Việt Nam chống dịch COVID-19 với chi phí hạn chế nhưng hiệu quả

  • 03:04, 14/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
'Việt Nam được quốc tế đánh giá cao vì đã quyết định rất đúng đắn, rất quyết liệt, rất sớm. Chúng tôi cho rằng việc chống dịch rất kịp thời khi với chi phí hạn chế nhưng rất hiệu quả.'
Đường phố Hà Nội vắng lặng trong những ngày giãn cách xã hội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Đường phố Hà Nội vắng lặng trong những ngày giãn cách xã hội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Hiện nay có nhiều quan điểm cho rằng Việt Nam đang phí công, phí của vì đầu tư rất lớn cho công tác phòng chống dịch. Thậm chí, có câu hỏi đặt ra về việc giãn cách xã hội vào thời điểm này có thích hợp hay không? Dựa vào những lý do nào mà Thủ tướng Chính phủ thực hiện việc giãn cách xã hội trong thời điểm hiện nay mà không phải sớm hơn hay muộn hơn?
 
Phó giáo sư Trần Đắc Phu (Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam) đã có những phân tích chi tiết lý giải vì sao Việt Nam lại làm sớm và triển khai quyết liệt các giải pháp để ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19.
 
Phó giáo sư Trần Đắc Phu cho hay việc giãn cách xã hội là để ngăn người mang mầm bệnh không tiếp xúc với người không mang bệnh. Ngược lại, người không mắc bệnh hạn chế hoặc không tiếp xúc với người mang bệnh sẽ cắt đứt được việc lây lan nguồn bệnh cho cộng đồng.
 
Khi dịch xuất hiện lây lan trong cộng đồng, chúng ta sẽ không biết được ai là những người mang mầm bệnh có thể lây lan sang người khác. Vì vậy, cần triển khai giải pháp giãn cách xã hội. Và, khi tiến hành giải pháp này sẽ phải hy sinh nhiều lợi ích khác như hoạt động kinh tế bị dừng, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.
 
“Tại Việt Nam, từ đầu tháng Tư, qua điều tra dịch tễ ghi nhận tình hình dịch cho thấy sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng và Thủ tướng đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội. Chúng ta không làm muộn hơn vì nếu như vậy thì số ca mắc trong cộng đồng đã tăng cao, khi đó giãn cách xã hội không hiệu quả,” ông Phu nhấn mạnh.
 Phó giáo sư Trần Đắc Phu. (Ảnh: TTXVN)
Phó giáo sư Trần Đắc Phu. (Ảnh: TTXVN)
Phó giáo sư Phu dẫn chứng, thực tế cho thấy nhiều nước bị vỡ trận vì dịch COVID-19 vừa qua không những thiệt hại rất lớn về sức khoẻ, tính mạng người dân (với hàng chục nghìn người mắc và hàng nghìn người tử vong) mà chi phí cho điều trị, cho dập dịch rất tốn kém. Khi đó, thiệt hại về kinh tế rất khôn lường, gấp nhiều lần hơn vì đất nước bị phong toả trong thời gian dài.
 
Ông Phu chỉ rõ: “Thời gian qua, Việt Nam được quốc tế đánh giá cao vì đã quyết định đúng đắn, quyết liệt và rất sớm. Chúng tôi cho rằng hành động của chúng ta rất kịp thời với chi phí chống dịch hạn chế nhưng rất hiệu quả.”
 
Về việc một số bộ phận người dân còn có những suy nghĩ chủ quan, lơ là việc chống dịch, ông Phu cho rằng có lẽ vì một số các ca dương tính trong thời gian gần đây thấp... nên tình trạng đi lại nhiều, gặp nhau nhiều dẫn tới giãn cách xã hội không hiệu quả.
 
Vị chuyên gia trên cũng chỉ rõ, nhiều nơi, nhiều người có thể hiểu sai việc giãn cách xã hội như việc không thực hiện tốt việc đeo khẩu trang, kê khai y tế và khử khuẩn vệ sinh… Các  địa phương đó cần phải điều chỉnh bởi đây mới là lần đầu và phải làm quyết liệt, triệt để, nghiêm ngặt thì giãn cách xã hội mới đạt hiệu quả cao./.
 
Theo Thùy Giang (Vietnam+)

tin liên quan

Bảo đảm hiến máu tình nguyện an toàn giữa đại dịch Covid-19
Bảo đảm hiến máu tình nguyện an toàn giữa đại dịch Covid-19

(QBĐT) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động hiến máu tình nguyện (HMTN) trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch đều bị ảnh hưởng, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt máu phục vụ cho cấp cứu và điều trị. Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu máu cho người bệnh, Ban chỉ đạo vận động HMTN các cấp đã đẩy mạnh các giải pháp HMTN an toàn.

Thêm 2 người ở Hạ Lôi mắc COVID-19, Việt Nam có 262 ca bệnh
Thêm 2 người ở Hạ Lôi mắc COVID-19, Việt Nam có 262 ca bệnh

Hai bệnh nhân mắc COVID-19 mới gồm một phụ nữ 60 tuổi và một nam thanh niên 26 tuổi đều ở Hạ Lôi, hiện đã cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 số 256 âm tính với SASR-CoV-2
Trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 số 256 âm tính với SASR-CoV-2

(QBĐT) - Chiều 12-4, Sở Y tế thông báo kết quả xét nghiệm SASR-CoV-2 đối với 281 mẫu bệnh phẩm do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình gửi Viện Pasteur Nha Trang và Bệnh viện Trung ương Huế.