Phát huy hiệu quả các vườn thuốc nam

  • 08:07, 10/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cây thuốc nam là nguồn thuốc quý dễ sử dụng, góp phần hiệu quả trong việc chữa bệnh cho người dân. Việc khám, chữa bệnh bằng cây thuốc nam giúp tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phát huy thế mạnh trong việc điều trị y học cổ truyền. Chính vì vậy, thời gian qua, Hội Đông y tỉnh đã tích cực xây dựng, phát triển vườn thuốc mẫu, đồng thời vận động, khuyến khích các cấp hội cũng như hội viên tham gia trồng, xây dựng các vườn thuốc nam với nhiều chủng loại đa dạng, phong phú.
 
Theo chân Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Trần Ngọc Quế, chúng tôi ghé thăm vườn thuốc nam mẫu của hội tại tổ dân phố 2, phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới). Ông Quế cho biết, ban đầu, việc xây dựng vườn thuốc gặp không ít khó khăn do không có quỹ đất. Để có đất trồng, Thường trực Hội Đông y tỉnh đã vận động hội viên Nguyễn Thị Thiềm để mượn đất đầu tư trồng các loại thuốc nam. Vốn là người tâm huyết với công tác hội nên bà Thiềm đã không ngần ngại đồng ý cho mượn đất. Trên mảnh đất của bà có trồng sẵn một vài loại cây thuốc nam nhưng số lượng không nhiều. Sau khi nhận đất, hội đã bổ sung thêm nhiều loại cây đa dạng, phong phú và sau ba năm, vườn thuốc nam của Tỉnh hội ngày càng phát triển.
 
Vườn có diện tích 380m2, trồng gần 70 cây thuốc khác nhau với 9 nhóm dược liệu dùng để chữa một số bệnh thường gặp, như: Tiêu chảy, mụn nhọt, đau xương khớp, cảm sốt, các bệnh về gan… Nhiều loại cây có giá trị chữa bệnh cao, như: Dong riềng đỏ là một trong những cây dược liệu chuyên chữa bệnh tim mạch; tóp mỡ để chữa các bệnh về tăng huyết áp, bổ thận dương; ngũ trảo, chân chim chữa bệnh xương khớp; sâm đại hành tác dụng làm thuốc bổ; cây rẽ quạt chữa các bệnh về hầu họng; cây khổ qua chữa bệnh về tiêu hóa, gan mật…
 
Để vườn thuốc nam phát triển, phát huy tốt tác dụng trong việc hướng dẫn người dân dùng làm thuốc chữa bệnh, cán bộ Hội Đông y tỉnh thường xuyên chăm sóc, vun trồng cũng như sưu tầm thêm nhiều loại cây thuốc dùng chữa các bệnh khác nhau đưa về trồng bổ sung. Hội đầu tư lắp đặt hệ thống máy bơm để tưới nước đều đặn cho cây, bảo đảm cây luôn sinh trưởng, phát triển tốt. Thông qua hoạt động khám, chữa bệnh hàng ngày, cán bộ Hội Đông y tỉnh thường xuyên hướng dẫn người dân biết tác dụng của từng loại cây trong phòng bệnh, chữa bệnh, đồng thời khuyến khích người dân mang về nhân giống trồng tại vườn nhà để tiện sử dụng.
 
Nhằm góp phần phát triển, giữ gìn các nguồn dược liệu quý, thời gian qua, Hội Đông y tỉnh luôn tích cực vận động, khuyến khích các cấp hội, hội viên trên địa bàn tỉnh chú trọng xây dựng, phát triển và nhân rộng các vườn thuốc nam.
Vườn thuốc nam mẫu của Hội Đông y tỉnh hiện trồng nhiều loại cây thuốc quý, có giá trị chữa bệnh cao.
Vườn thuốc nam mẫu của Hội Đông y tỉnh hiện trồng nhiều loại cây thuốc quý, có giá trị chữa bệnh cao.
Huyện Lệ Thủy là một trong những địa phương có số vườn thuốc nam nhiều nhất toàn tỉnh. Ngoài vườn thuốc của Hội Đông y huyện với diện tích hơn 100m2, trồng khoảng 35 loại cây, hiện tại, trên địa bàn có hàng chục vườn thuốc nam của các hội viên tại cơ sở. Đa số các vườn thuốc đều đa dạng về chủng loại (từ 40 loại cây trở lên), phù hợp với khí hậu, đặc trưng thổ nhưỡng của địa phương.

