(QBĐT) - Là một trong những địa phương đối mặt với nguy cơ cao của dịch bệnh Covid-19, nhưng bằng quyết tâm, nỗ lực và hành động kịp thời, Quảng Bình đã an toàn đi qua năm 2020 với thành tích là tỉnh “trắng” về Covid-19. Từ những bài học đã rút ra trong công tác phòng, chống dịch năm 2020, bước vào năm 2021, tỉnh đã chủ động xây dựng các kịch bản phòng, chống Covid-19 cho mọi tình huống, quyết tâm không để bị động, bất ngờ!
Phát huy lợi thế, hạn chế nguy cơ
Quảng Bình có hệ thống giao thông khá đồng bộ, đa dạng gồm đường bộ, đường sắt, đường không, đường thủy, trong đó các tuyến đường bộ không chỉ nối liền Bắc-Nam mà kết nối theo hành lang Đông-Tây, qua Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Cha Lo đến các khu vực nội địa của ASEAN như Myanmar, đông bắc Thái Lan, Lào; tuyến biên giới đất liền tiếp giáp với hai tỉnh Khăm Muộn và Savannakhet (Lào) dài 201km; địa phương sở hữu tiềm năng du lịch lớn với lượng du khách hàng năm bình quân từ 3 đến 5 triệu lượt khách… là những lợi thế quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội mà tỉnh đã phát huy hiệu quả trong những năm qua.
![]() |
Những lợi thế nêu trên cũng đồng thời là nguy cơ xâm nhập của dịch bệnh Covid-19 mà chúng ta đã và đang đối mặt. Giao thông thuận lợi, lượng du khách lớn đồng nghĩa với việc ngành chức năng phải luôn cảnh giác, căng mình rà soát, kiểm tra, phòng ngừa. Trên tuyến biên giới, bên cạnh lượng người nhập cảnh qua CKQT Cha Lo tăng cao, số người nhập cảnh bất hợp pháp qua các đường mòn, lối mở là nguy cơ lớn mà để kiểm soát hiệu quả, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phải lập chốt canh gác 24/24.
Xác định được những nguy cơ này, trong năm 2020, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19. Trong đó, các lực lượng Y tế, Biên phòng, Hải quan, Quân sự, Công an đã tổ chức kiểm soát, kê khai y tế, vận chuyển gần 28.000 người nhập cảnh, trong đó riêng CKQT Cha Lo là gần 26.000 người về các khu cách ly trong và ngoài tỉnh an toàn.
“Làn sóng” người nhập cảnh qua cửa khẩu những ngày cao điểm lên đến gần 1.000 người. Dù chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhưng lực lượng chức năng đã bám địa bàn 24/24 giờ, phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ nhân dân khai báo y tế, khoanh vùng đối tượng, xét nghiệm, cách ly… nên đã ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mỗi một người dân trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 không còn là câu khẩu hiệu khi các xã, phường, thị trấn, hệ thống trạm y tế xã, các thôn, bản, tổ dân phố… đã “kích hoạt” cơ chế phòng dịch đồng bộ và phù hợp với đặc thù riêng.
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để nắm tình hình di, biến động của người dân, đặc biệt là từ các vùng có nguy cơ cao để theo dõi, kiểm soát là phương pháp hiệu quả mà nhiều địa phương đã áp dụng. Công tác tuyên truyền được nâng cao bằng nhiều hình thức để mỗi một người dân hiểu và tự giác chấp hành. Trong năm 2020, chúng ta cũng đã thực hiện giãn cách xã hội, đóng cửa các dịch vụ có nguy cơ cao…
![]() |
Song song với công tác phòng, chống dịch bệnh, tỉnh đã đề ra “nhiệm vụ kép” để tập trung thực hiện, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng về kinh tế-xã hội, hoạt động của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Tất cả những giải pháp quyết liệt đó đã giúp Quảng Bình vững vàng trước dịch bệnh Covid-19 và tự tin hơn trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh.
