(QBĐT) - Công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên căn cước công dân (CCCD) gắn chíp và trên cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư trong khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những đổi mới của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam hiện nay. Vừa qua, Quảng Bình là một trong hai địa phương trên cả nước được BHXH Việt Nam chọn thực hiện thí điểm ứng dụng này. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn khi đi KCB BHYT, phóng viên (P.V) Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh.
![]() |
* P.V: Ông có thể cho biết lý do BHXH Việt Nam chọn Quảng Bình là một trong hai địa phương triển khai thí điểm công nghệ quét dấu vân tay, xác thực sinh trắc trong KCB BHYT?
- Ông Nguyễn Văn Dũng: Ngay khi có chủ trương của Chính phủ cho phép tích hợp, đồng bộ thông tin người tham gia BHXH, BHYT, trong đó có thông tin thẻ BHYT vào CSDLQG về dân cư để sử dụng CCCD thay thế thẻ BHYT và các loại giấy tờ tùy thân khi đi KCB, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, BHXH tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh triển khai tích hợp thông tin thẻ BHYT vào CSDLQG về dân cư; Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở KCB BHYT đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai tiếp đón người bệnh BHYT sử dụng CCCD khi đi KCB.
Tính đến hết tháng 11/2022, toàn tỉnh có 705.529 thẻ BHYT đã được đồng bộ, tích hợp thành công thông tin vào CSDLQG về dân cư, đạt tỷ lệ 93,71%; 175/175 cơ sở y tế triển khai tiếp đón người bệnh đăng ký vào KCB BHYT bằng CCCD, đạt tỷ lệ 100%. Đến thời điểm này, Quảng Bình đã có 745.669 thẻ BHYT đã được đồng bộ, tích hợp thành công thông tin vào CSDLQG về dân cư, đạt tỷ lệ 96,35%, đứng đầu toàn quốc.
Với những kết quả nổi bật trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, tỉnh Quảng Bình (cùng với TP. Hà Nội) đã được BHXH Việt Nam lựa chọn triển khai thí điểm mô hình cho phép người bệnh tự đăng ký, xác thực thông tin thẻ BHYT bằng CCCD kết hợp xác thực sinh trắc khi đi KCB BHYT mà không phải đến quầy nhân viên y tế xuất trình CCCD và làm thủ tục đăng ký như trước đây.
* P.V: Khi hầu hết người dân đều đã quen sử dụng thẻ CCCD gắn chíp để KCB BHYT, việc tiếp tục triển khai công nghệ này có gì khác không, thưa ông?
- Ông Nguyễn Văn Dũng: Việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp để thay thế thẻ BHYT giấy và các loại giấy tờ tùy thân có ảnh được đánh giá là một bước ngoặt lớn về cải cách hành chính trong công tác tiếp đón người bệnh đăng ký vào KCB BHYT, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế nhất định. Vì vậy, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an, nghiên cứu thực hiện thí điểm mô hình cho phép người bệnh tự đăng ký, xác thực thông tin thẻ BHYT bằng CCCD kết hợp xác thực sinh trắc khi đi KCB.
Thời gian đầu triển khai, việc đăng ký KCB BHYT bằng CCCD tích hợp xác thực sinh trắc được thực hiện tại quầy tiếp đón có nhân viên y tế hướng dẫn người bệnh thực hiện xác thực sinh trắc bằng dấu vân tay. Tuy nhiên, thời gian tiếp đón gia tăng so với việc đăng ký vào KCB BHYT chỉ sử dụng CCCD nhưng không xác thực sinh trắc.
Vì vậy, chúng tôi đã nghiên cứu thực hiện lắp đặt mô hình "Cây máy tự động tiếp đón người bệnh đăng ký vào KCB BHYT bằng CCCD tích hợp xác thực sinh trắc" (gọi tắt là cây máy tự động tiếp đón-P.V) đặt độc lập bên ngoài quầy nhân viên tiếp đón, tại khu vực phòng chờ đăng ký vào KCB. Cây máy tự động tiếp đón tích hợp 3 loại máy (máy tính, máy xác thực sinh trắc dấu vân tay, máy in phiếu số thứ tự vào KCB có thông tin thẻ BHYT) được cài đặt phần mềm quản lý KCB kết nối vào CSDLQG về dân cư, BHYT thông qua mạng internet.
Người có thẻ BHYT tự chủ động đến cây máy này, sử dụng CCCD và vân tay tiến hành xác thực sinh trắc để thực hiện 3 việc cùng một lúc: Lấy số thứ tự vào KCB, đăng ký thông tin thẻ BHYT, xác thực chủ thẻ BHYT vào hệ thống phần mềm quản lý KCB của bệnh viện. Sau khi nhận phiếu tiếp đón có số thứ tự, người bệnh đến gặp nhân viên y tế để được phân chuyên khoa KCB mà không phải làm thêm bất cứ thủ tục nào khác.
![]() |
Ngoài phương thức xác thực thông tin qua dấu vân tay, tại mỗi cây máy tự động tiếp đón hiện đã được nâng cấp, bổ sung thêm phương thức xác thực thông tin bằng nhận diện khuôn mặt. Thời gian tới, tại cây máy tự động tiếp đón, chúng tôi sẽ nâng cấp, bổ sung "Danh mục tình trạng bệnh tật" trên màn hình máy để người bệnh có thể tự chọn, mô tả tình trạng bệnh tật của mình và máy sẽ tự động phân đến phòng khám chuyên khoa theo tình trạng bệnh của mỗi người.
