(QBĐT) - Ngày 9/5, ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, đơn vị vừa có công văn chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, xử lý triệt để, tránh để dịch lây lan ra diện rộng; phối hợp với các cơ quan báo chí tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe tới người dân về các biện pháp phòng, chống bệnh TCM; phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng, chống bệnh TCM tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là tại nhà trẻ, trường mẫu giáo; tổ chức các đoàn kiểm tra để giám sát, kiểm tra, hỗ trợ tuyến dưới và chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống bệnh TCM.
![]() |
Nội dung công văn cũng đề nghị các cơ sở giáo dục phải có đủ phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay bằng xà phòng; vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt bàn ghế học tập và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
“Đối với các bệnh viện trực thuộc sở, cần tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, hạn chế chuyển tuyến các bệnh nhân trong khả năng điều trị nhằm giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên; phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Đồng thời, thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh TCM với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác”, ông Phan Thanh Hải nhấn mạnh.
Cách phòng bệnh tay chân miệng:
1. Thực hiện tốt “3 sạch”, gồm:
- Ăn uống sạch: Thực hiện ăn chín, uống chín, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, đảm bảo vật dụng ăn uống sạch sẽ và không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa.
- Ở sạch: Vi rút có thể tồn tại ở bề mặt đồ vật trong không gian sống. Vì vậy, cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Bàn tay sạch: Trẻ và người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
2. Thu gom, xử lý phân và chất thải của trẻ.
Nên làm gì khi trẻ bị mắc bệnh?
- Khi thấy trẻ sốt và xuất hiện nốt phỏng ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.
- Khi trẻ bị bệnh phải cho trẻ nghỉ học, hạn chế tiếp xúc với trẻ khác.
- Không làm vỡ các nốt phỏng để tránh nhiễm trùng và lây lan bệnh.
- Hạn chế vận động, tăng cường dinh dưỡng, cho trẻ ăn thức ăn lỏng mềm như cháo, súp.
Nếu nghi ngờ mắc bệnh, hãy liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời
|
Hương Lê