(QBĐT) - Không chỉ là hoạt động rèn luyện thể chất, thể thao học đường (TTHĐ) ở Quảng Bình ngày càng được nhìn nhận như một phần quan trọng trong quá trình giáo dục toàn diện, góp phần phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, xây dựng lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ. Dù còn nhiều khó khăn, phong trào này vẫn đang lặng thầm lan tỏa, nhen lên ngọn lửa đam mê trên từng sân trường, từng đường chạy, sân bóng.
Nhiều khởi sắc
Những năm gần đây, TTHĐ ở Quảng Bình đã có nhiều khởi sắc rõ rệt. Các trường học ngày càng quan tâm hơn đến việc tổ chức các hoạt động thể chất, lồng ghép rèn luyện thể thao vào hoạt động giáo dục chính khóa và ngoại khóa. Nhiều trường đã chủ động tổ chức các câu lạc bộ thể thao học sinh, duy trì tốt các buổi thể dục giữa giờ, các giải đấu nội bộ, góp phần xây dựng môi trường học tập năng động, tích cực.
Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Lệ Thủy) được xem là “ngọn cờ đầu” trong phong trào TTHĐ. Với 5 năm liên tục giành giải nhất toàn đoàn tại hội thi thể thao học sinh (HS) cấp tỉnh, trường đã chứng minh thể thao không chỉ là hoạt động ngoại khóa mà là thế mạnh thực thụ, là niềm tự hào và là nền tảng vững chắc để HS phát triển toàn diện. Điều đáng nói, thành tích của trường không đến từ phong trào “bề nổi” mà là kết quả của quá trình rèn luyện lâu dài, bài bản, có chiến lược.
![]() |
“Ban Giám hiệu nhà trường đặc biệt chú trọng đưa thể thao vào đời sống học đường như một phần của văn hóa trường học. Mỗi HS đều được tham gia các môn thể thao phù hợp với năng lực; những học sinh có tố chất được tuyển chọn, rèn luyện chuyên sâu trong các đội tuyển. Đặc biệt, môn bơi lội, thế mạnh của HS Trường THPT Nguyễn Chí Thanh đã gặt hái thành tích đáng tự hào tại các kỳ Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh và cấp quốc gia”, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh Nguyễn Văn Thành chia sẻ.
Không chỉ là nơi phát hiện, bồi dưỡng tài năng, trường còn xây dựng được tinh thần thể thao sôi nổi và đồng đều. Các lớp học đều có đội tuyển riêng tham gia giải thể thao cấp trường; các buổi tập diễn ra đều đặn, có sự hỗ trợ sát sao của giáo viên bộ môn và ban chuyên môn nhà trường. Chính môi trường thể thao năng động ấy đã tạo cảm hứng để HS say mê rèn luyện, phát triển thể lực, hình thành lối sống lành mạnh và tinh thần vượt khó.
Không chỉ có Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu thay đổi cách tiếp cận với TTHĐ, không còn xem đây là hoạt động phụ, mà là “mảnh đất” tiềm năng để giáo dục ý chí, bồi dưỡng năng khiếu, rèn luyện kỹ năng sống. Nhờ đó, phong trào TTHĐ ở Quảng Bình trong những năm gần đây có chuyển biến rõ nét, quy mô tổ chức ngày càng mở rộng, chất lượng vận động viên HS ngày càng nâng cao, tạo ra nguồn lực kế cận chất lượng cho thể thao thành tích cao tỉnh nhà.
Các giải thể thao học sinh từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh được tổ chức đều đặn và chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, Hội khỏe Phù Đổng, sân chơi thể thao lớn nhất dành cho HS ngày càng được tổ chức chuyên nghiệp, có sức hút. Nhiều em có thành tích nổi bật, đại diện tỉnh thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc và mang về thành tích đáng khích lệ.
Một số trường có phong trào thể thao phát triển, như: THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, THPT Phan Đình Phùng, THPT Lương Thế Vinh (Quảng Ninh), THPT Nguyễn Chí Thanh… bước đầu tạo được môi trường rèn luyện, thi đấu thể thao bài bản, có định hướng. Không ít HS từ mái trường phổ thông đã trở thành vận động viên năng khiếu của tỉnh nhà, tiếp tục phát triển trên con đường chuyên nghiệp. Quan trọng hơn, TTHĐ không chỉ dừng lại ở thành tích. Qua các hoạt động rèn luyện thể chất, HS được hình thành thói quen vận động, phát triển thể lực, tăng cường kỹ năng sống, tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó, những yếu tố không thể thiếu để phát triển toàn diện trong bối cảnh giáo dục hiện đại.
![]() |
Những khoảng trống cần lấp đầy
Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, phong trào TTHĐ ở Quảng Bình vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trước hết là vấn đề cơ sở vật chất. Ở nhiều trường học, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện sân bãi, dụng cụ tập luyện còn thiếu thốn, lạc hậu. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục thể chất cũng như khả năng phát triển năng khiếu cho HS. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên thể chất ở một số trường vẫn còn bất cập. Số lượng giáo viên chuyên trách chưa đủ, nhiều nơi còn thiếu giáo viên thể dục; mặt bằng chuyên môn chưa đồng đều; năng lực huấn luyện chuyên sâu chưa đáp ứng được yêu cầu phát hiện, bồi dưỡng HS năng khiếu. Chế độ đãi ngộ, cơ hội đào tạo nâng cao trình độ cho giáo viên thể chất cũng còn hạn chế.
Tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024, tỉnh Quảng Bình có 57 huy chương cá nhân và đồng đội (8 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 35 huy chương đồng). Tính theo cá nhân, có 17 vận động viên đoạt huy chương vàng, 22 vận động viên đoạt huy chương bạc, 64 vận động viên đoạt huy chương đồng, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố tham gia. |
Một rào cản nữa là sự thiếu liên kết chặt chẽ giữa TTHĐ và thể thao thành tích cao. Việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ hiện vẫn mang tính ngẫu nhiên, phụ thuộc vào nỗ lực cá nhân của giáo viên hoặc từng nhà trường. Lộ trình phát triển cho HS có năng khiếu thể thao còn thiếu tính hệ thống. Nhiều em sau khi kết thúc học phổ thông không có cơ hội tiếp tục theo đuổi thể thao chuyên nghiệp do thiếu mô hình liên thông hoặc định hướng rõ ràng từ sớm. Ngoài ra, tâm lý xem nhẹ thể thao của một bộ phận phụ huynh, HS và cả nhà trường cũng đang là rào cản khiến phong trào TTHĐ chưa phát huy hết tiềm năng. TTHĐ với tư cách là một phần của giáo dục toàn diện vẫn chưa được đánh giá đúng mức tại nhiều nơi.
TTHĐ không chỉ góp phần tạo nên một thế hệ HS khỏe về thể chất, mạnh về tinh thần, mà còn là “vườn ươm” cho những tài năng thể thao của tỉnh trong tương lai. Để phong trào này thực sự phát triển bền vững, thiết nghĩ, cần sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, nhân lực; cần chính sách dài hơi nhằm tạo động lực cho giáo viên, HS và nhà trường và đặc biệt, cần một cái nhìn mới, đúng đắn, tích cực về vai trò thiết yếu của thể thao trong giáo dục hiện đại.
Tâm An