời ở các huyện, thị xã, thành phố đã trở về nhà, tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 4.000 hộ dân chủ yếu ở Lệ Thủy chưa thể trở về nhà để ở do nhà vẫn đang ngập nước hoặc hư hỏng.
Theo báo cáo nhanh của Sở Giao thông-Vận tải, với sự nỗ lực của các đơn vị, hiện tuyến đường bộ chỉ còn một số điểm nước lũ vẫn đang ngập sâu hoặc đường bị sạt lở lớn chưa lưu thông được như: đường Hồ Chí Minh nhánh Tây; các quốc lộ 12A, 15, 9B, 9E; các đường tỉnh 562, 564.
![]() |
Theo báo cáo bước đầu chưa đầy đủ của các địa phương, ngành, đơn vị..., thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với các công trình giao thông, thủy lợi, nhà cửa, tài sản... ước tính hàng nghìn tỷ đồng.
Tranh thủ điều kiện thời tiết nắng ráo và nước lũ cơ bản đã rút xuống gần hết, Quảng Bình tiếp tục khẩn trương huy động tổng lực mọi lực lượng, nguồn lực để phục vụ cho công tác cứu trợ và giúp dân khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra.
Cùng đó, lãnh đạo tỉnh và các địa phương tiếp tục chia thành nhiều đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo, động viên người dân nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn.
Đặc biệt, các địa phương, cùng các lực lượng chức năng tiếp tục huy động, phối hợp với các đoàn cứu trợ đi sâu vào các vùng lũ để cấp phát kịp thời lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men và các nhu yếu phẩm cấp thiết cho người dân vùng lũ, vùng bị chia cắt, cô lập nhằm đảm bảo không để xảy ra việc có người dân bị đói, khát.
![]() |
Sau nhiều ngày ngâm trong nước lũ, sức khỏe người dân đã giảm sút rất nhiều. Người dân cần được cung cấp lương thực, thực phẩm, thức ăn, nước uống, áo quần, chăn màn, các nhu yếu phẩm... kịp thời và đảm bảo đủ số lượng. Hiện mì ăn liền người dân đã nhận được rất nhiều không thể ăn hết, trong khi lại thiếu gạo ăn... Vì vậy, người dân mong muốn được cứu trợ, trợ cấp gạo thay cho mì ăn liền. Đặc biệt, hiện người dân rất cần các loại thuốc men để chăm sóc sức khỏe, nước sạch để sinh hoạt; các vật dụng phục vụ cuộc sống cần thiết hàng ngày do những vật dụng này đã bị lũ cuốn trôi hoặc hư hỏng; ủng hộ tiền mặt để có điều kiện sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất... để sớm ổn định cuộc sống.
Bùi Thành