Rèn luyện sức khỏe để... tác nghiệp

  • 11:06, 15/06/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Do đặc thù nghề nghiệp và yêu cầu của công tác tuyên truyền, nhiều người làm báo thường xuyên phải tác nghiệp ở những địa bàn khó khăn, địa hình hiểm trở, đặc biệt là vào những lúc thiên tai, bão lũ... Bởi vậy, cùng với chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, những người làm báo cũng cần tăng cường rèn luyện sức khỏe để phục vụ tốt cho công việc.
 
Trong thời đại công nghệ số bùng nổ, việc các cơ quan báo chí, nhà báo phải cạnh tranh với mạng xã hội đang ngày càng gay gắt, mạnh mẽ hơn. Do đó, những áp lực về sản xuất tin, bài, ảnh chất lượng, nhanh chóng, chính xác, tác nghiệp theo hướng đa phương tiện..., đòi hỏi các nhà báo, phóng viên phải không ngừng nỗ lực rèn luyện về trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như sức khỏe, tinh thần thì mới “bắt nhịp” được với yêu cầu công việc trong kỷ nguyên số.
Các nhà báo, phóng viên Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình tham gia giải bóng bàn truyền thống lần thứ XXV, năm 2025.
Các nhà báo, phóng viên Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình tham gia giải bóng bàn truyền thống lần thứ XXV, năm 2025.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ và nhận thức được tầm quan trọng của việc luyện tập thể dục thể thao (TDTT), những năm qua, rất nhiều nhà báo, phóng viên đang công tác tại tỉnh Quảng Bình đã lựa chọn cho mình những cách thức luyện tập TDTT phù hợp nhằm nâng cao sức khỏe, tạo động lực để đóng góp, cống hiến cho sự phát triển quê hương, đất nước. Hiện nay, việc luyện tập TDTT của các nhà báo, phóng viên trên địa bàn tỉnh rất đa dạng về hình thức, nội dung tập luyện. Tùy theo điều kiện, khả năng, sở thích của từng người, các nhà báo, phóng viên chọn thể dục dưỡng sinh, thể dục dụng cụ, nhảy dân vũ, đánh bóng chuyền hơi, yoga, bơi lội hoặc tham gia vào các câu lạc bộ bóng đá, cầu lông, bóng bàn, võ thuật, pickleball... Hàng năm, không ít nhà báo, phóng viên ở tỉnh còn mạnh dạn, tích cực tham gia vào những giải thi đấu lớn do các khối, ban, ngành, đơn vị trong tỉnh tổ chức và đạt được thành tích cao.
 
Nhà báo Phan Hòa là một trong những vận động viên bộ môn bóng bàn, từng gặt hái được nhiều thành tích xuất sắc ở các giải đấu trong tỉnh. Anh chia sẻ: “Thể dục thường xuyên sẽ giúp con người tăng cường sức mạnh cơ bắp, dẻo dai khớp xương, nâng cao sức bền tim mạch và hỗ trợ miễn dịch hiệu quả. Ngoài ra, hoạt động TDTT còn giúp nhà báo, phóng viên cải thiện hiệu suất làm việc, giảm căng thẳng và mệt mỏi, phòng ngừa bệnh tật, tăng cường tinh thần đồng đội, làm việc nhóm... Để có được những tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở của cuộc sống, đa dạng về hình thức, thể loại, nội dung, những người làm báo ngoài nỗ lực rèn luyện về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, còn phải chú trọng đến tập luyện TDTT để phục vụ tốt hơn cho những chuyến đi thực tế ở khu vực miền núi rẻo cao, đường biên cột mốc, vùng sâu xa hay vùng biên giới hải đảo.
 
Trong điều kiện Quảng Bình là địa phương thường xuyên phải gánh chịu nhiều hậu quả khắc nghiệt từ thiên tai như lũ lụt, hạn hán, việc các nhà báo, phóng viên quan tâm rèn luyện sức khỏe thường xuyên, chú trọng trang bị cho bản thân những kỹ năng về bơi lội, di chuyển đúng cách ở vùng địa hình hiểm trở..., sẽ giúp họ mạnh dạn, tự tin, tiếp cận được với những hiện trường khắc nghiệt một cách an toàn nhằm thu thập thông tin, cho ra những tác phẩm báo chí mang tính thời sự, đặc sắc, gần gũi với hơi thở cuộc sống, được đông đảo độc giả đón nhận...”.
Tác giả bài viết trong một chuyến công tác đến với khu vực miền núi phía Tây của tỉnh.
Tác giả bài viết trong một chuyến công tác đến với khu vực miền núi phía Tây của tỉnh.
Với riêng cá nhân tôi, trong suốt gần 20 năm làm báo, bên cạnh thường xuyên rèn luyện sức khỏe, tôi tích cực học tập thêm kinh nghiệm của cư dân bản địa, chiến sĩ Biên phòng, lực lượng Kiểm lâm, bảo vệ rừng..., để đi bộ băng rừng, lội suối, vào được với những bản làng xa ngái của đồng bào dân tộc thiểu số. Đơn cử, nếu quãng đường đi bộ băng rừng quá xa, hiểm trở, người đi rừng cần phải biết “lượng sức mình” để phân bố sức lực cho phù hợp. Nếu lúc đầu đi bộ quá nhanh, về sau sẽ rất dễ đuối sức. Khi xuống dốc dựng đứng, trơn trượt, cần đặt mũi bàn chân vuông góc với hướng tiếp cận, có như thế sẽ tăng thêm lực chống đỡ cơ thể, hạn chế sự kéo trượt về phía trước dễ gây té ngã.
 