Việc chăm sóc, phát triển vườn thuốc nam được các hội viên trên địa bàn huyện rất chú trọng. Riêng ở xã Sơn Thủy có 10 vườn thuốc nam, diện tích trung bình mỗi vườn hơn 300m2; có vườn 5-6 sào, như vườn của lương y Nguyễn Minh Sô, lương y Trần Lập… Ở xã Kim Thủy có khoảng 8 vườn, mỗi vườn 1-2 sào, nhiều vườn có diện tích lớn, như vườn của lương y Hồ Văn Đình, Cao Thị Nhị…

Ngoài ra, một số địa phương khác cũng chú trọng phát triển, nhân rộng vườn thuốc nam để phục vụ điều trị bệnh cho người dân, như huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Minh Hóa…
 
Chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền có rất nhiều lợi ích. Hàng năm, việc điều trị bệnh kết hợp đông y-tây y tại các hội đông y trên địa bàn tỉnh đạt trung bình trên 30%. Cây thuốc nam lành tính, không có tác dụng phụ, nếu sử dụng đúng cách lâu dài sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc trị bệnh và chăm sóc sức khỏe về sau, đặc biệt cây thuốc rất dễ trồng, dễ chăm sóc. Tuy nhiên, hiện tại, vườn thuốc nam của Hội Đông y tỉnh và nhiều vườn thuốc của hội viên trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở giới thiệu mẫu cây, cung cấp giống, làm mô hình tham quan mà chưa phát triển được thành nguồn dược liệu trong điều trị bệnh cho người dân. Số lượng nguồn dược liệu khai thác từ các vườn hiện đang rất khiêm tốn.
 
"Vì vậy, để phát huy hiệu quả những vườn thuốc nam mẫu, thời gian tới, các cấp hội đông y trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; hướng dẫn người dân cách sử dụng, trồng và chăm sóc một số cây thuốc thông dụng tại gia đình để chủ động điều trị bệnh. Qua đó, góp phần phát huy hiệu quả các bài thuốc dân gian, bảo tồn các giống cây thuốc quý, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân…”, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Trần Ngọc Quế chia sẻ thêm.
Đ.Vân

tin liên quan

Ban hành Hướng dẫn khám sức khỏe định kỳ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi
Ban hành Hướng dẫn khám sức khỏe định kỳ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi

Tài liệu Hướng dẫn khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi là công cụ hướng dẫn nhân viên y tế tuyến cơ sở, y tế thôn bản theo dõi sức khỏe liên tục cho trẻ em...

WHO: Vaccine đầu tiên phòng chống sốt rét an toàn và hiệu quả
WHO: Vaccine đầu tiên phòng chống sốt rét an toàn và hiệu quả

RTS,S là loại vaccine đầu tiên phòng sốt rét được WHO đánh giá là "an toàn và hiệu quả" đồng thời giúp "giảm đáng kể bệnh sốt rét cấp tính."

Xây dựng giá 10.000 dịch vụ y tế trong lộ trình tăng giá viện phí mới
Xây dựng giá 10.000 dịch vụ y tế trong lộ trình tăng giá viện phí mới

Bộ Y tế đang cùng các bệnh viện phối hợp hoàn thiện việc xây dựng danh mục định mức kinh tế kỹ thuật của gần 10.000 kỹ thuật y tế.