(QBĐT) - Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) đã nêu các quan điểm “Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”, “Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân”...
Nghị quyết cũng đề ra một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho mạng lưới y tế cơ sở như: triển khai chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý sức khỏe đến từng người dân; thực hiện các hoạt động y tế dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm…
Để nâng cao nguồn lực cho y tế cơ sở, thời gian qua, tỉnh ta đã tập trung nhiều giải pháp, trong đó chú trọng thực hiện các nội dung của “Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020” do Bộ Y tế ban hành.
Đến nay, mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh ta từng bước được củng cố và hoàn thiện. Toàn tỉnh có 159/159 trạm y tế (TYT) xã, phường, thị trấn có bác sỹ và trên 1.000 nhân viên y tế thôn, bản hoạt động. Hầu hết các TYT có đầy đủ các phòng chức năng, như: phòng khám bệnh, kho dược, phòng sơ cứu, cấp cứu, phòng lưu bệnh nhân, phòng khám phụ khoa, phòng đẻ, phòng tiêm, phòng trực. Cùng với việc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhiều TYT trên địa bàn tỉnh còn được trang bị các thiết bị hiện đại, như: máy siêu âm, máy đo đường huyết và một số thiết bị cận lâm sàng khác để triển khai tốt hoạt động chuyên môn.
Hiện tại, toàn tỉnh đã có 137/159 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế (tỷ lệ 86,16%). Dẫn đầu là TP. Đồng Hới với 100% xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Một số địa phương có tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế cao, như các huyện: Bố Trạch (28/30 xã), Quảng Ninh (12/15 xã), Lệ Thủy (26/28 xã), Quảng Trạch (16/18 xã). Các TYT đã phát huy năng lực trong tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và thực hiện tốt chương trình y tế quốc gia tại cộng đồng.
![]() |
Tuy đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song việc duy trì bền vững các thành quả còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế cho thấy, mặc dù cơ bản đã bố trí đủ nguồn nhân lực, song cơ cấu các chức danh cán bộ ở một số TYT chưa hợp lý, chất lượng hoạt động của nhân viên y tế thôn, bản chưa cao. Cơ sở vật chất của không ít trạm đã xuống cấp, có nơi chưa hoàn chỉnh khối công trình phụ trợ như: hàng rào, sân vườn, nhà để xe, vườn mẫu thuốc nam... Một số trạm không đủ phòng chức năng theo chuẩn quy định, hoặc sắp xếp, bố trí các phòng chưa hợp lý… Công tác thu gom, phân loại, xử lý rác thải y tế chưa đáp ứng yêu cầu do chưa có sự đầu tư theo đúng quy chuẩn về xử lý chất thải y tế.
Đáng lo ngại là, các trang thiết bị thông thường của TYT được cấp từ nhiều nguồn và đã lâu nên không đồng bộ, đầy đủ về chủng loại. Hiệu quả sử dụng trang thiết bị còn thấp. Việc bảo quản, bảo dưỡng thiết bị y tế chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều trạm đã được đầu tư trang thiết bị tương đối đồng bộ nhưng lại không khai thác hết gây lãng phí, tốn kém. Khó khăn nữa là kinh phí hỗ trợ cho việc mua sắm trang thiết bị cho các trạm y tế hàng năm còn thấp. Hoạt động quản lý trong thu dịch vụ y tế chưa chặt chẽ, thiếu kiểm soát của cơ quan chức năng. Hiện tại, các TYT chưa triển khai trên diện rộng chương trình phòng, chống tăng huyết áp, đái tháo đường... Chất lượng khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế ở tuyến cơ sở chưa cao.
Trong thực hiện các nội dung của Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, huyện Minh Hóa là địa phương gặp nhiều khó khăn, rào cản nhất. Bác sỹ Lê Đình Thi, Giám đốc Trung tâm Y tế Minh Hóa cho hay, từ khi tiếp nhận quản lý các TYT (trước do Phòng Y tế quản lý) đơn vị đã tích cực bám cơ sở để hướng dẫn, chỉ đạo tuyến y tế cơ sở trên địa bàn huyện triển khai các hoạt động chuyên môn như: khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh. Hiện tại, toàn huyện có 9 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế và 7 xã chưa đạt. Hầu hết các xã đạt đều phát huy tốt vai trò tích cực trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, tiêu biểu như các TYT: Quy Hóa, Hóa Sơn, thị trấn Quy Đạt…
7 xã chưa đạt vì các nguyên nhân chủ yếu như: cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đồng bộ, thiếu vườn thuốc nam, thiếu công trình phụ trợ và nguyên nhân khá phổ biến là do tình trạng sinh con thứ 3 tăng cao. Một số trạm đã đạt chuẩn quốc gia nhưng không duy trì được do cơ sở vật chất xuống cấp. Nhiều TYT trên địa bàn huyện Minh Hóa còn gặp khó khăn chung là thiếu nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt. Đơn cử như TYT xã Trọng Hóa phải mua từng khối nước để sử dụng. Vì thiếu nước nên nhiều diện tích vườn thuốc nam ở các TYT không được tưới tiêu đầy đủ, dẫn đến khô cháy, nhất là trong những tháng cao điểm của mùa hè. Mặt khác, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên việc chủ động tiếp cận các dịch vụ y tế còn hạn chế, hoạt động xã hội hóa về y tế chưa được quan tâm đúng mức…
Không chỉ ở Minh Hóa mà nhiều địa phương khác cũng đang đối mặt với những khó khăn trong việc duy trì bền vững các kết quả đã đạt được do cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp hoặc chưa đồng bộ, tình trạng sinh con thứ 3 ở các địa phương tăng cao. Trên thực tế, người dân đến với TYT để được chăm sóc sức khỏe còn thấp, tình trạng vượt tuyến để được khám, chữa bệnh ở tuyến trên ngày càng phổ biến. Nguyên nhân vấn đề trên là chất lượng dịch vụ ở các TYT chưa cao nên chưa tạo được niềm tin của người dân. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có 90,6% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương và tăng cường hơn nữa vai trò sự chủ động của ngành Y tế nhằm từng bước khắc phục những khó khăn vướng mắc để tạo nguồn lực cho các TYT phát triển nhằm “đồng bộ” y tế cơ sở, bảo đảm vai trò tuyến đầu trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Nhật Văn