Ngày 27/3/1946, bài viết “Sức khỏe và thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc số 199 đã đến với đông đảo đồng bào nước ta, khích lệ mọi người cùng nhau luyện tập thể dục, rèn luyện sức khỏe. Bài viết đã truyền đi thông điệp tích cực để nhân dân chú ý hơn đến việc rèn luyện thân thể. Tinh thần luyện tập thể dục từ bài viết của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là lời nhắc nhở, động viên quý báu truyền lại cho thế hệ trẻ ngày nay.
Trên đường tác nghiệp, khi thực hiện lội bộ qua những con suối nhiều đá cuội, nước chảy xiết và cao quá đầu gối, người lội suối cần phải quan sát vị trí có nhiều đất, cát để đặt bàn chân cho thật vững chắc, rồi mới nhấc chân còn lại để bước tiếp. Kỹ năng này sẽ giúp người lội suối chống được sự trơn trượt từ rêu mốc bám phủ trên đá, chống trụ vững vàng hơn khi bị lực đẩy của nước tác động vào cơ thể. Khi tác nghiệp ở khu vực rừng sâu, cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ phù hợp như nước uống, thực phẩm, tất chân, dép rọ, thuốc chống sên, vắt, không mang theo những thứ không thực sự cần thiết để tránh tổn hao về sức khỏe, không đủ sức để đến được đích...
 
Đặc biệt, những năm qua, Quân chủng Hải quân đều tạo điều kiện thuận lợi để cho hàng chục nhà báo, phóng viên tại Quảng Bình (như Tâm Phùng, Hương Giang, Anh Tuấn, Thanh Long, Huy Hoàng, Công Hợp, Xuân Phú, Diệu Hương...) theo chân các đoàn công tác ra thăm, làm việc với quân và dân trên đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1. Để được tham gia vào chuyến công tác đặc biệt này, tiêu chí đầu tiên mà các nhà báo, phóng viên cần đáp ứng được đó là yêu cầu về sức khỏe, bởi vì, phải có sức khỏe dẻo dai thì mới đủ sức chống lại chứng say sóng, đủ sức khỏe cho một hải trình dài. Nhờ chăm chỉ rèn luyện TDTT, hầu hết các nhà báo, phóng viên được cử tham gia đoàn công tác đều đã hoàn thành nhiệm vụ, mang về đất liền nhiều tác phẩm báo chí viết về Trường Sa, Nhà giàn DK1 rất có giá trị, giúp đọc giả có thêm nhiều thông tin kịp thời, sâu sát về biển, đảo quê hương... 
Văn Minh

tin liên quan

Giải bóng bàn thiếu niên, nhi đồng năm 2025
Giải bóng bàn thiếu niên, nhi đồng năm 2025

(QBĐT) - Chiều 15/6, Liên đoàn Bóng bàn tỉnh tổ chức bế mạc và trao giải bóng bàn thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Bình lần thứ II-năm 2025. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình (16/6/1957-16/6/2025).

Bế mạc giải vô địch bóng đá nam 7 người tỉnh Quảng Bình
Bế mạc giải vô địch bóng đá nam 7 người tỉnh Quảng Bình

(QBĐT) - Chiều 8/6, tại sân vận động xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ bế mạc giải vô địch bóng đá nam 7 người tỉnh Quảng Bình tranh cúp Huda năm 2025.

 

Khai mạc giải vô địch bóng đá nam tranh Cúp Huda 2025
Khai mạc giải vô địch bóng đá nam tranh Cúp Huda 2025

(QBĐT) - Chiều 2/6, tại sân vận động xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lễ khai mạc giải vô địch bóng đá nam 7 người tỉnh Quảng Bình tranh cúp Huda năm 2025.