(QBĐT) - Từ đầu năm 2025 đến nay, đặc biệt giai đoạn sau Tết Nguyên đán, số ca mắc cúm trên địa bàn huyện Minh Hóa tăng đột biến, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, với hơn 780 ca.
Quá tải vì bệnh nhân mắc cúm nhập viện
Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa những ngày sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trở nên quá tải, khi lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng và đa phần trong đó là các ca bị cúm.
Chị Cao Thị Lệ Hòa ở xã Trung Hóa có con trai Đinh Nh. A. vừa nhập viện đang điều trị tại khoa cho hay: “Đầu tiên cháu có hiện tượng sốt nhẹ, sang ngày sau tăng dần lên 39-40 độ. Đến lúc uống thuốc hạ sốt vẫn không đáp ứng nên em lo quá, phải cho con nhập viện”. Theo chị Hòa, lớp con trai chị có gần một nửa bị cúm và có nhiều cháu cũng đang điều trị tại đây. “Hồi trước uống thuốc vô là hạ sốt chứ đợt này uống thuốc vô vẫn sốt cao mãi”, chị Hòa bày tỏ băn khoăn.
|
Cháu Đinh Đặng H.Đ. (3 tuổi) ở xã Hồng Hóa nhập viện cấp cứu khi bị co giật do sốt cao. Anh Đinh Văn Hiệp, bố của cháu cho biết: Cháu bị sốt, ho từ đầu tuần; càng ngày sốt càng cao theo từng cơn và và lạnh người. Đến ngày 13/2, cháu bị co giật nên gia đình phải đưa vào viện cấp cứu. “Trên lớp của con trai, nhiều bạn phải nghỉ học vì ốm và trẻ con trong xóm bị sốt kiểu này cũng rất nhiều”, anh Hiệp chia sẻ.
“Hiện tại khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa chưa có điều kiện để test xác định cúm A, B. Tuy nhiên, dựa vào triệu chứng lâm sàng liên quan bệnh cúm thì thấy số lượng tăng lên rất nhiều, gấp đôi so với cùng kỳ các năm trước đây. Cơ sở vật chất của bệnh viện còn hạn chế, toàn khoa chỉ được 40 giường nhưng từ đầu năm lại nay, lượng bệnh nhi nhập viện luôn ở mức cao, dao động trong khoảng từ 40-50 bệnh nhân; như ngày hôm nay có 61 bệnh nhân đang điều trị tại đây. Mặt khác, nguồn nhân lực, thuốc thang cũng rất thiếu thốn, ví dụ như orezol, kháng sinh,… vẫn chưa thể đủ. Vì vậy, chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc thu dung, điều trị bệnh nhân”, bác sĩ CK I. Cao Thị Ngọc Hà, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa cho biết.
|
Cũng theo bác sĩ Cao Thị Ngọc Hà, bệnh cúm năm nay có tính chất lây lan hơn những năm trước. Các cháu nhập viện bị sốt, nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm họng, viêm amidan và một số bị viêm phổi.
Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh
Trước tình hình bệnh cúm có diễn biến gia tăng tại huyện Minh Hóa, chiều 14/2, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đỗ Quốc Tiệp đã tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát và hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh cúm tại địa bàn.
Theo báo cáo nhanh của Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa Nguyễn Tuấn Việt, từ đầu năm đến nay (14/2), trên địa bàn huyện Minh Hóa ghi nhận hơn 780 ca mắc cúm mùa. Trong đó, có 310 ca nhập viện, điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa (có 2 ca nặng đã được xuất viện); 473 ca đến khám, điều trị tại trạm y tế các xã, thị trấn và ghi nhận tại cộng đồng.
|
Vào thời điểm cuối tháng 12/2024, trên địa bàn huyện Minh Hóa cũng có sự tăng nhanh các ca bệnh sởi. Nhờ kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt là đồng loạt tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh sởi cho trẻ trong độ tuổi trên địa bàn (với tỷ lệ hơn 85%), tình hình dịch bệnh sởi đã được khống chế cơ bản.
“Tình hình vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên, cần chuẩn bị cho phương án xấu nhất, nếu dịch lan rộng thì phải xây dựng kế hoạch, lên phương án ứng phó hiệu quả, kịp thời”, bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp cho hay. |
Qua nắm bắt tình hình, Giám đốc CDC tỉnh nhận định: Nhìn chung, số ca mắc cúm ghi nhận cao hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng những trường hợp nặng không nhiều, tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, đề nghị Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa không được chủ quan, cần tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là bệnh cúm, sởi và các bệnh lây qua đường hô hấp. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 116/CĐ-TTg, ngày 14/11/2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi; bám sát các chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế về phòng, chống dịch bệnh trong mùa đông xuân. Lưu ý triển khai công tác tiêm chủng đúng lịch cho trẻ; rà soát các đối tượng chưa được tiêm để tổ chức tiêm vét, tiêm bù nhằm nâng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng.
Tăng cường truyền thông để người dân hiểu đúng về bệnh, không bị hoang mang nhưng cũng không chủ quan, thực hiện các biện pháp phòng dịch, như: Đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người, rửa tay sát khuẩn, khi bị bệnh cần đến các cơ sở y tế, không tự ý điều trị tại nhà,… Đối với người lớn tuổi, người có bệnh nền, trẻ em,… khuyến khích tiêm vắc-xin phòng ngừa cúm.
Hương Lê