(QBĐT) - Chỉ sau 20 ngày điều trị tại Bệnh viện đa khoa TTH Quảng Bình, bệnh nhân P.Q.V. (56 tuổi, trú tại huyện Quảng Trạch) đã phục hồi gần như hoàn toàn tình trạng liệt dây thần kinh số VII ngoại biên trái-một bệnh lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ và chức năng vận động vùng mặt.
Khởi phát sau một cơn mưa lạnh
Bệnh nhân nhập viện Khoa Hồi sức cấp cứu trong tình trạng mắt trái không nhắm kín, méo miệng sang phải, uống nước bị trào ra khóe miệng bên trái-những dấu hiệu điển hình của liệt mặt ngoại biên. Trước đó, ông V. cho biết có làm việc ngoài trời trong thời tiết mưa lạnh, sáng hôm sau cảm thấy nặng mặt bên trái, kèm đau đầu nhẹ, hoa mắt, chóng mặt nhưng không yếu tay chân.
![]() |
Đáng chú ý, ông V. có tiền sử từng điều trị ung thư vòm họng bằng xạ trị-yếu tố khiến các bác sĩ đặc biệt thận trọng, bởi nguy cơ tổn thương thần kinh trung ương là không thể bỏ qua.
Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não để loại trừ các nguyên nhân như u não, viêm não hay tổn thương trung ương. Kết quả không ghi nhận bất thường, từ đó, bác sĩ xác định bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên trái và chuyển sang điều trị tại Khoa Y học cổ truyền-Phục hồi chức năng.
Chọn Y học cổ truyền-Phục hồi toàn diện, an toàn
Dựa trên thể trạng và tiền sử bệnh lý, BSCKI. Trần Bảo Quốc-Bác sĩ điều trị chính cho bệnh nhân lựa chọn hướng điều trị thuần Y học cổ truyền-vốn có nhiều ưu điểm trong điều trị liệt mặt ngoại biên nhờ khả năng phục hồi dẫn truyền thần kinh và cải thiện chức năng vận động cơ mặt. Cụ thể:
Châm cứu chuyên biệt (hào châm, điện châm và ôn châm): Tác động trực tiếp lên các huyệt đạo vùng mặt để kích thích tuần hoàn máu và phục hồi dẫn truyền dây thần kinh số VII.
![]() |
Cứu ngải: Sử dụng nhiệt năng từ điếu ngải để tác động lên huyệt, giúp làm ấm kinh lạc, hỗ trợ tăng lưu thông khí huyết, giảm co cứng cơ vùng mặt.
Xoa bóp bấm huyệt và vận động trị liệu: Giúp cơ mặt linh hoạt hơn, giảm sưng nề, đồng thời hỗ trợ cải thiện sớm chức năng và thẩm mỹ gương mặt.
Sau 20 ngày kiên trì điều trị liên tục, bệnh nhân phục hồi gần như hoàn toàn: Gương mặt cân đối trở lại, ánh mắt linh hoạt, ăn uống bình thường, sinh hoạt không còn trở ngại.
Phát hiện sớm-Điều trị đúng: Chìa khóa phục hồi
Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên là tình trạng thường gặp, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh hoặc có sự thay đổi đột ngột. Tuy không đe dọa tính mạng, nhưng nếu không điều trị đúng và kịp thời, bệnh có thể để lại di chứng thẩm mỹ nghiêm trọng, ảnh hưởng tâm lý và chất lượng sống của người bệnh và thời điểm vàng điều trị càng sớm thì khả năng phục hồi càng cao.
![]() |
Tại Khoa Y học cổ truyền-Phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa TTH Quảng Bình, các phương pháp điều trị liệt dây thần kinh số VII hiện được triển khai đồng bộ và hiệu quả, kết hợp giữa châm cứu-cứu ngải-xoa bóp bấm huyệt và phục hồi vận động. Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, bệnh nhân được tiếp cận điều trị sớm, chăm sóc toàn diện, giúp rút ngắn thời gian phục hồi và hạn chế tối đa di chứng.
Ngoài ra, Khoa Y học cổ truyền phục hồi chức năng Bệnh viện đa khoa TTH Quảng Bình còn điều trị y học cổ truyền các bệnh lý, như:
+ Bệnh về cơ xương khớp: Thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, thoát vị đĩa đệm, hội chứng vai gáy, bệnh gout,...
+ Bệnh về tiêu hóa: Viêm đại tràng mãn tính, viêm dạ dày mạn tính,...
+ Bệnh chuyển hóa: Béo phì, đái tháo đường và các biến chứng của thần kinh ngoại biên của đái tháo đường type 2,...
+ Tăng huyết áp, rối loạn thần kinh, thiểu năng tuần hoàn não, hội chứng tiền đình,...
![]() |
Tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật, tai biến, chấn thương, đột quỵ, các bệnh lý cơ xương khớp, thần kinh,... như:
+ Phục hồi chức năng sau các ca phẫu thuật chấn thương sọ não, thay dây chằng gối, thay khớp háng, khớp gối, thần kinh cột sống,...
+ Các bệnh lý thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp,...
Đặc biệt, nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí khám chữa bệnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Khoa Y học cổ truyền-Phục hồi chức năng Bệnh viện đa khoa TTH Quảng Bình áp dụng bảo hiểm y tế cho tất cả người dân mà không phải chuyển tuyến, không phân biệt nơi khám chữa bệnh ban đầu.