(QBĐT) - Vài năm trở lại đây, huyện vùng cao Minh Hóa đã đầu tư hàng chục sân cầu lông, thu hút hàng trăm em học sinh (HS) đến học tập và giao lưu. Từ những sân chơi bổ ích này, nhiều vận động viên (VĐV) cầu lông trẻ đã vươn lên khẳng định tài năng.
Chú trọng đào tạo
Phong trào cầu lông tại huyện Minh Hóa phát triển mạnh từ năm 2020. Khi đó, nhà thi đấu thể thao đa năng huyện Minh Hóa được đưa vào sử dụng với 4 sân cầu lông, bảo đảm cho việc tập luyện, thi đấu của người dân. Tiếp đó, các nhà thi đấu đa năng tại Trường THPT Minh Hóa, Trường THCS và THPT Hóa Tiến, Trung Hóa và khu liên hợp thể thao Minh Mót lần lượt ra đời, nâng tổng số sân cầu lông trong nhà toàn huyện lên con số 19. Ngoài ra, một số cơ quan, gia đình vẫn duy trì hàng chục sân tập luyện cầu lông ngoài trời.
Nhờ có sân cầu lông trong nhà, các lớp dạy cầu lông cũng bắt đầu ra đời. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện Minh Hóa đã duy trì 5 lớp dạy cầu lông cho gần 100 HS. Riêng trong dịp hè đã tăng lên 10 lớp với gần 200 em tham gia học tập tại nhà thi đấu thể thao đa năng huyện và khu liên hợp thể thao Minh Mót.
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thông huyện Minh Hóa Đinh Thanh Duẩn cho biết: “Đa số các em đến học cầu lông đều thể hiện được niềm đam mê thực sự. Đáp ứng nhu cầu đó, chúng tôi mở các lớp học cầu lông từ cơ bản đến nâng cao, mời đội ngũ huấn luyện viên (HLV), VĐV cầu lông chuyên nghiệp, nhiệt tình đến dạy. Dịp hè, chúng tôi tổ chức thêm nhiều lớp, nhiều khung giờ vào tất cả các ngày trong tuần để HS chủ động thời gian học tập, rèn luyện”.
Một buổi học cầu lông của các em học sinh huyện Minh Hóa trong dịp hè.
Mỗi tuần, các em được học cầu lông 3 buổi. Trong dịp hè, trung tâm còn tổ chức một giải đấu để kiểm tra năng lực của học viên, giúp các em cọ xát và nâng cao trình độ. Một số em có năng khiếu, thành tích thi đấu tốt đã được chọn tham gia các giải đấu cấp huyện, tỉnh. Em Lê Thị Cẩm Tú, HS lớp 9B, Trường THCS thị trấn Quy Đạt bộc bạch: “Ba là người đầu tiên dạy cháu chơi cầu lông. Từ khi biết chơi, cháu đi học thêm ở các lớp cơ bản, nâng cao và sinh hoạt tại các câu lạc bộ (CLB) cầu lông trong huyện. Nhờ đó, sức khỏe, tốc độ, kỹ thuật chơi của cháu ngày càng được cải thiện”.
“Quả ngọt”
HLV cầu lông Cao Việt Hùng cho biết: “Qua quá trình dạy, tôi thấy các em nắm bắt được kỹ năng cơ bản về cầu lông, sức khỏe và thể chất được cải thiện. Nhờ quá trình đào tạo, học tập nghiêm túc, nhiều HS ở huyện Minh Hóa đã thể hiện được khả năng, gặt hái nhiều “quả ngọt” tại các giải cầu lông. Đặc biệt, khoảng hơn 2 năm trở lại đây, đội cầu lông trẻ huyện Minh Hóa luôn đạt thành tích cao, “trình làng” những lứa VĐV chất lượng tại các giải cầu lông trẻ tỉnh Quảng Bình và khu vực”.
Năm 2024, tại giải cầu lông các nhóm tuổi quận Thanh Khê (Đà Nẵng) mở rộng, cặp đôi VĐV đến từ Minh Hóa là Đinh Bảo Nam và Đinh Tuấn Hưng đã xuất sắc giành huy chương vàng (HCV) lứa tuổi từ 13-14. Giải đấu này thu hút hơn 1.500 VĐV đến từ 37 CLB cầu lông trên địa bàn TP. Đà Nẵng và các địa phương khác tham gia. Cũng trong năm 2024, đoàn VĐV huyện Minh Hóa tham gia giải cầu lông các nhóm tuổi thanh, thiếu niên Quảng Bình tranh giải 73 Boutique. Với sự nỗ lực, đoàn Minh Hóa đã giành giải nhất với 4 HCV ở các nội dung: Đơn nam U15, đôi nam U15, đôi nam nữ U18, đơn nữ U18; đồng thời, đoạt 8 huy chương bạc và đồng ở nhiều nội dung khác nhau.
