(QBĐT) - Ngày 24-12, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tình hình xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Công Huấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, liên quan và các thành viên Ban Chỉ đạo.
![]() |
Năm 2019, cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7-1-2016 của Bộ Chính trị, gắn với đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, việc thực hiện các nghị quyết, chủ trương về tăng cường đổi mới công tác dân vận và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp trong tỉnh đã tích cực tham mưu cho cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ở các loại hình. Nhờ đó, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở các loại hình cơ sở, lĩnh vực tiếp tục đi vào nền nếp, hiệu quả hơn, phát huy được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền. Năm 2019, Quảng Bình tiếp tục dẫn đầu về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (chỉ số PAPI).
Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung thảo luận, làm rõ những kết quả đạt được, cũng như khó khăn, hạn chế trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2019; đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thắng nhấn mạnh: Năm 2020, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quán triệt đầy đủ, cụ thể hóa nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về thực hiện dân chủ cơ sở và quy chế dân chủ ở cơ sở trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về thực hiện quy chế dân chủ.
Các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng những quy chế, quy định, quy trình dân chủ phù hợp với tình hình thực tiễn để triển khai có hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quyền, lợi ích của nhân dân.
Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đi vào nền nếp, thực chất hơn và đạt kết quả cao nhất.
Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh phối hợp chặt chẽ với các Ban Chỉ đạo khác để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các thông tin xấu, độc, lợi dụng dân chủ để kích động, lôi kéo, tuyên truyền sai quan điểm, chủ chương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Hiền Chi