Thường trực Chính phủ họp về công tác thu hút đầu tư nước ngoài

  • 08:05, 23/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Thủ tướng nêu rõ, nếu như Việt Nam không đầu tư phát triển, kể cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, thì không bao giờ thành công.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chiều 22-5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình, triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài ứng phó với các thách thức toàn cầu do COVID-19.
 
Tham dự có lãnh đạo một số bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, những địa phương thu hút nhiều FDI và các chuyên gia kinh tế.
 
Các ý kiến cho rằng, qua tiếp xúc, tìm hiểu thì các nhà đầu tư đều bày tỏ tin tưởng, coi Việt Nam là điểm đến an toàn, có nhiều lợi thế đón làn sóng đầu tư hậu COVID-19. Để đón đầu làn sóng này, cần có các giải pháp thích hợp. Theo một số chuyên gia kinh tế, có 4 lĩnh vực mà các tập đoàn có xu hướng dịch chuyển vào là công nghệ thông tin và công nghệ cao, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistic, hàng tiêu dùng và bán lẻ.
 
Các nhà đầu tư mong muốn chính sách phải nhất quán, ổn định, lãnh đạo các cấp thực hiện đúng cam kết và ra các quyết định, quyết sách nhanh chóng hơn.
 
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, nếu như Việt Nam không đầu tư phát triển, kể cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, thì không bao giờ thành công. Chúng ta chống dịch COVID-19 bước đầu thành công nhưng phải lo phát triển đất nước thì mới thắng lợi mục tiêu kép.
 
Do đó, cuộc họp hôm nay tập trung vào các biện pháp, cách làm thiết thực, cụ thể để tranh thủ luồng đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam, trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi cung ứng.
 
Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta phải có tinh thần tiến công, chủ động hơn. Trong thu hút phát triển ở đất nước còn nghèo, 'nhân vô thập toàn,' không thể có một hạ tầng hoàn thiện, một cơ chế hoàn thiện, thì 'chúng ta biết tạo nên một sức mạnh từ lợi thế của Việt Nam' và phải làm nhanh hơn, tốt hơn. Nếu cứ cách làm cũ, trì trệ, không đổi mới thì khó thành công."
 
Vì vậy, Thủ tướng nêu rõ, cần có tư duy mới. Các ngành, các địa phương phải đón bắt, đón đầu dòng đầu tư mới này.
Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
“Chúng ta phải nghĩ xem nhà đầu tư cần gì để bàn bạc, hợp tác, đáp ứng đúng điều họ cần để phát triển thành công, mang lại lợi ích cho cả 2 phía." Các nước đang cạnh tranh quyết liệt, chúng ta phải có các ưu đãi mang tính cạnh tranh. Thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.
 
Với những yêu cầu này, Thủ tướng nêu rõ, phải xây dựng ngay đề án để Thủ tướng có sự chỉ đạo chung trên tinh thần là nhanh và mạnh hơn, đặc biệt, đề án phải giải quyết các điểm nghẽn của nhà đầu tư như vấn đề mặt bằng, nguồn nhân lực.
 
Thủ tướng đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để lo vấn đề này, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng lãnh đạo một số cơ quan. Địa phương nào có dự án thì bổ sung đại diện vào thành phần của tổ công tác để giải quyết nhanh các thủ tục, nhu cầu mà nhà đầu tư đặt ra. Các bộ, địa phương cần có cơ chế thuận lợi về đất đai, điện lực, giao thông.
 
Nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông, Thủ tướng cho rằng, cần tập trung truyền thông Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư, du khách, Chính phủ, các địa phương, các ngành tạo mọi thuận lợi về mặt bằng sản xuất, các ưu đãi cần thiết, hấp dẫn, hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính, nguồn nhân lực. Tinh thần là hậu kiểm.
 
"Thu hút đầu tư nước ngoài công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn là hướng đi cần thiết, nhưng bên cạnh đó, tiếp tục tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, nhất là tư nhân, đầu tư làm ăn tại Việt Nam," Thủ tướng nhấn mạnh./.
 
Theo PV (TTXVN/Vietnam+)

tin liên quan

Quảng Bình: Chỉ số PAR index 2019 xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố
Quảng Bình: Chỉ số PAR index 2019 xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố

(QBĐT) - Theo công bố của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ về Chỉ CCHC năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR index) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2019, tỉnh Quảng Bình vẫn chưa có được sự cải thiện đáng kể về thứ hạng.

Ba Đồn cần quan tâm tạo điều kiện để triển khai các dự án tạo động lực cho phát triển thị xã trong tương lai
Ba Đồn cần quan tâm tạo điều kiện để triển khai các dự án tạo động lực cho phát triển thị xã trong tương lai

(QBĐT) - Đó là ý kiến phát biểu của đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tại buổi làm việc với thị xã Ba Đồn về tình hình kinh tế xã hội vào chiều ngày 21-5. 

15 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tham gia bình chọn khu vực miền Trung-Tây Nguyên
15 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tham gia bình chọn khu vực miền Trung-Tây Nguyên
(QBĐT) - Ngày 21-5, Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020 tổ chức cuộc họp nhằm thông qua kết quả đánh giá và chọn sản phẩm đoạt giải gửi tham gia bình chọn cấp khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2020.