(QBĐT) - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình được thành lập trên cơ sở tổ chức lại 6 đơn vị thuộc lĩnh vực y tế dự phòng (YTDP) tuyến tỉnh. Bác sỹ chuyên khoa II Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình đã có cuộc chia sẻ với bạn đọc Báo Quảng Bình về những nỗ lực của đơn vị trong triển khai các hoạt động sau 1 năm đi vào hoạt động, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
PV: Việc thành lập CDC Quảng Bình được xem là bước ngoặt trong quá trình cơ cấu tổ chức hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh. Sau sáp nhập, mô hình mới này có đáp ứng được nhu cầu tháo gỡ sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ nhằm huy động tối đa nhân lực, thiết bị phục vụ nhiệm vụ chuyên môn không, thưa bác sỹ?
Bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp: Thực tế cho thấy, hệ thống y tế tuyến tỉnh ở Quảng Bình cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước còn nhiều bất cập do nhiều đơn vị có cùng chức năng nhiệm vụ làm đầu mối về công tác kiểm soát, phòng, chống bệnh tật tại cộng đồng dẫn đến trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ gây khó khăn khi cần phối hợp, kết hợp. Công tác YTDP ở tuyến huyện chỉ có 1 đầu mối là trung tâm y tế huyện nhưng chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của 6 đơn vị tuyến tỉnh. Điều này dẫn tới sự chồng chéo, thiếu thống nhất.
Việc thành lập CDC Quảng Bình đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản lý ngành ở địa phương, phù hợp nhu cầu thực tế của tỉnh; đồng thời đáp ứng yêu cầu về tinh giản tổ chức, bộ máy biên chế để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh gắn với thực tiễn và yêu cầu phát triển ngành y tế theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
CDC Quảng Bình ra đời nhằm hướng tới mô hình xây dựng một hệ thống kiểm soát bệnh tật thống nhất, hiệu quả cao, giúp nâng cao chất lượng phòng, chống bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân…
![]() |
PV: Vậy tổ chức bộ máy của CDC Quảng Bình được sắp xếp như thế nào để bảo đảm mục tiêu tinh giản, nâng cao hiệu quả hoạt động, thưa bác sỹ?
Bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp: Để ổn định tư tưởng và quyền lợi cho người lao động, không gây xáo trộn sau khi sáp nhập, UBND tỉnh tạm giao biên chế cho trung tâm bằng tổng số biên chế của 6 trung tâm trước đó. Chuyển nguyên trạng số người làm việc, hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và hợp đồng lao động khác của các đơn vị về trung tâm quản lý (trừ số cán bộ, viên chức, người lao động thuộc Khoa Mắt của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội và Khoa Nội tiết của Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Nội tiết).
Sau khi sáp nhập đã giảm được 5 giám đốc và 6 phó giám đốc, số lượng khoa, phòng giảm nhiều so với trước đây... Về lâu dài, theo tinh thần của Sở Y tế, sẽ tiếp tục sắp xếp lại một số bộ phận lao động dôi dư để đào tạo lại, điều chuyển, bố trí việc làm phù hợp với năng lực và trình độ chuyên môn theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt…
Việc thành lập CDC đã tạo nguồn lực đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong giai đoạn mới hiện nay. Sau một năm hoạt động, CDC đã triển khai hiệu quả các lĩnh vực công tác nhằm chăm sóc sức khỏe cộng đồng và thực hiện nhiệm vụ về y tế công cộng, y tế lao động, phòng chống dịch bệnh… Các phần việc được từng khoa, phòng phối hợp tốt, giảm đầu mối và thống nhất sự chỉ đạo điều hành, quản lý đồng bộ, thông suốt, tránh sự chồng chéo ở các tuyến.
PV: Ngay từ khi ra đời cũng là thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp suốt 1 năm qua, CDC đã có nhiều nỗ lực trong công tác kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Bác sỹ hãy chia sẻ để bạn đọc hiểu rõ hơn về công tác này.
Bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp: Sau sáp nhập, chúng tôi vừa tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, vừa triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đồng thời triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong suốt 1 năm qua, chúng tôi đã tập trung toàn lực cho công tác này, đồng thời triển khai đồng bộ, hiệu quả việc phòng chống dịch bệnh và các nhiệm vụ được giao khác.
Covid-19 là dịch bệnh hoàn toàn mới, do đó, chúng tôi thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và chủ động xây dựng các phương án đối phó. Cán bộ của CDC đã triển khai đồng loạt các hoạt động tiếp nhận công dân đến, trở về từ các nước có dịch, những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 để tổ chức cách ly tập trung, lấy mẫu sinh phẩm xét nghiệm Covid-19, phun thuốc xử lý môi trường… Đặc biệt, từ khi đưa vào vận hành hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động, công việc của CDC càng vất vả hơn. Có những thời điểm, cán bộ của trung tâm phải làm việc xuyên trưa, xuyên tối, kịp thời lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để triển khai xét nghiệm, nhằm chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp. Đến nay, CDC đã lấy hơn 6.000 mẫu xét nghiệm, trong đó hơn 2.000 mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang, Bệnh viện Trung ương Huế xét nghiệm và hơn 4.000 mẫu thực hiện tại CDC Quảng Bình.
CDC còn phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ các trường hợp cách ly y tế và lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả các trường hợp thực hiện cách ly y tế tập trung, bảo đảm 100% người cách ly có kết quả âm tính với SARS-COV-2 (2 lần) mới cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly y tế tập trung.
Chúng tôi còn thường xuyên phối hợp với CDC các tỉnh để nắm bắt thông tin các ca bệnh, tình hình dịch bệnh, các ca bệnh có liên quan đến địa phương nhằm phối hợp với các cơ quan chức năng để truy vết, giám sát, lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ, các trường hợp tiếp xúc/có liên quan khác với các ca dương tính (F1, F2) để có hướng xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Với tinh thần chủ động, linh hoạt, CDC đã xây dựng kế hoạch tổng thể, xác định rõ kịch bản, phương án ứng phó chi tiết theo từng cấp độ, tình huống của dịch bệnh; đôn đốc, kiểm tra các cơ sở y tế về việc phối hợp với địa phương trong quản lý, giám sát, các trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú theo quy định…
![]() |
Có những thời điểm, đội ngũ những người làm công tác phòng, chống dịch bệnh của CDC luôn trong tư thế chạy đua với thời gian, làm việc hết công suất cả ngày lẫn đêm để xét nghiệm, giám sát dịch, phun thuốc xử lý môi trường… Đến nay, Quảng Bình chưa có trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng, chỉ có 1 trường hợp tái dương tính (bệnh nhân Covid-19 số 1291 từng được điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi-TP. Hồ Chí Minh), được cách ly, điều trị sớm và đã xuất viện.
Với kết quả đó, Quảng Bình vẫn là một trong những điểm đến an toàn, là địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Thành quả đó có một phần không nhỏ từ sự đóng góp của toàn ngành y tế, trong đó, CDC là đơn vị đóng vai trò chủ đạo. Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi sự nỗ lực của mình đã góp phần mang lại sức khỏe cho cộng đồng, được Bộ Y tế, lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành ghi nhận, đồng nghiệp và người dân chia sẻ, động viên. Bên cạnh đó CDC thường xuyên nhận được sự quan tâm của UBND tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh cả về tinh thần lẫn vật chất, là động lực thúc đẩy chúng tôi tiếp tục phấn đấu vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
PV: Xin cảm ơn bác sỹ và xin chúc CDC tiếp tục gặt hái những thành công trong năm mới 2021.
Nhật Văn (thực hiện)