Quảng Bình chỉ còn 20 bệnh nhân phong đang được theo dõi

  • 02:06, 16/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình vừa phối hợp cùng đoàn công tác của Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quỳnh Lập tổ chức đợt kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống bệnh phong trên địa bàn tỉnh năm 2022.
Các y bác sỹ Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quỳnh Lập khám cho bệnh nhân phong.
Các y bác sỹ Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quỳnh Lập khám cho các bệnh nhân phong Quảng Bình.
Thời gian qua, tuy chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng hoạt động phòng, chống bệnh phong tại các tuyến từ xã đến tỉnh vẫn được duy trì và thực hiện. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các hoạt động khám phát hiện bệnh nhân phong; điều trị bệnh nhân da liễu tại các tuyến và phòng khám CDC với hình thức lồng ghép khám nghĩa vụ quân sự, khám bệnh nghề nghiệp, khám sức khỏe định kỳ… 
 
Riêng trong năm 2021, toàn tỉnh có tổng số trên 49.000 lượt người được khám phát hiện bệnh phong, đạt 123% kế hoạch. Đến nay, Quảng Bình chỉ còn 20 bệnh nhân phong đang được quản lý điều trị và chăm sóc tàn tật tại nhà; tỉnh duy trì tỉ lệ lưu hành bệnh phong ở mức 0,2/10.000 dân. 
Đoàn công tác thăm hỏi và kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân phong chăm sóc tàn tật sau điều trị tại nhà ở huyện Quảng Trạch.
Đoàn công tác thăm hỏi và kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân phong chăm sóc tàn tật sau điều trị tại nhà ở huyện Quảng Trạch.
Hiện nay, mạng lưới chuyên khoa da liễu tuyến tỉnh chỉ có 2 bác sỹ vừa thực hiện công tác khám chữa bệnh tại đơn vị, vừa tham gia công tác phòng, chống dịch, chỉ đạo tuyến. Còn mạng lưới chuyên khoa tuyến huyện, thành phố, thị xã thay đổi thường xuyên, lại kiêm nhiệm nhiều chuyên khoa khác nên chưa tiếp cận kịp thời các kiến thức cơ bản về bệnh phong, da liễu; thiếu kinh phí và trang thiết bị máy móc phương tiện cho việc triển khai các dịch vụ kỹ thuật… nên công tác phòng, chống bệnh phong còn gặp nhiều khó khăn.
 
Sau khi đi kiểm tra thực tế công tác quản lý, điều trị và chăm sóc tàn tật tại nhà các bệnh nhân phong ở Lệ Thủy, Quảng Trạch và TX. Ba Đồn, đoàn công tác của CDC Quảng Bình và Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quỳnh Lập đã ghi nhận sự nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì và thực hiện đúng tiến độ các chỉ tiêu đề ra, nhất là bệnh nhân phong trên địa bàn đều được theo dõi, chăm sóc tàn tật sau điều trị tại nhà chu đáo. 
Đoàn công tác của CDC và Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quỳnh Lập thăm hỏi, động viên và tặng quà cho bệnh nhân phong.
Đoàn công tác của CDC và Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quỳnh Lập thăm hỏi, động viên và tặng quà cho bệnh nhân phong cao tuổi.
Tuy nhiên, đoàn công tác cũng đề nghị trung tâm y tế các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục về bệnh phong trong cộng đồng, đặc biệt tại các trường học thông qua các hoạt động, chương trình ngoại khóa; chú trọng công tác khám phát hiện sớm bệnh nhân phong mới trong cộng đồng và tiến hành khám diện rộng ở cụm dân cư nơi phát hiện bệnh nhân phong mới để điều trị kịp thời, phòng tránh tàn tật do bệnh phong gây ra. Bên cạnh đó, các địa phương cần có những chính sách hỗ trợ về kinh tế cho những bệnh nhân phong nghèo, tàn tật, già yếu neo đơn…
 
Theo bác sỹ Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Giám đốc CDC Quảng Bình: Bệnh phong có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ. Sau điều trị, bệnh phong hết lây nhiễm, nhưng thường để lại di chứng cả về thể chất lẫn tinh thần cho bệnh nhân. Vì vậy, bệnh nhân phong rất cần sự quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ của cộng đồng xã hội, của mọi người trong việc phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng.
 
Nội Hà

tin liên quan

WHO sẽ cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp với bệnh đậu mùa khỉ
WHO sẽ cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp với bệnh đậu mùa khỉ

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn vào ngày 23/6 tới, nhằm đánh giá liệu sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng đối với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới hiện nay hay không.

Khả năng phát hiện sớm bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Khả năng phát hiện sớm bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu

Kết quả nghiên cứu cho thấy tiềm năng trong việc sử dụng vi khuẩn đường ruột để phát hiện sớm NAFLD thông qua xét nghiệm không xâm lấn và mở ra cơ hội cho việc sử dụng các biện pháp can thiệp mới.

Tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 mũi nhắc lại còn chậm, do đâu?
Tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 mũi nhắc lại còn chậm, do đâu?

Hiện nay, số vaccine Bộ Y tế tiếp nhận đủ để sử dụng tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm chủng và đủ để sử dụng tiêm 2 liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 6/2022.