Chủ động kịch bản, sẵn sàng đối mặt
Trước Tết Nguyên đán, vào ngày 9-2-2021, tức 27 Tết, là thời điểm dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ cao khi lượng người về quê đón Tết tăng đột biến, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đã họp để triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch với sự tham gia của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh, thành trong cả nước, hội nghị đã tính đến tình huống xấu nhất là phát hiện ca mắc Covid-19 để có phương án ứng phó phù hợp. Theo đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng yêu cầu ngành Y tế phải chuẩn bị cơ sở tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, phối hợp với Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới trong việc hỗ trợ phương tiện, nhân lực, không nên để Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới tiếp nhận các ca bệnh nếu không có triệu chứng nặng nhằm bảo đảm cho bệnh viện thực hiện tốt các hoạt động cấp cứu, điều trị cho nhiều người bệnh trong và ngoài tỉnh.
Chỉ khi có bệnh nhân Covid-19 nặng mới chuyển đến Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới điều trị. Các ngành, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc “5K” trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, xử phạt nghiêm các trường hợp không sử dụng khẩu trang nơi công cộng, không khai báo y tế trung thực…
Cũng tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ngoài việc chuẩn bị các khu cách ly y tế tập trung, các địa phương, cơ quan chức năng cần tăng cường hoạt động rà soát, truy vết đối tượng đến, về từ vùng dịch theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.
Cơ quan báo chí đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo của cấp trên về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vận động người dân thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế.
![]() |
Đồng chí đề nghị Ban chỉ đạo sớm hoàn thiện kịch bản ứng phó với từng tình huống của dịch bệnh và tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện cho người dân vui xuân, đón Tết vui tươi nhưng phải bảo đảm an toàn trước đại dịch Covid-19.
Thực hiện các nội dung chỉ đạo, trong suốt thời gian diễn ra Tết Nguyên đán, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã triển khai trực 24/24 giờ, đặc biệt là nhiệm vụ canh gác trên tuyến biên giới, truy vết, khoanh vùng đối tượng, xét nghiệm, cách ly kịp thời các trường hợp F1, F2. Đến thời điểm này, Quảng Bình đã trải qua Tết Nguyên đán bình yên khi tất cả các trường hợp, trong đó có các trường hợp F1, F2 xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Qua nhiều giai đoạn bùng phát của dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch để tự tin hơn trước những tình huống mới. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu; thành lập các tổ phòng, chống dịch tại địa bàn dân cư, thực hiện triệt để phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; nâng cao công tác tuyên truyền để người dân chủ động và tự giác thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm… vẫn là những giải pháp quan trọng cần tiếp tục được áp dụng trong tình hình mới.
Hiện tại, thực hiện các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và căn cứ tình hình thực tiễn địa phương, ngoài việc đóng cửa một số loại hình kinh doanh dịch vụ có nguy cơ cao, các hoạt động kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn diễn ra bình thường. Đây là yếu tố quan trọng mà chúng ta cần thực hiện hiệu quả để hoàn thành “nhiệm vụ kép”, bảo đảm ngăn ngừa, đẩy lùi dịch bệnh nhưng hạn chế ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.
Với tinh thần quyết liệt, bài học kinh nghiệm, sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh, tin rằng Quảng Bình sẽ tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống Covid-19, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống, giữ gìn bình yên cho cuộc sống nhân dân.
Ngày 9-2-2021, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành kịch bản ứng phó dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh với nhiều tình huống như: ca bệnh xác định tại cơ sở khám, chữa bệnh, tại khu cách ly, trong cộng đồng. Mỗi tình huống đều có các giải pháp cụ thể, phù hợp, bảo đảm ngăn chặn và phòng ngừa hiệu quả nhất dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt tình huống xác định ca bệnh trong cộng đồng được xây dựng kịch bản chi tiết, phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị để sẵn sàng “kích hoạt” hệ thống trong thời gian ngắn nhất.
|
Ngọc Mai