(QBĐT) - Những năm qua, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, công tác dân số trong tình hình mới hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân.
Sinh con thứ 3 có xu hướng tăng trở lại
Những năm gần đây, nhận thức của người dân về công tác DS-KHHGĐ đã được nâng lên đáng kể, tuy nhiên, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn cao và có xu hướng tăng trở lại.
Theo thông kê của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, năm 2018, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên toàn tỉnh là 17,39%, tăng 0,18% so với năm 2017. Nếu như những địa phương khác đã đạt mức sinh thay thế đang tập trung mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng dân số thì Quảng Bình vẫn còn phải ổn định quy mô dân số, giảm sinh con thứ 3, giảm thiểu chệnh lệch giới tính khi sinh…
Minh Hóa là huyện miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Những năm qua, mặc dù Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Minh Hóa đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nâng cao chất lượng dân số tại địa phương, nhưng tỷ lệ sinh con thứ 3, chênh lệch giới tính khi sinh vẫn còn cao…
Năm 2018, số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên trên địa bàn huyện là 244 cháu, chiếm tỷ lệ 24,57%, tăng 5,17% so với năm 2017, chênh lệch giới tính 111 nam/100 nữ.
|
Ngoài huyện Minh Hóa, một số địa phương khác cũng có tỷ lệ con thứ 3 cao, như: Lệ Thủy (20,03%), Tuyên Hóa (17,22%), Quảng Trạch (19,48%), thị xã Ba Đồn (19,80%)…
Điều đó cho thấy, hiện nay, tình trạng sinh con thứ 3 không chỉ xảy ra với những vùng có trình độ dân trí thấp, địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà còn xảy ra đối với cư dân vùng đồng bằng, đô thị, nơi có mức sống cao và hiện đại.
Đối tượng sinh con thứ 3 trở lên cũng đủ các thành phần, trong đó còn xảy ra nhiều đối với cán bộ, đảng viên và những gia đình có mức sống khá giả… Đặc biệt, năm 2018, toàn tỉnh có 242 trường hợp đảng viên sinh con thứ 3. Việc cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu trong thực hiện công tác DS-KHHGĐ đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thay đổi hành vi về thực hiện DS-KHHGĐ của người dân.
Việc giảm sinh con thứ 3 để đạt mức sinh thay thế là một thách thức lớn đối với ngành dân số tỉnh ta hiện nay khi mà quan niệm “sinh con trai để nối dõi”, “đông con hơn đông của” vẫn còn hiện hữu.
Chưa kiểm soát được chênh lệch giới tính khi sinh
Thời gian gần đây, tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh đã xuất hiện nhiều ở địa bàn tỉnh ta khiến tỷ lệ mất cân bằng giới tính ngày càng cao. Dù chưa ở mức báo động nhưng đây là thực trạng cần quan tâm, giải quyết. Theo thống kê, tỷ lệ chênh lệch giới tính ở tỉnh ta năm 2017 là 108 nam/100 nữ nhưng năm 2018 đã tăng lên 110 nam/100 nữ.
Một số địa phương có tỷ lệ chênh lệch đang ở mức báo động, như: Minh Hóa (118 nam/100 nữ), Lệ Thủy (116 nam/100 nữ), Đồng Hới (112 nam/100 nữ)… Điều này cho thấy, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại tỉnh ta đã xảy ra ở diện rộng và tỷ lệ này đều vượt ngưỡng cho phép 107 nam/100 nữ phần lớn ở các địa bàn...
Nguyên nhân chủ yếu vẫn là tư tưởng muốn có con trai để nối dõi tông đường. Bên cạnh đó, sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ trong ngành y tế cũng là một nguyên nhân làm gia tăng chênh lệch giới tính khi sinh. Nhu cầu lựa chọn giới tính thai nhi đã làm bùng nổ các dịch vụ y tế tư nhân, tạo điều kiện cho khách hàng và nhân viên y tế bỏ qua các quy định của pháp luật để đạt mục đích mong muốn.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Bố Trạch cho biết: “Tại huyện Bố Trạch, tỷ số giới tính khi sinh là 113 nam/100 nữ, con số này đã giảm so với năm 2017 nhưng chưa thể kiểm soát được, tỷ lệ chênh lệch có thể tăng lên bất cứ lúc nào. Một số địa phương có tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao là: Hạ Trạch (183 nam/100 nữ), Mỹ Trạch (179 nam/100 nữ), Hưng Trạch (146 nam/100 nữ, Hoàn Lão (146 nam/100 nữ)...
Thời gian tới, để khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành tuyên truyền, vận động, chỉ đạo đội ngũ cộng tác viên dân số tăng cường truyền thông trực tiếp nhằm nâng cao nhận thức, giúp người dân tự giác không sinh nhiều con, không sinh con thứ 3 trở lên, không lựa chọn giới tính khi sinh...
Trước thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp can thiệp; trong đó, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, tổ chức các buổi tập huấn, nói chuyện chuyên đề… nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi thái độ, hành vi của người dân. Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường công tác phối hợp quản lý, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi lựa chọn giới tính…
Không chỉ đối mặt với tình trạng sinh con thứ 3, mất cân bằng giới tính, công tác dân số trong tình hình mới ở tỉnh ta còn đối mặt với nhiều thách thức khác, như: chất lượng dân số còn thấp; tình trạng quan hệ tình dục sớm, có thai ở tuổi vị thành niên, phá thai không an toàn trong giới trẻ có chiều hướng gia tăng; vẫn còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; thiếu trang thiết bị truyền thông, dụng cụ y tế cho công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản/KHHGĐ…
Thời gian tới, để giải quyết những thách thức, ổn định và nâng cao chất lượng dân số, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở.
Thanh Hoa