(QBĐT) - Mùa hè với thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền. Chủ động phòng, chống dịch bệnh là biện pháp tối ưu để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tại Trạm Y tế xã Quảng Lưu (Quảng Trạch), từ đầu mùa hè đến nay, có 8 ca bệnh đến khám khi có các dấu hiệu bị rối loạn tiêu hóa. "Đa phần bệnh nhân nôn, đi ngoài, một số trường hợp nặng hơn, có dấu hiệu mất nước, được đưa vào điều trị. Quá trình thăm khám, chúng tôi đã hướng dẫn, tư vấn cho người dân các biện pháp phòng bệnh, như: Thường xuyên vệ sinh cá nhân, môi trường và không gian sống; bảo đảm an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi, không ăn các loại thức ăn ôi thiu, thức ăn không rõ nguồn gốc, sử dụng nguồn nước bảo đảm hợp vệ sinh", bác sĩ Biền Văn Tịnh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Lưu chia sẻ.
![]() |
Theo bác sĩ Phạm Tiến Nghi, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật-Tư vấn điều trị nghiện chất (KSBT-TVĐTNC), Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Quảng Trạch, từ đầu tháng 4/2025 đến nay, trên địa bàn ghi nhận 1 ca sốt xuất huyết, 13 ca nghi sởi, 5 ca thủy đậu, 33 ca tiêu chảy, 66 ca cúm; 11 lượt giám sát vét-tơ truyền bệnh/9 xã, các chỉ số ở mức bình thường. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Sở Y tế và CDC tỉnh, TTYT thường xuyên chủ động triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Đặc biệt, hoạt động tổng vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh luôn được các ban ngành, đoàn thể và người dân quan tâm thực hiện, nhất là tại các xã có ổ dịch sốt xuất huyết cũ, các xã có nguy cơ cao... Đến nay, các xã trên địa bàn huyện đã triển khai 12 đợt tổng vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng/bọ gậy; góp phần hạn chế số ca mắc, sự lây lan và bùng phát dịch bệnh.
Còn tại Bố Trạch, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn ghi nhận 41 ca sốt xuất huyết, 155 ca nghi sởi và 6 ca COVID-19. Bác sĩ Đỗ Xuân Tính, Trưởng khoa KSBT-TVĐTNC, TTYT huyện Bố Trạch cho hay, đơn vị đã tăng cường giám sát, phát hiện những dấu hiệu bất thường của dịch bệnh, phát hiện sớm sự gia tăng của các bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và các dịch bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, bệnh đau mắt đỏ sau các đợt mưa bão, ngập lụt; tăng cường phối hợp với Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch trong việc cập nhật số liệu giám sát bệnh truyền nhiễm. Sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra; củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất…
![]() |
Tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, ở thời điểm hiện tại, số bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm nhập viện thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Bác sĩ Đỗ Minh Huệ, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa TP. Đồng Hới chia sẻ, qua theo dõi, đối với các bệnh truyền nhiễm, lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện không đông; hiện chỉ có 22 bệnh nhân. Tuy nhiên, với tinh thần không chủ quan, luôn đề cao cảnh giác, ban giám đốc bệnh viện đã quán triệt cán bộ, nhân viên về các chỉ đạo của tỉnh, ngành Y tế cũng như những hướng dẫn trong phòng, chống dịch bệnh mùa hè, mùa mưa bão, đặc biệt khi bệnh COVID-19 đang trở lại ở một số nước trong khu vực và trong nước. Chúng tôi đã tổ chức tập huấn, nhắc lại các quy định, biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Quá trình thăm khám, đối với các bệnh nhân nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm được nhân viên y tế khai thác tiền sử đi lại và có sự phân luồng, phân loại nhằm hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Ngày 3/6/2025, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1175/UBND-NCVX về việc đẩy mạnh phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và dịch bệnh mùa mưa bão. Sở Y tế cũng đã có Công văn số 1764, chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn, với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, tích cực triển khai các biện pháp nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó tập trung cao điểm vào các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và dịch bệnh có nguy cơ xảy ra trong mùa mưa bão, ngập lụt. |
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 3300 ca mắc cúm; 588 ca nghi sởi, trong đó có 209 ca dương tính; 262 ca thủy đậu và gần 260 ca tiêu chảy… Số bệnh nhân sốt xuất huyết có 65 ca, tập trung một số địa bàn, như: Bố Trạch, TP. Đồng Hới, Quảng Trạch. Nhìn chung, tình hình mắc các bệnh truyền nhiễm tương đối ổn định, chưa ghi nhận ca tử vong do các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, một số bệnh có số ca mắc gia tăng so với cùng kỳ năm 2024, như: Các bệnh có vắc xin (cúm, sởi), các bệnh lây nhiễm thường gặp ở trẻ em (tay chân miệng, thủy đậu).
Bác sĩ Huỳnh Công Hùng, Trưởng Khoa khám, điều trị lao, bệnh phổi và phòng, chống bệnh truyền nhiễm, CDC tỉnh cho biết: Nhằm chủ động trước diễn biến của các loại bệnh truyền nhiễm, thường xuất hiện vào thời điểm thời tiết giao mùa, CDC tỉnh đã duy trì công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm trong hệ thống tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới; giám sát hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại các xã của TX. Ba Đồn; thực hiện công tác giám sát hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết tại 33 xã, phường; tăng cường tiêm vét để duy trì tỷ lệ tiêm các loại vắc-xin trong chương trình TCMR. Sắp tới, CDC tỉnh sẽ tổ chức đợt chiến dịch cao điểm; triển khai công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và các dịch bệnh có thể xảy ra trong điều kiện mưa lũ, ngập lụt (đau mắt đỏ, tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn...). Đơn vị cũng tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người dân cũng như tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; góp phần kiểm soát tình hình dịch bệnh hiệu quả.
Hương Lê