Các vận động viên đến từ huyện Minh Hóa đoạt huy chương vàng tại Hội thi thể thao học sinh tỉnh năm 2024-2025.
Mới đây nhất, tại hội thi thể thao HS tỉnh năm 2024-2025, 4 VĐV khối THCS của huyện Minh Hóa đã “thống trị” tuyệt đối môn cầu lông khi giành 3 HCV ở cả 3 nội dung được tổ chức, gồm: Đơn nam, đơn nữ, đôi nam nữ.
Đặc biệt, trong trận chung kết đôi nam nữ, cặp VĐV Đinh Tuấn Hưng và Lê Thị Cẩm Tú gặp 2 VĐV đến từ Lệ Thủy. Mặc dù bị đối thủ dẫn 0-1 trong séc đấu đầu tiên, nhưng với bản lĩnh và quyết tâm cao, đôi VĐV đến từ Minh Hóa đã lội ngược dòng giành chiến thắng 2-1. Em Đinh Tuấn Hưng chia sẻ: “Đội bạn có khán giả đông khiến chúng em gặp một chút vấn đề về tâm lý. Nhưng sau giờ nghỉ, HLV đã yêu cầu chúng em đổi chiến thuật khi để Cẩm Tú lên trước bắt lưới, còn em bao phần sân phía sau. Từ đó, em đã phát huy được những quả đập cầu, còn Cẩm Tú cũng thể hiện được sự khéo léo bằng các pha bỏ nhỏ hiệu quả”.
“Để phong trào cầu lông trẻ huyện Minh Hóa phát triển hơn nữa, theo tôi, các địa phương cần mở thêm các lớp dạy cầu lông, đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực thể thao, trong đó có sân cầu lông. Tổ chức nhiều giải đấu trong huyện, cử VĐV tham gia các giải đấu trong tỉnh, khu vực và toàn quốc để các em được giao lưu, cọ xát. Ngoài ra, các trường học cần đưa môn cầu lông vào giảng dạy, thi đấu để phát triển phong trào…”, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thông huyện Minh Hóa Đinh Minh Điều cho biết.
Em Cao Nữ Trà My, lớp 7A Trường THCS Yên Hóa, vừa đoạt HCV nội dung đơn nữ cầu lông khối THCS tại hội thi thể thao HS tỉnh, chia sẻ: “Em rất vui với kết quả của giải vừa rồi. Mặc dù gặp các đối thủ mạnh nhưng em được rèn luyện tốt về thể lực, kỹ thuật nên tự tin thể hiện mình. Trong trận chung kết, đối thủ của em tuy cao lớn hơn nhưng em đã dùng chiến thuật đánh cầu dài, ngắn xen kẽ và điều cầu về 4 góc sân để “phá sức” đối thủ. Mặc dù bị thua trong séc 1, nhưng qua séc 2-3, đối thủ bị bào mòn thể lực nên em đã lật ngược được thế trận và chiến thắng chung cuộc”.
Ông Đinh Bình Trung, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Minh Hóa chia sẻ: “Trong suốt giải đấu, phải thi đấu xa nhà, ít cổ động viên nhưng VĐV của huyện đã thể hiện được bản lĩnh, kinh nghiệm, thể lực và trình độ chuyên môn nhỉnh hơn các đơn vị để giành HCV. Để đạt thành công, chúng tôi đã bố trí thời gian, huấn luyện cho các em bài bản, tuân thủ đấu pháp khi thi đấu”…
(QBĐT) - Sau 3 ngày tranh tài sôi nổi, sáng 22/6, giải cầu lông, bóng bàn gia đình tỉnh Quảng Bình lần thứ IV năm 2025 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã bế mạc.
(QBĐT) - Chiều 20/6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức khai mạc giải cầu lông, bóng bàn gia đình tỉnh Quảng Bình lần thứ IV năm 2025. Giải đấu nhằm hưởng ứng kỷ niệm 24 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2025) với chủ đề "Gia đình hạnh phúc-Quốc gia thịnh vượng".
(QBĐT) - Do đặc thù nghề nghiệp và yêu cầu của công tác tuyên truyền, nhiều người làm báo thường xuyên phải tác nghiệp ở những địa bàn khó khăn, địa hình hiểm trở, đặc biệt là vào những lúc thiên tai, bão lũ... Bởi vậy, cùng với chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, những người làm báo cũng cần tăng cường rèn luyện sức khỏe để phục vụ tốt cho công việc.