Nguy cơ mất an toàn bức xạ trong các cơ sở y tế

  • 10:12, 24/12/2015
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngày nay, bức xạ đang được sử dụng rộng rãi và phổ biến trong các lĩnh vực như nghiên cứu, công nghiệp, y học...

Trong lĩnh vực y tế, các thiết bị bức xạ được dùng để phục vụ việc chuẩn đoán, điều trị bệnh bằng các máy phát tia X để chiếu, chụp ảnh X- quang chuẩn đoán bệnh. Việc sử dụng máy X- quang giúp bác sĩ thực hiện thuận tiện, nhanh chóng và chính xác trong chuẩn đoán viêm phổi, viêm khớp, gãy xương, các bệnh lý của tim, phổi, dạ dày... từ đó đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân. Như vậy, không thể không phủ nhận những lợi thế và những hiệu quả thiết thực mà phương pháp này mang lại trong việc chuẩn đoán bệnh cho con người.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích trên, việc sử dụng tia X để chiếu, chụp thường xuyên sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và có thể để lại những hậu quả nặng nề. Khi bị nhiễm xạ, bức xạ sẽ ion hóa các phân tử sinh học làm hư hỏng các tế bào, dẫn tới làm tổn thương các chức năng và gây ra bệnh lý. Tùy thuộc vào liều lượng hấp thụ con người sẽ có những biểu hiện như: tủy xương ngừng hoạt động, da nổi ban đỏ hoặc sạm da... Với phụ nữ mang thai, chụp X-quang có thể gây hại cho thai nhi nếu dùng quá liều bức xạ.

Đo suất liều bức xạ tại các phòng khám.
Đo suất liều bức xạ tại các phòng khám.

Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 40 thiết bị chụp, chiếu X- quang được Sở cấp giấy phép hoạt động và đang được sử dụng ở 25 cơ sở y tế. Trong đó, khu vực thành phố Đồng Hới là nơi tập trung nhiều thiết bị X- quang nhất, với 23 thiết bị, Ba Đồn 8 thiết bị, Lệ Thủy 4 thiết bị, Quảng Ninh 2 thiết bị... Qua kiểm tra và khảo sát tình hình sử dụng 40 thiết bị X- quang y tế đang hoạt động thì có 37 thiết bị giấy phép hoạt động còn hiệu lực, 3 thiết bị giấy phép hoạt động đã hết hạn. Nhiều cơ sở đã tuân thủ nguyên tắc trang bị thiết bị bảo hộ cho nhân viên sử dụng các máy X- quang. Tuy nhiên, thực tế, nhiều cơ sở vẫn còn tâm lý chủ quan không sử dụng các thiết bị bảo hộ lao động, một số vẫn còn chưa trang bị. Tại các khu vực phòng điều khiển thiết bị X-quang, tất cả các vị trí được khảo sát tại khu vực phòng điều khiển đều có suất liều bức xạ đo được nằm trong giới hạn cho phép.

Về diện tích phòng đặt thiết bị, có 9 trong 36 phòng được khảo sát đặt thiết bị bức xạ có diện tích phòng hoặc kích thước tối thiểu một chiều không đạt yêu cầu. Ở khu vực bên ngoài phòng X-quang, kết quả đo thực tế cho thấy tại một số điểm đo giá trị suất liều bức xạ vượt quá quy định như cửa ra vào của bệnh nhân tại phòng chụp X- quang số 4 và dãy phòng chụp CT 1 dãy của Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, phòng chụp X- quang của Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch, vị trí cửa sổ phía sau của phòng chụp X- quang tại Trung tâm giám định Y khoa và Pháp y. Đây đều là những phòng chụp lâu năm nên các cánh cửa ra vào lâu ngày bị xệ xuống hoặc bị co ngót tạo khe hở giữa tường và cửa hay các chỗ nối của vật liệu và do xử lý chì không tốt nên tia bị tán xạ giữa hai lớp chì và lọt ra ngoài.  

Từ những kết quả kiểm tra, đo đạc khảo sát suất liều bức xạ tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, đối với những phòng X- quang không bảo đảm an toàn, Sở Khoa học và Công nghệ đã đưa ra một số giải pháp kỹ thuật như: các cơ sở y tế sử dụng thiết bị X-quang cần có biện pháp để nâng cao hơn nữa ý thức của đội ngũ nhân viên y tế và nhân viên bức xạ về ảnh hưởng nghiêm trọng của bức xạ ion hóa đến cơ thể; tuyên truyền tích cực sử dụng bảo hộ lao động, sử dụng liều kế theo đúng hướng dẫn và thực hiện theo dõi liều chiếu theo đúng quy định; chỉ định chiếu, chụp cho bệnh nhân trong trường hợp cần thiết. Với những phòng khám không bảo đảm an toàn về bức xạ như phòng chụp X-quang số 4 Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới, phòng chụp X- quang của Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch phải thiết kế lại cánh cửa bảo đảm che chắn bức xạ. Sau khi cải tạo xong phải kiểm tra lại suất liều tại khu vực này để bảo đảm việc cải tạo đạt hiệu quả.

P.V

tin liên quan

Giai đoạn 2012-2015, có 3.801 bệnh nhân mù được trả lại ánh sáng
Giai đoạn 2012-2015, có 3.801 bệnh nhân mù được trả lại ánh sáng

(QBĐT) - Sáng nay (24-12-2015), Sở Y tế đã tổ chức hội nghị tổng kết Dự án "Phát triển chăm sóc mắt toàn diện tại Quảng Bình giai đoạn 2012-2015".

Tiêm chủng mở rộng là biện pháp dự phòng an toàn, hiệu quả nhất
Tiêm chủng mở rộng là biện pháp dự phòng an toàn, hiệu quả nhất

Chương trình tiêm chủng mở rộng là một trong những biện pháp dự phòng an toàn nhất, hiệu quả nhất để dự phòng tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống.

420.000 người chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến thực phẩm
420.000 người chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến thực phẩm

Trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 420.000 người chết do các bệnh liên quan đến thực phẩm thiếu an toàn, trong đó trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.