![]() |
Chị Chăn tâm sự, từ bản ra TYT xã gần 40km, nếu trời mưa to thì không thể đi lại được. Cuộc sống của người dân trong bản còn khó khăn và lạc hậu, chưa có điện, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn. Cả bản có hơn 200 nhân khẩu, trong đó có 30 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Dù thường xuyên tiếp cận, tuyên truyền nhưng phần lớn chị em không muốn ra TYT khám thai định kỳ và sinh con tại trạm. Công việc của chị vì thế càng vất vả hơn khi phải thường xuyên theo dõi những bà mẹ gần ngày sinh nở để phát hiện những dấu hiệu bất thường của thai nhi, thuyết phục người nhà đưa sản phụ ra TYT trước ngày dự sinh, nhất là khi thời tiết có mưa to.
“Đợt mưa lũ tháng 9/2022, do chủ quan không tới TYT trước ngày dự sinh, trong đêm có 2 sản phụ trở dạ, người nhà tới gọi, mình phải đi cả đêm. Một mẹ đến gần sáng thì sinh, còn một mẹ sinh con đầu lòng nên đau bụng mãi mà không sinh được, mình gọi cho TYT nhưng do nước ngập cán bộ không vào bản được, một mình tự xoay xở, túc trực động viên, may mắn đến 12 giờ đêm ngày thứ 2 thì đỡ được mẹ tròn con vuông. Bé trai nặng hơn 3kg”, chị Chăn vui vẻ nhớ lại.
Trò chuyện với Y Mắc (người Ma Coong, SN 1993), cô đỡ của bản Chăm Pu, xã Thượng Trạch (Bố Trạch), Y Mắc cho biết, sau khi học xong lớp 9, chị được xuống tỉnh học 6 tháng về sức khỏe sinh sản. Từ năm 2014, chị tham gia chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai và trẻ em ở bản mình. Công việc hàng ngày của Y Mắc khá vất vả, ngoài việc nhà, cứ chiều muộn lại trèo đèo, leo dốc đi khám cho các bà mẹ mang thai trong bản, hướng dẫn cho các bà mẹ sắp sinh chuẩn bị đồ dùng cần thiết để ra TYT sinh em bé. Y Mắc đã tự tay đỡ đẻ cho hơn 10 ca tại nhà an toàn, trong đó có một cặp sinh đôi.
Y Mắc chia sẻ, bản Chăm Pu có 33 hộ, với hơn 175 nhân khẩu. Từ bản ra trung tâm xã khoảng hơn 15km đường rừng, trong đó có 2km rất khó đi, về mùa mưa phải đi bộ lại chưa có điện… nên việc sinh nở của các bà mẹ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, người dân trong bản còn đẻ nhiều, nhà nào cũng 3-4 con, nhà đông nhất có từ 9-10 người con. Do thiếu kiến thức trong chăm sóc trẻ sơ sinh nên tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong và suy dinh dưỡng ở bản vẫn còn cao.
![]() |
![]() |
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Viễn Anh, nhân lực y tế làm công tác chăm sóc thai sản và sơ sinh ở vùng miền núi còn thiếu, hơn nữa sự khác biệt về ngôn ngữ, cán bộ y tế là người Kinh khó có khả năng hòa nhập, tiếp cận với ĐBDTTS. Vì vậy, CĐTB là một loại hình nhân viên y tế phù hợp với miền núi, vùng sâu vùng xa, nơi người dân khó tiếp cận với hệ thống y tế tuyến xã do những khó khăn về địa lý và các phong tục tập quán. Ưu điểm của CĐTB là người DTTS, được lựa chọn từ địa phương. Họ được đào tạo chuyên về lĩnh vực sức khỏe sinh sản, để có thể cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh ngay tại thôn, bản.
Cùng sống trong cộng đồng bản địa, có cùng ngôn ngữ, phong tục, tập quán và tín ngưỡng nên giữa CĐTB và đồng bào không còn khoảng cách về địa lý và văn hóa, gần gũi, dễ dàng tiếp cận tới bà mẹ, trẻ em ở vùng sâu vùng xa, vùng ĐBDTTS để tuyên truyền, vận động. Những việc làm của CĐTB nhận được sự đánh giá cao và ủng hộ của các già làng, trưởng bản cũng như sự tin tưởng của đồng bào nơi họ sinh sống.
Ngày 8/3/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 07/2013/TT-BYT quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản; trong đó, CĐTB được chính thức công nhận là một loại hình nhân viên y tế thôn, bản, chuyên về "chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở thôn bản có nhiều người DTTS sinh sống, còn tồn tại phong tục, tập quán không đến khám thai, quản lý thai và đẻ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, có diện tích rộng, giao thông khó khăn, phức tạp, khả năng tiếp cận của người dân với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạn chế". |