Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh sau lũ

  • 08:11, 12/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng 10 vừa qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh liên tiếp phải gánh chịu những thiệt hại do lũ lụt gây nên. Sau lũ, người dân các vùng bị ngập lụt vừa phải gồng mình khắc phục hậu quả thiên tai, tái tạo lại cuộc sống vừa đối mặt với nguy cơ dịch bệnh do môi trường bị ô nhiễm. Trước tình hình đó, ngành Y tế tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho người dân.
 
Đến những xã bị ngập lụt nặng của các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Minh Hóa…, một điều dễ nhận thấy là rác, chất thải, xác động vật… hình thành sau lũ tăng lên rất nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân. Theo đó, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn.
 Người dân đang đối diện với nỗi lo dịch bệnh do ô nhiễm môi trường.
Người dân đang đối diện với nỗi lo dịch bệnh do ô nhiễm môi trường.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Hoàng Đại Khoa, một trong những hộ dân bị ngập lụt nặng ở xã Xuân Thủy (Lệ Thủy). Cả nhà ông đang phải sống một cuộc sống hết sức tạm bợ trong căn nhà trống hoắc, ngổn ngang rác thải. Vừa tập trung sửa chữa nhà cửa để có nơi ở, vừa đối mặt với cuộc sống hết sức khó khăn do toàn bộ tài sản trong nhà đã bị nước cuốn trôi, gia đình ông còn đối diện nỗi lo về sức khỏe do phải sống trong môi trường ẩm ướt, đầy muỗi... 
 
Ông Khoa tâm sự: "Khó khăn trăm bề, nhưng chúng tôi đành phải cố gắng từng bước khắc phục. Nỗi lo lớn nhất của chúng tôi là nguy cơ về dịch bệnh nếu những ngày tới vẫn tiếp tục có mưa…"
 
Bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình cho biết: Sau lũ, người dân ở các vùng bị ngập lụt nặng dễ mắc loại dịch bệnh như: bệnh về đường tiêu hóa, bệnh về đường hô hấp, bệnh về mắt, da... và các bệnh lý do nhiễm trùng vết thương. Nguyên nhân chính là do nguồn nước, môi trường bị  ô nhiễm. Mặt khác, sức đề kháng của người dân bị giảm sút vì phải lao động quá sức (dọn dẹp nhà cửa để tránh bão, lũ, xử lý vệ sinh môi trường sau lũ), việc ăn uống không bảo đảm dinh dưỡng nên rất dễ mắc bệnh, nhất là những người già, người có bệnh nền và trẻ em.
 
Xác định nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao nên ngay trong lũ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu cho ngành Y tế chủ động nguồn thuốc, hóa chất để cấp cho các địa phương. Các hoạt động vệ sinh môi trường, giám sát dịch bệnh sau lũ cũng được toàn ngành chủ động triển khai ngay sau khi nước rút.
 
Thực tế cho thấy, tại các địa phương ngập lụt, hàng nghìn giếng nước bị ngâm trong nước lũ nên vấn đề nước uống của người dân trở nên hết sức cấp thiết. Nhiều gia đình phải mua nước ở nơi khác để phục vụ ăn uống, sinh hoạt. Trước tình hình đó, trung tâm y tế các huyện và các trạm y tế xã đã kịp thời đến từng nhà dân để hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, làm sạch nguồn nước bằng Cloramine B hoặc viên Aquatabs.
 
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thành lập 2 đội cơ động với đầy đủ nhân lực, trang thiết bị để hỗ trợ kịp thời cho các địa phương trong triển khai những hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Trung tâm còn phối hợp với Đoàn Thanh niên Sở Y tế và các đơn vị liên quan tổ chức các đợt khám sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân ở một số xã của huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, thị xã Ba Đồn... 
Cán bộ Y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám, cấp thuốc cho người dân vùng lũ.
Cán bộ Y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám, cấp thuốc cho người dân vùng lũ.
Cán bộ y tế thuộc các chuyên khoa: da liễu, nội thần kinh, mắt, tim mạch… đã tiến hành khám, cấp phát thuốc điều trị miễn phí cho hàng trăm người dân, đồng thời hướng dẫn bà con vùng lũ thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường. Ngành Y tế đã cung cấp đầy đủ thuốc, hóa chất… cho các địa phương để phục vụ công tác khắc phục hậu quả lũ, lụt, phòng chống dịch bệnh.
 
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã  cử 1 đoàn công tác đến Quảng Bình để hỗ trợ y tế địa phương triển khai các hoạt động kiểm soát, xử lý dịch bệnh phát sinh sau lũ. Viện Pasteur Nha Trang, Cục Y tế dự phòng… hỗ trợ kịp thời về thuốc, hóa chất để Quảng Bình triển khai nhanh các hoạt động giám sát dịch bệnh, vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước và khám, điều trị bệnh cho người dân ở các vùng bị ngập lụt nặng.
 
Bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp cho hay: Nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động xây dựng các phương án để đối phó với các tình hình dịch bệnh có thể xảy ra, trong đó chú trọng dịch bệnh sốt xuất huyết và các bệnh thường phát sinh sau lũ. Cho đến thời điểm này, tỉnh ta chưa ghi nhận các ổ dịch lớn tại những địa phương vùng lũ.
 
Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch là rất cao nếu công tác vệ sinh môi trường không được xử lý kịp thời. Vì vậy, cùng với việc khám, cấp thuốc điều trị các bệnh thông thường cho người dân, ngành Y tế mà vai trò tiên phong là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra, giám sát dịch bệnh; theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết để có kế hoạch phun hóa chất khử khuẩn môi trường, đồng thời tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
 
Dự kiến tình hình thời tiết những tháng cuối năm còn nhiều biễn biến phức tạp, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần chú trọng đến việc vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn. Các địa phương, hộ gia đình cần tiến hành sớm hoạt động diệt bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để ngăn muỗi vào đẻ trứng.
 
Người dân nên thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước, dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế; đồng thời lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín, uống nước đun sôi…
 
Ngành Y tế đã và đang tích cực chỉ đạo các đơn vị tích cực tiếp cận cộng đồng, tăng cường giám sát, đẩy mạnh tuyên truyền vệ sinh, phòng bệnh, xử lý nước sạch, đồng thời, chỉ đạo các cơ sở điều trị sẵn sàng thu dung, điều trị cho người mắc sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc các loại dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
 
                                                          Nh.V

tin liên quan

Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới trong sáng 12-11
Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới trong sáng 12-11

Tính đến 6h ngày 12-11, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.

Sáng 11-11, Việt Nam không có thêm ca mắc mới COVID-19
Sáng 11-11, Việt Nam không có thêm ca mắc mới COVID-19

Tính đến 6 giờ ngày 11-11, Việt Nam không có thêm ca mắc mới COVID-19; tổng số vẫn là 1.226 ca.

Đến sáng 10-11, Việt Nam có tổng số 1.216 ca mắc COVID-19
Đến sáng 10-11, Việt Nam có tổng số 1.216 ca mắc COVID-19

Tính đến 6 giờ ngày 10-11, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19 là ca nhập cảnh, nâng tổng số mắc lên 1.216 ca.