(QBĐT) - Xác định làm tốt công tác dân số là góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, những năm qua, huyện Lệ Thủy luôn quan tâm chú trọng phát triển chất lượng dân số trên toàn huyện, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS).
Huyện Lệ Thủy hiện có hơn 6.200 ĐBDTTS, chiếm 3,86% dân số toàn huyện, sinh sống tại 3 xã miền núi: Kim Thủy, Ngân Thủy và Lâm Thủy, với 24 thôn bản, 1.605 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Bru-Vân Kiều.
Thời gian qua, vấn đề nâng cao chất lượng dân số vùng ĐBDTTS và miền núi (thuộc dự án 7, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030) nhằm cải thiện sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em miền núi đã được Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy tăng cường thực hiện.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Y tế huyện tập trung các hoạt động về tận thôn, bản. Theo đó, trên 700 trường hợp được tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên (VTN, TN) tại các xã miền núi thu hút gần 500 người tham gia; hơn 400 lượt người cao tuổi được khám sức khỏe và tư vấn chăm sóc dựa vào cộng đồng; khám và xét nghiệm phòng bệnh tan máu bẩm sinh cho 580 trường hợp…
Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy còn đẩy mạnh thực hiện các đề án, mô hình thuộc chương trình dân số, trong đó chú trọng bảo đảm nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tại các xã đặc biệt khó khăn, xã có mức sinh cao, như: Liên Thủy, Sen Thủy, Dương Thủy, Ngư Thủy, Hoa Thủy...
Vì vậy, tỷ lệ thực hiện các dịch vụ KHHGĐ tại các xã này luôn đạt từ 90% trở lên. Trung tâm cũng duy trì thực hiện ở 100% xã, thị trấn các mô hình sàng lọc trước sinh và sơ sinh, mô hình can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và kêu gọi sự phối hợp của các ban, ngành, như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… nhằm tuyên truyền hiệu quả các đề án của chương trình dân số và phát triển.
![]() |
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy Nguyễn Công Quân cho biết: Với nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, đến nay, trên địa bàn huyện đã giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, giảm chênh lệch giới tính khi sinh, các hoạt động về chăm sóc SKSS/KHHGĐ đều đạt kế hoạch trên 98% và duy trì tốt.
Tuy nhiên, tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, có nhiều ĐBDTTS sinh sống, vẫn tồn tại quan niệm muốn sinh nhiều con và đặc biệt là con trai. Đơn cử, xã Kim Thủy là địa phương có đông ĐBDTTS sinh sống nhất với 1.090 hộ (chiếm 67,9%), đời sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao và có xu hướng tăng qua các năm (năm 2021: 29%; 2022: 31%; 7 tháng năm 2024: 47%).
Trưởng trạm Y tế xã Kim Thủy Lê Văn Duẩn chia sẻ: Nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông nên tại địa phương hiện không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; người dân được tiếp cận với các dịch vụ dân số-KHHGĐ. Phụ nữ khi sinh con cũng đến trạm hoặc có cô đỡ thôn bản hỗ trợ, qua đó giảm thiểu tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. 100% trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường, nhiều hủ tục được xóa bỏ và thực hiện theo nếp sống văn hóa mới.
Hiện tại, một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, muốn sinh nhiều con và phải sinh con trai “nối dõi tông đường”... Để giảm thiểu tình trạng này, các trạm y tế xã đã và đang tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nói chuyện, tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, không phân biệt con trai, con gái… Song do địa bàn xã rộng, người dân sống rải rác, đi lại khó khăn nên công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ ở các địa phương này còn gặp nhiều khó khăn.
“Thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy sẽ chỉ đạo trạm y tế các xã miền núi tăng cường hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức qua các trang mạng xã hội, như: Zalo, facebook... , tư vấn nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp qua các đợt chiến dịch chăm sóc SKSS, nói chuyện chuyên đề về các biện pháp KHHGĐ, chính sách dân số với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” nhằm chuyển đổi sâu sắc về tâm lý, nhận thức của người dân; tận dụng nguồn lực để thực hiện một số đề án, mô hình tư vấn nói chuyện chuyên đề về nâng cao chất lượng dân số cho ĐBDTTS. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức các mô hình, câu lạc bộ “không sinh con thứ 3 trở lên” và nhân rộng mô hình này trên địa bàn, góp phần sớm đạt được các mục tiêu trong nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt là tại các vùng ĐBDTTS sinh sống”, Nguyễn Công Quân thông tin thêm.
Hoàng Loan
(CDC tỉnh)