(QBĐT) - Cán bộ y tế làm công tác dự phòng được ví như những “lá chắn thép”, bởi họ luôn tiên phong vào vùng dịch, tiếp xúc trực tiếp với những người mắc bệnh và có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có dịch bệnh Covid-19. Nhưng, vượt lên tất cả những khó khăn đặc thù, họ vẫn ngày đêm lặng lẽ cống hiến và góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Kỳ 1: “Thường trực, sẵn sàng” không chỉ là khẩu hiệu!
Hơn 3 tháng qua, lực lượng cán bộ làm công tác dự phòng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình luôn làm việc cật lực, có những thời điểm, họ không quản ngày đêm, ăn vội, ngủ vội, thậm chí thức trắng đêm để đáp ứng yêu cầu công việc.
Với đặc thù công việc là đi trước, đón đầu, chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh nên cán bộ y tế dự phòng phải kịp thời có mặt ở những nơi phát sinh dịch tễ để khoanh vùng, xử lý. Covid-19 là dịch bệnh có tốc độ lây lan nhanh, nên cán bộ y tế càng phải tăng cường tính chủ động trong mọi tình huống nhằm kiểm soát chặt chẽ số người về từ các nước có dịch, người có tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với bệnh nhân Covid-19 để cách ly, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm.
Chị Nguyễn Thị Thu Ngà, Khoa Xét nghiệm-Chẩn đoán hình ảnh-Thăm dò chức năng-Labo an toàn sinh học cấp 2 (CDC Quảng Bình) tâm sự: "Trước một căn bệnh mới, diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi cán bộ y tế phải nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc. Nhiệm vụ của tôi là lấy mẫu, bảo quản mẫu nên hàng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều đối tượng, trong đó có những đối tượng tiếp xúc gần với người mắc Covid-19. Chúng tôi làm việc không kể ngày nghỉ, giờ nghỉ, được điều động lúc nào là sẵn sàng lên đường ngay".
![]() |
Khi được hỏi, chị có lo lắng khi hàng ngày phải trực tiếp lấy mẫu từ các đối tượng mà không biết họ có mang mầm bệnh hay không, chị Ngà khẳng định: "Trước khi thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi đã tìm hiểu kỹ về dịch bệnh này và được trang bị kiến thức kỹ càng, được cung cấp phương tiện bảo hộ đầy đủ nên rất tự tin trong công việc. Nếu ngại, nếu sợ, làm sao chúng tôi có thể đảm nhận công việc hàng tháng trời và không kể giờ giấc như vậy!”.
Chị Ngà kể, là phụ nữ nên việc thu xếp thời gian để toàn tâm, toàn lực cho công việc cơ quan mà không ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình là điều không dễ. Cũng may, chị luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện của những người thân trong gia đình. Chị cũng thường xuyên động viên người thân mình yên tâm, không phải lo lắng vì chị biết làm như thế nào để bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng. Chị chia sẻ: "Bằng trách nhiệm với nghề, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau phải hết sức thận trọng trong công việc, tuân thủ theo đúng hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế từ khâu lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển… nhằm tránh các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra".
Không ngại khó khăn, gian khổ nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chị Ngà và các đồng nghiệp của chị lại trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Chứng kiến ánh mắt lo âu của những người được lấy mẫu, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao, chị cũng mang trong mình những hồi hộp, lo âu và cầu mong kết quả xét nghiệm âm tính. Và cũng may mắn rằng, từ đầu mùa dịch đến nay, chị luôn có được những giây phút vỡ òa hạnh phúc bởi tất cả các mẫu đều được Viện Pasteur Nha Trang và Bệnh viện Trung ương Huế khẳng định âm tính với SARS-CoV-2.
Cùng với lực lượng làm công tác lấy mẫu xét nghiệm, đội ngũ làm nhiệm vụ phun, khử khuẩn cũng vất vả không kém. Từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra đến nay, đội ngũ này luôn phải làm việc hết công suất, nhất là từ tháng 3 (khi xuất hiện bệnh nhân Covid-19 số 17) đến giữa tháng 4. Với yêu cầu công việc là khi tiếp nhận thông tin có người trở về từ vùng dịch, lực lượng này phải có mặt kịp thời để khử khuẩn phương tiện vận chuyển, địa điểm tiếp nhận và những nơi mà đối tượng có ghé tới. Họ còn đảm nhận việc phun khử khuẩn ở các khu cách ly tập trung trước khi đón các công dân vào và sau khi tiễn công dân hoàn thành cách ly về địa phương.
Có những đêm họ phải canh chờ đến 3h sáng hoặc thâu đêm để đón các chuyến xe chở người từ nước ngoài về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo và phun khử khuẩn tại cửa khẩu. Khi công dân được đón về các khu cách ly y tế tập trung, cán bộ y tế lại tiến hành phun phương tiện vận chuyển, môi trường khu vực cách ly. Vừa triển khai công việc tại các khu vực, đón tiễn công dân thực hiện cách ly y tế tập trung, họ vừa đảm nhận hoạt động phun khử khuẩn tại các trường học, bệnh viện, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, các địa điểm công cộng trên địa bàn tỉnh. Thời gian ngắn, công việc nhiều, nhưng những cán bộ y tế luôn nỗ lực với tinh thần quyết tâm cao nhất.
Anh Phạm Xuân Hòa, đội trưởng đội phun khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh Covid-19, CDC Quảng Bình cho biết, đội phun khử khuẩn gồm có 10 thành viên (cả lái xe). Các thành viên trong đội luôn phải thường trực điện thoại bên mình, chuẩn bị sẵn máy phun, thuốc, xe, quần áo bảo hộ… để khi nhận lệnh là lập tức lên đường. Chuyện ăn, ngủ đều phải tranh thủ.
Nhìn những cán bộ y tế trong bộ trang phục bảo hộ kín mít, vác trên vai chiếc máy phun cộng với thuốc có độ nặng chừng trên 25kg liên tục di chuyển đến nhiều địa điểm để phun khử khuẩn mới cảm nhận hết nỗi vất vả, nhọc nhằn của họ. Thế nhưng khi được hỏi về khó khăn trong công việc, họ lại nở nụ cười thật tươi: “Chúng tôi quen rồi”.
Nói về những đồng nghiệp của mình, bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình bảy tỏ: "Được trang bị kiến thức về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với công việc, mỗi cán bộ y tế CDC đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách để cùng với ngành Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình không còn nhiều công dân trở về từ dịch như giai đoạn trước nhưng tình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp nên chúng tôi vẫn luôn “sẵn sàng” để hoàn thành tốt nhiệm vụ vì đó là trách nhiệm với nghề, với cộng đồng và niềm tin của nhân dân".
Nhật Văn
Kỳ 2: Chống dịch bằng tinh thần vững vàng và chủ động