(QBĐT) - Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là một trong những nhiệm vụ mang tính chiến lược trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cho người tiêu dùng và ổn định thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Bác sỹ Nguyễn Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người dân về thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm ATTP, toàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua các hình thức như: tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, tuyên truyền lưu động đến các xã, phường trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc phổ biến kiến thức ATTP, như: hướng dẫn cách sản xuất, sơ chế, bảo quản, tiêu dùng thực phẩm an toàn; vận động người dân thực hiện tốt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; cách lựa chọn, nhận diện thực phẩm an toàn; phổ biến những hành vi bị cấm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm…
Nhờ đó, ý thức trách nhiệm của người dân về thực hiện ATTP ngày càng được nâng lên. Nhiều tổ chức, cá nhân đã quan tâm đến việc đầu tư sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch. Người tiêu dùng đã chú trọng hơn đến việc lựa chọn thực phẩm an toàn để chế biến bữa ăn cho gia đình và tại các bếp ăn tập thể, nhất là các trường học. 100% trường mầm non trên địa bàn tỉnh duy trì, phát triển mô hình “Vườn rau của bé”. Mô hình này đã cung cấp tối thiểu 30-40% nguồn rau sạch tại chỗ phục vụ trẻ bán trú.
Ngành Y tế mà vai trò chức năng là Chi cục ATVSTP cũng đã tổ chức nhiều hoạt động, như: tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực ATVSTP; tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh và duy trì hoạt động giám sát thực phẩm tại các chợ truyền thống bằng phương pháp test nhanh…
Ngoài ra, ngành Y tế còn tổ chức ký cam kết trách nhiệm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, nhất là vào các đợt cao điểm như dịp Tết Nguyên đán, mùa du lịch, lễ hội… để nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc sử dụng thực phẩm an toàn; đồng thời, phát huy vai trò của người tiêu dùng trong giám sát chất lượng thực phẩm.
Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng và địa phương đã phối hợp triển khai thanh tra, kiểm tra 3.835 lượt cơ sở, trong đó có 252 cơ sở sản xuất, 1.650 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 1.660 cơ sở dịch vụ ăn uống, 273 cơ sở vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản. Kết quả, có 694 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP, chiếm tỷ lệ 18,1%, phạt tiền 329 cơ sở, với tổng số tiền gần 309 triệu đồng. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm bị tiêu hủy là gần 437 triệu đồng.
![]() |
Vi phạm chủ yếu là các cơ sở kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc sản xuất thực phẩm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật… Một số vi phạm khác khá phổ biến như: người trực tiếp chế biến thực phẩm không đội mũ, đeo khẩu trang; không thực hiện khám sức khỏe định kỳ (đối với những đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe) theo quy định; một số cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật nhưng chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện; kinh doanh giống cây ăn quả không có nhãn mác của cơ sở sản xuất, mã sản phẩm...
Toàn tỉnh đã tiến hành xét nghiệm 1.498 mẫu thực phẩm, kết quả 20 mẫu không đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ 1,3%). Việc đầu tư trang thiết bị đo kiểm di động hoặc cố định tại các chợ trung tâm từng bước được chú trọng. Các địa phương đã triển khai kiểm nghiệm nhanh 751 mẫu giám sát mối nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm phổ biến tại các chợ trung tâm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua kiểm tra, đa số các cơ sở kinh doanh đều chấp hành tốt những quy định về ATTP.
Đối với các mẫu không đạt, chủ yếu là do có sử dụng hàn the, urê…, cơ quan chức năng đã kịp thời thông báo, nhắc nhở người sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo đảm ATTP, đồng thời cảnh báo nguy cơ mất ATTP cho người tiêu dùng qua các phương tiện thông tin đại chúng. Toàn tỉnh đã xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 16 người mắc (15 người nhập viện), không có ca tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Theo bác sỹ Nguyễn Quốc Tuấn, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Một trong những nguyên nhân chính là hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình, không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nên việc áp dụng các mô hình chuẩn trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cũng như công tác quản lý, áp dụng các chế tài xử lý vi phạm hành chính gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên; số mẫu lấy phân tích giám sát, cảnh báo mối nguy gây mất ATTP còn ít, vì vậy chưa bao quát hết tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Việc nắm bắt và thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở còn hạn chế... Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản. Chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản từ các tỉnh nhập vào địa bàn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Công tác thông tin, báo cáo về tình hình ATTP từ các địa phương đôi lúc thiếu kịp thời.
Để duy trì tốt công tác bảo đảm VSATTP, thời gian tới, ngành Y tế và các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục duy trì thường xuyên các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về ATVSTP; đồng thời sẽ xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vi phạm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường, góp phần bảo vệ sức khỏe, quyền lợi cho người tiêu dùng.
Nh.V