Sàng lọc trước sinh và sơ sinh: Vẫn chưa hết khó khăn

  • 08:02, 26/02/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau gần 10 năm thực hiện, mô hình “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” đã phát huy được hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng dân số tỉnh nhà. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện mô hình này vẫn còn gặp không ít khó khăn vì nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế.  
 
Nhằm thực hiện tốt hơn việc tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, thời gian qua, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh thường xuyên triển khai các hoạt động sàng lọc trước sinh, sơ sinh và mang lại nhiều chuyển biến tích cực.
 
Năm 2018, chi cục đã thực hiện được 1.065 ca sàng lọc trước sinh, tổ chức lấy và gửi 1.220 mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh đến Trung tâm chẩn đoán sàng lọc trước sinh, sơ sinh (Trường đại học Y dược Huế), trong đó, phát hiện và nghi ngờ 29 trẻ có nguy cơ cao thiếu men G6PD, 3 trẻ có nguy cơ cao suy giảm bẩm sinh.
 
Từ khi thực hiện mô hình “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” (năm 2009), các địa phương đã tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động tại cơ sở. Đối tượng được tuyên truyền là tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là phụ nữ mang thai từ 35 tuổi trở lên, thai phụ có tiền sử sảy thai tự nhiên, thai chết lưu hoặc có con chết sớm sau sinh, cặp vợ chồng kết hôn cận huyết, thai phụ thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, tiền sử gia đình có người mắc các dị tật hoặc bệnh di truyền...
 
Năm 2018, đã có 111 buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn trực tiếp tại địa bàn thu hút 3.339 lượt người tham gia, qua đó, nhận thức của người dân về chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh được nâng lên đáng kể.
 
Tuy nhiên, vấn đề chăm sóc thai sản, khám sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh ở tỉnh ta vẫn còn khó khăn từ nhiều phía. Ông Trần Vũ Bảo, Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Quảng Ninh cho biết: Khó khăn nhất hiện nay là việc nâng cao nhận thức của người dân về việc chăm sóc sức khỏe thai sản.

Nhiều sản phụ còn có thái độ thờ ơ và chưa quan tâm đến chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Nhiều thai phụ đi khám thai chỉ với mục đích để biết trai hay gái, còn các việc sàng lọc đo độ mờ da gáy, dị tật bẩm sinh..., họ đều “bỏ qua”.

Các thai phụ cần chủ động nâng cao nhận thức trong việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Các thai phụ cần chủ động nâng cao nhận thức trong việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Chị Hoàng Thị T. (Tuyên Hóa), nhà có 4 đứa con (3 gái, 1 trai) nhưng khi mang bầu hơn 4 tháng chị mới đi siêu âm để biết giới tính chứ không có ý nghĩ sàng lọc, tầm soát sớm bệnh tật của thai nhi trước khi sinh. Khi chúng tôi hỏi về việc sàng lọc trước sinh thì chị cho rằng: "Cũng có biết về việc sàng lọc trước sinh nhưng tôi nghĩ bố mẹ khỏe mạnh thì con khỏe mạnh chứ siêu âm nhiều làm gì vừa có hại cho con, vừa tốn tiền, đứa nào tôi cũng chỉ siêu 1 lần cho biết trai hay gái rồi chờ đến ngày sinh thôi".

Ở huyện Quảng Ninh, năm 2018 có 1.356 trẻ được sinh ra, nhưng chỉ có 95 ca được sàng lọc trước sinh, 138 ca được lấy mẫu máu gót chân sàng lọc sơ sinh; hoặc như ở huyện Minh Hóa, năm 2018 có 993 cháu nhưng chỉ với 5 ca sàng lọc trước sinh và 72 ca được lấy mẫu máu gót chân. Điều đó cho thấy, không chỉ ở các huyện miền núi mà kể cả vùng đồng bằng, đô thị việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh vẫn chưa được người dân quan tâm nhiều.
 
Khó khăn tiếp theo là điều kiện trang thiết bị y tế. Hiện nay, trang thiết bị phục vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại các đơn vị y tế trong toàn tỉnh như: máy siêu âm màu 3D tốc độ cao, máy xét nghiệm sinh hóa máu... còn thiếu, đặc biệt là các huyện miền núi.
 
Hiện, chương trình sàng lọc trước sinh chủ yếu được thực hiện ở một số đơn vị y tế tuyến trung ương, tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến huyện; phần lớn các trạm y tế và các trung tâm y tế dự phòng vẫn chưa thực hiện được các kỹ thuật của sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
 
Thiếu cơ sở vật chất nên quy trình kỹ thuật lấy mẫu máu và chuyển gửi mẫu giấy thấm đến Trung tâm chẩn đoán sàng lọc trước sinh, sơ sinh (Trường đại học Y dược Huế) chưa bảo đảm. Một số địa bàn vùng sâu, vùng xa như Minh Hóa, Tuyên Hóa gặp khó khăn trong việc vận chuyển nên ảnh hưởng đến chất lượng sàng lọc, nhiều mẫu máu thời gian gửi quá quy định (24-36 tiếng) nên không thể kiểm tra được.
 
Một vấn đề nữa là một số cơ sở y tế và cán bộ y tế trực tiếp khám bệnh, siêu âm, chẩn đoán cho các bà mẹ mang thai chưa chủ động tuyên truyền, vận động, thuyết phục họ thực hiện việc sàng lọc trước sinh nên vẫn phó mặc vào sự tự giác của họ. Việc kết hợp tuyên truyền, vận động, thuyết phục là rất cần thiết và kịp thời để người mang thai hiểu và thực hiện theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
 
Để trẻ sinh ra khỏe mạnh, có thể can thiệp sớm các loại bệnh đối với trẻ sơ sinh, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn, mỗi chị em phụ nữ cần nâng cao hơn nữa nhận thức, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và thực hiện nghiêm túc việc khám thai định kỳ, kiểm tra sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
 
Thanh Hoa

tin liên quan

Gia tăng tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Sơn Thủy
Gia tăng tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Sơn Thủy

(QBĐT) - Nhiều năm qua, mặc dù cấp ủy, chính quyền xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy) đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), nhưng tình trạng sinh con thứ 3 trở lên tại địa phương vẫn thường xuyên ở mức cao.

Tập trung phát triển các lĩnh vực chuyên sâu
Tập trung phát triển các lĩnh vực chuyên sâu

(QBĐT) - Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới là bệnh viện tuyến trung ương, hạng I, có 40 khoa, phòng và một đơn vị điều trị tự nguyện.

Hướng đến sự hài lòng của người bệnh
Hướng đến sự hài lòng của người bệnh

(QBĐT) - Những năm gần đây, hoạt động cải tiến chất lượng bệnh viện đã trở thành phong trào thi đua và là động lực để các bệnh viện trên địa bàn tỉnh ta hướng đến sự hài lòng của người bệnh.