(QBĐT) - Cùng với chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Thực tế đã chứng minh, BHYT là tấm “bùa hộ mệnh” của mỗi gia đình, khi chẳng may có người thân mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính kéo dài hay những bệnh cần phẫu thuật...
San sẻ gánh nặng
Tại Quảng Bình, những năm gần đây, số người dân tham gia BHYT ngày càng nhiều. Đó là một tín hiệu mừng cho thấy người dân đã nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT đối với bản thân và gia đình.
Có đau ốm mới thấy tầm quan trọng và giá trị nhân văn sâu sắc của tấm thẻ BHYT. Đó là những lời rút ra từ đáy lòng của gia đình anh Đặng Ngọc T. (SN 1971, ở xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới). Phải trải qua một thời gian điều trị dài ngày với bệnh viêm phổi rất nặng, tổng chi phí điều trị của anh T. lên tới hơn 750 triệu đồng.
“Có lâm bệnh mới thấy thẻ BHYT còn hơn cả tấm “bùa hộ mệnh”. Nếu không có thẻ BHYT, có lẽ gia đình tôi đành buông tay... vì không thể nào lo được khoản tiền quá lớn như vậy. May mắn cho tôi là trước đó đã mua thẻ BHYT theo diện hộ gia đình nên khi nhập viện điều trị, biết dù có bệnh nặng nhưng đã có thẻ thì sẽ được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nên tôi và gia đình yên tâm, ổn định về tinh thần, nhờ vậy bệnh cũng mau khỏi hơn…”, anh T. tâm sự.
Tác dụng của tấm thẻ BHYT càng quý giá hơn đối với những bệnh nhân chạy thận. Để duy trì sự sống, bệnh nhân phải chạy thận lọc máu mỗi tuần 3 lần, mỗi lần chạy chi phí tiền thuốc mất hơn 600 nghìn đồng, tính ra mỗi năm chỉ riêng tiền thuốc đã mất gần 90 triệu đồng.
Ông Phạm Văn G. ở thị trấn Hoàn Lão (Bố Trạch) bị bệnh suy thận phải chạy thận hơn 5 năm nay. Khi mới phát hiện căn bệnh hiểm nghèo này, gia đình ông suy sụp, bởi không biết lấy tiền đâu mà chữa trị.
Cũng may, nhờ cán bộ BHXH huyện Bố Trạch đến tận nhà tuyên truyền cho gia đình biết được chính sách nhân đạo của BHXH Việt Nam, đó là BHXH vẫn chấp nhận hồ sơ tham gia BHYT cho ông G. khi biết ông đã mắc bệnh. Điều này không giống với các loại bảo hiểm thương mại khác.
Trước đó, gia đình đã phải vay mượn khắp nơi để chữa trị cho ông và nay thẻ BHYT thực sự là tấm "bùa hộ mệnh". Có thẻ BHYT, mỗi đợt chạy thận nhân tạo ông G. đã được giảm 80% chi phí.
Bác sỹ Trần Thái Anh, Trưởng khoa Nội thận-Tiết niệu, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, chia sẻ: "Khi đến điều trị, nghe bệnh nhân nói có BHYT, bác sỹ thấy nhẹ lòng. BHYT có lợi cho tất cả mọi người nhưng với những bệnh nan y như suy thận nó càng có ý nghĩa như một tấm “bùa hộ mệnh”, san sẻ gánh nặng chi phí điều trị bệnh của các gia đình chẳng may có người thân lâm bệnh. Bởi lẽ, không có BHYT, người bệnh phải chi trả khoản tiền rất lớn".
Bác sỹ Anh cho biết thêm, hiện Khoa Nội thận-Tiết niệu đang điều trị thường xuyên, dài ngày cho 180 bệnh nhân bị suy thận nặng, có nhiều bệnh nhân đã chạy thận trên 10 năm. Và nếu không có thẻ BHYT, chắc chắn, hầu hết bệnh nhân khó có thể trụ nổi, bởi chi phí thuốc men cho chạy thận rất cao, tốn kém.
Ông Dương Viết Đạt, Trưởng phòng Giám định BHYT (BHXH tỉnh Quảng Bình) cho biết, tính đến hết tháng 5-2021, BHXH tỉnh đã thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) cho 374.657 lượt người bệnh, với số tiền gần 284 tỷ đồng.
Trong đó có hàng chục trường hợp chi phí điều trị trên 100 triệu đồng, thậm chí có những trường hợp gần 800 triệu đồng. Đối với những bệnh nặng, bệnh mãn tính chi phí điều trị cao và phải điều trị dài ngày thẻ BHYT sẽ san sẻ được gánh nặng cho bệnh nhân.
![]() |
Chia sẻ yêu thương
Được biết, chính sách BHYT được xây dựng với rất nhiều quyền lợi dành cho người tham gia như: trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí; Nhà nước hỗ trợ kinh phí khi tham gia BHYT với các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, tham gia theo hộ gia đình, hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên…; được KCB tại các cơ sở y tế có ký hợp đồng KCB BHYT trên toàn quốc; được lựa chọn cơ sở KCB gần địa chỉ nơi đang sinh sống để đăng ký KCB ban đầu và có thể thay đổi vào tháng đầu mỗi quý…
Theo ông Dương Viết Đạt, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị với số tiền lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.
Qua đó cho thấy, với số tiền mua thẻ BHYT trị giá 804.600 đồng/năm, khi chẳng may ốm đau, bệnh tật…, người tham gia sẽ được Quỹ BHYT chi trả tiền KCB lớn hơn gấp nhiều lần từ sự chia sẻ của cộng đồng qua chính sách này.
Vì vậy, tham gia BHYT hàng năm là một việc làm cần thiết để mỗi người dân bảo vệ sức khỏe, kinh tế của bản thân và gia đình. Ngoài ra, qua việc tham gia BHYT, mỗi người dân còn thể hiện sự tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp...
Cũng theo ông Đạt, những năm gần đây, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT đã giúp cho người có thẻ BHYT được tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được Quỹ BHYT chi trả khi KCB đúng tuyến. Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả bệnh hiểm nghèo, phải chi trả số tiền lớn, người tham gia BHYT cũng sẽ được KCB chu đáo, không phân biệt giàu nghèo.
Người có thẻ BHYT khi KCB đúng tuyến, được Quỹ BHYT chi trả 80%, 95% hoặc 100% chi phí KCB tùy thuộc vào nhóm đối tượng. Trong khi bệnh nhân không có thẻ BHYT khi khám dịch vụ sẽ phải chi trả 100% toàn bộ chi phí KCB.
Ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 784.783 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 97% dân số. Số người dân tham gia BHYT ngày càng nhiều và đó là một tín hiệu mừng cho thấy người dân đã nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT đối với bản thân và gia đình.
“Có thể khẳng định rằng, chính sách BHYT đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; là cơ chế tài chính y tế quan trọng giúp người dân khi bị ốm đau không bị rơi vào cảnh nghèo đói. Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT, hướng tới hoàn thành mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân.”, ông Tùng nhấn mạnh.
BOX: BHYT là hình thức bảo hiểm để chăm sóc sức khỏe nhân dân không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm an sinh xã hội. BHYT mang lại công bằng về chăm sóc sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa bớt gánh nặng chi phí do bệnh tật. Tham gia BHYT là cách tốt nhất để mọi người giảm bớt rủi ro khi bị ốm đau, bệnh tật; đồng thời san sẻ yêu thương với cộng đồng.
Phan Phương