(QBĐT) - Lương Ninh là một trong những địa phương luôn dẫn đầu về trong công tác dân số (DS) của huyện Quảng Ninh thời gian qua. Nhiều năm liền, tỷ suất sinh thô, tỷ lệ sinh con thứ 3 của địa phương luôn ở mức thấp, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại đạt cao, chất lượng DS ngày càng được cải thiện…
Xã Lương Ninh có 3 thôn với 1.224 hộ/4.571 nhân khẩu, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm trước đây, do đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, trình độ nhận thức của người dân hạn chế, quan niệm “sinh con trai để nối dõi” còn khá nặng nề nên số người sinh con thứ 3 trở lên ở xã còn cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ phát triển DS của xã luôn duy trì ở mức dưới 0,7%; số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai đạt gần 90%; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm xuống còn 7,5%, xã đã đạt được mức sinh thay thế... Đây là kết quả đáng ghi nhận sau những nỗ lực của đội ngũ cán bộ DS nơi đây.
Để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của công tác DS, thời gian qua, Ban DS-KHHGĐ xã đã chú trọng việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, như: tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình, mở hội nghị nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền trên loa phát thanh của xã, phối hợp tuyên truyền lồng ghép qua các cuộc họp của các chi hội phụ nữ, chi hội nông dân, Đoàn Thanh niên…
Năm 2018, xã đã tổ chức 24 lượt tuyên truyền hưởng ứng cung cấp dịch vụ KHHGĐ trên loa phát thanh, thu hút 3.850 lượt nghe; 3 hội nghị tuyên truyền về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, mất cân bằng giới tính, công tác DS trong tình hình mới tại 3 thôn, thu hút gần 200 người tham gia; tổ chức tuyên truyền lồng ghép với Hội Phụ nữ nhân các ngày lễ kỷ niệm thu hút hơn 780 lượt hội viên tham gia…
|
Ngoài ra, năm 2018, Ban DS-KHHGĐ đã phối hợp với trạm y tế xã triển khai 4 đợt truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSK/KHHGĐ, thu hút 350 lượt người tham gia khám phụ khoa và 58 người điều trị bệnh. Đặc biệt, mô hình sàng lọc trước sinh và sơ sinh đang dần được người dân chú trọng, năm 2018, có 46 bà mẹ mang thai đã được khám sàng lọc trước sinh, 9 trẻ sinh ra được lấy mẫu máu gót chân để sàng lọc. Mặc dù số lượng trẻ được sàng lọc sơ sinh chưa cao nhưng Lương Ninh là một trong những địa phương có ý thức trong việc tầm soát bệnh và hạn chế tối đa việc để lại di chứng bệnh tật ở trẻ nhằm nâng cao chất lượng DS.
Bên cạnh đó, các câu lạc bộ (CLB), như: CLB không sinh con thứ 3, CLB liên thế hệ tự giúp nhau tại các thôn hàng tháng sinh hoạt đều đặn. Tại các buổi sinh hoạt định kỳ, chị em được nói chuyện, trao đổi kiến thức về sinh đẻ có kế hoạch, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, xây dựng mô hình gia đình hạnh phúc, làm kinh tế giỏi... Không chỉ tuyên truyền cho đối tượng nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ, cán bộ DS còn mở rộng tới các đối tượng là người lớn tuổi trong gia đình. Chính các cụ ông, cụ bà sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực, động viên con cháu thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ.
Nhờ làm tốt công tác DS mà thôn Phú Cát, 11 năm liền không có trường hợp sinh con thứ 3, chất lượng DS nơi đây được tăng lên đáng kể. Đây là địa phương có CLB không sinh thứ 3 sinh hoạt thường xuyên và khá hiệu quả, nhiều hộ gia đình sinh con một bề nhưng họ vẫn dừng lại số con hiện có sau khi được vận động tham gia CLB.
Tuy nhiên, theo chị Lê Thị Tuẩn, cán bộ DS xã Lương Ninh, thì công tác DS trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như: tỷ lệ sinh con thứ 3 có giảm nhưng còn chậm, trường hợp đảng viên vi phạm chính sách DS vẫn còn làm ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền của đội ngũ cán bộ DS, mức chênh lệch giới tính còn cao…Trong thời gian tới, xã Lương Ninh sẽ tiếp tục duy trì các kết quả đã đạt được, đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến từng gia đình, giúp người dân hiểu rõ hơn công tác DS trong tình hình mới ở tỉnh ta.
Thanh Hoa