Kiểm tra, giám sát xử lý chất thải đối với F0 điều trị tại nhà
07:03, 25/03/2022
(QBĐT) - Trong các ngày từ 21 đến 24/32, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình đã phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và các trạm y tế cơ sở triển khai đợt kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại các địa phương, số trường hợp mắc Covid-19 tăng cao, nhất là từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Phần lớn số ca mắc thường không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng nhẹ nên được thực hiện quản lý, cách ly theo dõi tại nhà, nơi cư trú (F1, F0 quản lý, cách ly, điều trị tại nhà).
Cán bộ CDC Quảng Bình hướng dẫn F0 điều trị tại nhà xử lý rác thải, phun khử khuẩn tại huyện Tuyên Hóa.
Tính đến ngày 24/3, toàn tỉnh có gần 26.500 F0 đang điều trị tại nhà và hơn 15.000 F1 được quản lý, cách ly tại nhà. Với số ca nhiễm gia tăng, rác thải của các F1, F0 điều trị, cách ly tại nhà nếu không được xử lý đúng quy định có thể là nguồn lây nhiễm dịch bệnh.
Trước thực tế đó, CDC đã triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát và hướng dẫn công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh do các trường hợp mắc Covid-19 quản lý tại nhà nhằm chủ động trong phòng, chống dịch Covid-19.
Đợt kiểm tra, giám sát được triển khai trong 4 ngày, tại 8 huyện, thị xã, thành phố, CDC Quảng Bình phối hợp với Trung tâm y tế, trạm y tế cơ sở trực tiếp đi kiểm tra, giám sát và hướng dẫn một số hộ dân là F0 đang điều trị, cách ly tại nhà về các quy trình phân loại rác thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú.
CDC trao đổi về công tác xử lý rác thải F0 điều trị tại nhà với cán bộ y tế huyện Bố Trạch.
Theo đó, chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của F0 (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc F0 thải bỏ) được coi là chất thải lây nhiễm và phải được bỏ vào túi màu vàng hoặc thùng có lót túi; bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”, buộc kín miệng túi, xịt khuẩn xung quanh trước khi bàn giao cho đơn vị thu gom.
Với các loại chất thải sinh hoạt phát sinh từ các khu vực khác của gia đình có người F0 thì thực hiện phân loại theo hướng dẫn của địa phương để đưa đi xử lý theo quy định.
Cán bộ CDC trao đổi, hướng dẫn cách chăm sóc và xử lý rác thải đối với gia đình đang có trường hợp F0 cách ly điều trị tại nhà cho 1 hộ dân ở TP. Đồng Hới.
Qua đợt kiểm tra, giám sát thực tế, đoàn công tác của CDC Quảng Bình ghi nhận sự nỗ lực của các trạm y tế, tổ Covid cộng đồng và ý thức của người dân tại các địa phương trong việc thu gom và xử lý rác thải, không để phát sinh lây nhiễm Covid từ rác thải của các gia đình F0.
Để duy trì kết quả đó, CDC Quảng Bình đề nghị Trung tâm y tế các địa phương, các trạm y tế cơ sở tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh trong quá trình cách ly y tế, điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn.
Vấn đề này cần được quan tâm đặc biệt và phải thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn để mỗi bệnh nhân, hộ gia đình có ý thức trách nhiệm cao trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải không để phát tán mầm bệnh ra cộng đồng, bảo đảm an toàn cho người cách ly, nhân viên y tế và người tham gia xử lý chất thải.
Cán bộ CDC hướng dẫn F0 điều trị tại nhà thường xuyên khử khuẩn khu vực cách ly tại huyện Minh Hóa.
Cán bộ CDC hướng dẫn phân loại rác thải cho gia đình F0 tại thị xã Ba Đồn.
CDC Quảng Bình hướng dẫn cho cán bộ y tế cơ sở quy trình bảo đảm an toàn khi thu gom, xử lý rác thải từ các gia đình có F0 điều trị tại nhà.
Phân tích dữ liệu từ 157.521 phụ nữ, các nhà khoa học không tìm thấy sự gia tăng nguy cơ sinh non, chậm phát triển khi sinh hoặc nhu cầu chăm sóc sơ sinh ở những phụ nữ có tiêm vaccine trong thai kỳ.
(QBĐT) - Trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 23/3/2022 đến 6 giờ ngày 24/3/2022), Quảng Bình ghi nhận thêm 2.877 ca nhiễm Covid-19, trong đó 2.430 ca cộng đồng, 3 ca tử vong, theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.
(QBĐT) - Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3 hàng năm là dịp để nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với bệnh lao; đồng thời, kêu gọi các quốc gia cùng chung tay nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu. Quảng Bình cùng với cả nước hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2022 với chủ đề "Giảm thiểu tác động của Covid-19-Tập trung nguồn lực-Tăng cường phát hiện bệnh lao".