* P.V: Qua thời gian thực hiện thí điểm tại 2 bệnh viện đa khoa: TP. Đồng Hới và khu vực Bắc Quảng Bình, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của ứng dụng này trên thực tế?
- Ông Nguyễn Văn Dũng: Việc triển khai thí điểm KCB BHYT bằng CCCD tích hợp xác thực sinh trắc tại 2 bệnh viện tuyến huyện đã mở ra một hướng đi mới mang tính đột phá trong công tác cải cách hành chính, tạo tiện ích xã hội tại các cơ sở KCB. Đó là giảm thiểu tối đa thời gian, các loại giấy tờ cho người dân khi làm thủ tục đăng ký vào KCB BHYT.
Thay vì phải mất thời gian chờ đợi đến lượt được nhân viên y tế gọi vào làm thủ tục trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh như trước đây thì nay người dân có thể chủ động, tự sử dụng CCCD làm thủ tục đăng ký vào KCB BHYT ngay tại cây máy tự động tiếp đón. Thời gian trung bình làm thủ tục xác thực tại máy chỉ mất khoảng 6-15 giây/bệnh nhân. Người bệnh được phân vào chuyên khoa KCB sớm hơn rất nhiều so với trước.
Trước đây, số thứ tự đăng ký vào KCB BHYT được lấy ngẫu nhiên và đã xuất hiện tình trạng mua bán số thứ tự vào KCB (người bệnh đến muộn nhưng vẫn có số vào khám trước). Khi triển khai cây máy tự động tiếp đón, số thứ tự đăng ký vào KCB trong một buổi được cấp duy nhất 1 lần theo mã thẻ BHYT và thông tin xác thực sinh trắc của người bệnh nên bảo đảm được nguyên tắc công bằng trong việc lấy số thứ tự vào KCB BHYT, ai đến làm thủ tục xác thực trước thì khám trước.
Cùng với đó là việc tiết kiệm được nhân lực, giảm tải thời gian, áp lực ùn tắc, thắt nút cổ chai cho cơ sở y tế tại bộ phận tiếp đón người bệnh, nhất là trong giờ cao điểm, tập trung đông bệnh nhân. Khi triển khai cây máy tự động tiếp đón, trung bình một buổi cơ sở y tế đẩy nhanh, tiết kiệm được tổng thời gian tiếp đón từ khoảng 1-1,5 giờ. Và đặc biệt là khắc phục được tình trạng mượn thẻ BHYT, dùng thẻ BHYT giả đi KCB, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý KCB BHYT.
![]() |
* P.V: Theo ông, việc thực hiện mô hình KCB BHYT bằng CCCD kết hợp xác thực sinh trắc khi triển khai trên thực tế có gặp những khó khăn, vướng mắc gì không?
- Ông Nguyễn Văn Dũng: Từ tháng 11/2022, bắt đầu triển khai thí điểm mô hình này tại 2 bệnh viện đa khoa TP. Đồng Hới và khu vực Bắc Quảng Bình, đến nay qua thực tế đã ghi nhận một số hạn chế, vướng mắc, như: Người đến KCB BHYT chưa quen với việc xác thực sinh trắc thao tác chưa đúng, một số người vân tay bị mờ, hay một số ít thẻ CCCD chưa được tích hợp thông tin thẻ BHYT… nên không thành công trong việc xác thực sinh trắc. Cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin của 2 bệnh viện thí điểm đang còn yếu, thiếu máy móc trang thiết bị, đường truyền kết nối vào CSDLQG về dân cư và BHYT chưa ổn định, chưa tối ưu hóa tốc độ nên việc xác thực còn chậm.
Bên cạnh đó, hiện vẫn còn nhiều người dân chưa nắm rõ về việc thực hiện KCB BHYT bằng CCCD kết hợp xác thực sinh trắc. Vì vậy, cùng với BHXH, ngành Y tế, các địa phương cần tăng cường công tác truyền thông về chủ trương và những tiện ích khi KCB BHYT bằng CCCD tích hợp xác thực sinh trắc để nhân dân biết và ủng hộ thực hiện.
* P.V: Hiệu quả thiết thực khi ứng dụng sinh trắc vân tay trong KCB BHYT đã rõ. Vậy thời gian tới, ngành BHXH có tiếp tục nhân rộng tại các bệnh viện, cơ sở y tế để bảo đảm tính minh bạch và hạn chế tình trạng lạm dụng quỹ BHYT không, thưa ông?
- Ông Nguyễn Văn Dũng: BHXH tỉnh đã có báo cáo đánh giá triển khai thí điểm KCB BHYT bằng CCCD tích hợp xác thực sinh trắc gửi BHXH Việt Nam, UBND tỉnh và đề nghị xem xét, chỉ đạo nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó làm cơ sở tiếp tục đánh giá để nhân rộng mô hình này trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, góp phần thực hiện thành công Đề án 06 của Chính phủ. Đặc biệt là hướng tới sự hài lòng, tin tưởng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
Nội Hà (thực hiện)