Cảnh báo nguy cơ nhiễm sán lá gan do thói quen ăn rau sống

  • 08:04, 09/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Người mắc bệnh do ăn sống các loại rau mọc dưới nước (như rau nhút, rau ngổ, rau cần, cải xoong...) hoặc uống nước chưa nấu chín có nhiễm ấu trùng sán.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, trong 3 tháng đầu năm 2023, đơn vị này tiếp nhận 172 ca áp xe gan do sán lá gan lớn.
 
Bệnh nhân có độ tuổi trung bình là 40, đa số là nữ (chiếm 68%), đến từ 24 tỉnh, thành khu vực từ Quảng Ngãi trở vào. Trong số 172 ca, có 23 trường hợp phức tạp phải điều trị nội trú. Đặc biệt có hai trường hợp là thai phụ và 3 trường hợp diễn tiến nặng, nhập viện trễ, có nguy cơ áp xe vỡ. Tất cả bệnh nhân đều có thói quen ăn rau sống.
 
Bác sỹ Đào Bách Khoa, Trưởng Khoa Nhiễm A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khoảng tuần 2-3 của tháng 3/2023, Bệnh viện tiếp nhận hai trường hợp thai phụ nhập viện với tình trạng đau bụng thượng vị tăng dần kèm sốt và buồn nôn.
 
Xét nghiệm công thức máu có tình trạng tăng bạch cầu ái toan (loại bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại ký sinh trùng và phản ứng dị ứng) và xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán sán lá gan dương tính. Siêu âm có ổ áp xe ở gan kích thước 5×8 cm ở thai phụ 16 tuần và 7×8.4 cm ở thai phụ 28 tuần.
 
Do đây là hai ca bệnh phức tạp nên đã được hội chẩn toàn viện và liên viện chuyên khoa ngoại, sản để có giải pháp can thiệp tốt nhất cho các thai phụ. Sau một tuần nằm viện, các bệnh nhân hết sốt, hết đau bụng và được xuất viện, hẹn theo dõi ngoại trú.
 
Theo bác sỹ Đào Bách Khoa, bệnh nhiễm sán lá gan lớn vẫn là một vấn đề sức khỏe trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) luôn xem Việt Nam là một vùng dịch tễ của sán lá gan lớn.
 
Hiện nay, số ca bệnh do sán lá gan lớn đã được ghi nhận ở 47 trên 63 tỉnh, thành của Việt Nam. Địa phương gặp nhiều nhất là các tỉnh ở vùng duyên hải miền Trung như: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định...
 
Sán lá gan lớn ký sinh, sinh sản và trưởng thành ở động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu được thải qua phân ra môi trường bên ngoài. Người mắc bệnh do ăn sống các loại rau mọc dưới nước (như rau nhút, rau ngổ, rau cần, cải xoong...) hoặc uống nước chưa nấu chín có nhiễm ấu trùng sán.
 
Những người có thói quen ăn rau sống không rửa kỹ, sinh sống hoặc tới các tỉnh, thành của vùng duyên hải miền Trung. Đơn cử như hai ca bệnh thai phụ nêu trên, một người sống ở Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), một người sống ở Thủ Đức thường ăn rau sống từ quê Bình Định gửi vào.
 
Những người nhiễm sán lá gan lớn thường trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn sán đi qua gan kéo dài khoảng 2-4 tháng có những biểu hiện gồm: đau bụng vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc vùng thượng vị, có thể đau âm ỉ, đôi khi dữ dội. Sốt nhẹ, thoáng qua, một số ít có thể sốt kéo dài, sốt cao, mệt mỏi, biếng ăn, sụt cân, cảm giác đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, nổi mề đay, sẩn da. Xét nghiệm máu có thể phát hiện tăng bạch cầu ái toan.
 
Siêu âm bụng có thể thấy các tổn thương ở gan dạng nhiều kén sán nhỏ tụ thành khối, đường hầm, phân nhánh, biểu hiện sự di chuyển của sán qua gan. Một số trường hợp, ấu trùng sán di chuyển lạc chỗ và gây tổn thương ở các vị trí bất thường như thành ruột, màng phổi, cơ thăn...
 
Giai đoạn sán trưởng thành ở ống mật, kéo dài nhiều năm. Những biểu hiện lâm sàng trong giai đoạn này gồm: sốt, ăn không ngon, đau bụng biến mất. Trường hợp bị biến chứng tắc nghẽn đường mật với biểu hiện vàng da, sốt, đau bụng từng cơn. Siêu âm bụng phát hiện một khối mềm sáng gây tắc nghẽn đường mật ngoài gan.
 
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, thực hiện các xét nghiệm máu, siêu âm bụng. Hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh sán lá gan lớn. Các thuốc dự phòng giun sán trên thị trường hiện nay không có tác dụng với loại sán lá gan lớn này. Mỗi loại giun sán sẽ được điều trị bằng thuốc phù hợp. Vì thế, người dân không nên uống nước lã, không ăn rau sống mọc dưới nước.
 
“Bệnh sán lá gan lớn là bệnh có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện và chẩn đoán sớm. Tuy nhiên, một số trường hợp như: thai phụ, người lớn tuổi có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, ổ áp xe lớn dọa vỡ... có thể gây khó khăn, phức tạp cho điều trị. Vì thế, không uống nước lã hoặc ăn rau sống mọc dưới nước là các biện pháp hữu hiệu để phòng tránh bệnh sán lá gan lớn,” bác sỹ Đào Bách Khoa khuyến cáo.
Theo Đinh Hằng (TTXVN/Vietnam)

tin liên quan

Phẫu thuật thành công 2 trường hợp bị bệnh lý u răng phức hợp
Phẫu thuật thành công 2 trường hợp bị bệnh lý u răng phức hợp

(QBĐT) - Ngày 7/4, thông tin từ  Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới cho biết, Khoa Răng Hàm Mặt của bệnh viên đã tiếp nhận và điều trị phẫu thuật thành công 2 trường hợp bệnh nhân bị bệnh lý u răng phức hợp.

Giải pháp phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025
Giải pháp phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025

(QBĐT) - Ngày 4/4/, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 594/KH-UBND về việc thực hiện các giải pháp phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh dại trên đàn chó: Người dân và chính quyền địa phương chủ quan
Tiêm vắc-xin phòng bệnh dại trên đàn chó: Người dân và chính quyền địa phương chủ quan

(QBĐT) - Trước tình hình trên địa bàn huyện xuất hiện một số người tử vong do bệnh dại, năm 2023, huyện Tuyên Hóa đã hỗ trợ 100% kinh phí để tổ chức tiêm phòng vắc-xin dại trên đàn chó nuôi. Thế nhưng, hiện chỉ có 24,6% chó nuôi được chính quyền các địa phương đăng ký tiêm phòng.