Quốc tế
icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Trung Quốc củng cố vị trí đối tác thương mại hàng đầu của Trung Á

  • 02:06, 17/06/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Trong bài viết đăng trên tờ China Daily ngày 16/6, ông Djoomart Otorbaev, cựu Thủ tướng Kyrgyzstan, giáo sư Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc đã củng cố vị trí của mình là đối tác thương mại hàng đầu của các nước Trung Á, với tổng kim ngạch thương mại hai bên đạt 94,8 tỷ USD vào năm 2024-từ 89,4 tỷ USD vào năm 2023.
 
Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc sang Trung Á tăng lên 64,2 tỷ USD, chiếm hơn hai phần ba tổng kim ngạch thương mại, trong khi xuất khẩu của các nước Trung Á sang Trung Quốc đạt 30,6 tỷ USD, chủ yếu bao gồm dầu mỏ, khí tự nhiên, đất hiếm, kim loại quý và khoáng sản. Trái cây và các thực phẩm khác là những sản phẩm xuất khẩu quan trọng khác từ Trung Á sang Trung Quốc.
 
Kazakhstan là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở Trung Á, với kim ngạch thương mại song phương đạt 43,8 tỷ USD năm ngoái, cao hơn nhiều so với mục tiêu 40 tỷ USD do hai nước đặt ra cho năm 2030; tiếp đến là Kyrgyzstan (22,7 tỷ USD), Uzbekistan (13,8 tỷ USD), Turkmenistan (10,6 tỷ USD) và Tajikistan (3,86 tỷ USD).
Quang cảnh cảng hàng hóa ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Quang cảnh cảng hàng hóa ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Nhập khẩu của Trung Quốc từ các nước Trung Á đã tăng với tốc độ nhanh chóng. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Kyrgyzstan tăng hơn 30 lần vào năm 2024 và hơn 60 lần trong hai tháng đầu năm nay. Đầu năm nay, hai chính phủ đã tổ chức các cuộc thảo luận về cách tăng thương mại song phương lên 45 tỷ USD vào năm 2030, trong khi nhanh chóng xây dựng những trạm kiểm soát mới và tăng số chuyến bay giữa hai nước.
 
Đầu tư của Trung Quốc tập trung vào các lĩnh vực vận tải, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo và xe điện. Công ty Trung Quốc BYD bắt đầu xây dựng một cơ sở sản xuất lớn ở Uzbekistan năm ngoái, có công suất sản xuất 300.000 xe mỗi năm.
 
Theo cựu Thủ tướng Djoomart Otorbaev, Trung Á đang trải qua những thay đổi đáng kể. Dân số của khu vực này, tăng với tốc độ khoảng 2% mỗi năm, đã đạt 82 triệu người, tăng 40% kể từ năm 2000, với tổng GDP của 5 quốc gia trong khu vực đạt 519 tỷ USD vào năm 2024, tăng 400% kể từ năm 2000. Trong 4 năm qua, tổng GDP của các nước Trung Á đã tăng 80%.
 
Trong hai thập kỷ qua, Trung Á duy trì tốc độ tăng trưởng thực tế trung bình hàng năm là 6,7%, so với mức trung bình 5,3% của các nước đang phát triển và 2,6% của thế giới. Kể từ năm 2000, ngoại thương của các nước Trung Á tăng gần 9 lần, trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 17 lần.
 
Các dự báo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy Trung Á sẽ trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á, ngoại trừ Ấn Độ. Theo dự báo của ADB ngày 2/4, mức tăng trưởng dự kiến năm nay của Đông Á là 4,4%, Ấn Độ 6,7%, Đông Nam Á 4,7%, Thái Bình Dương 3,9% và Trung Á 5,4%. Còn WB dự báo mức tăng trưởng năm 2025 của Kazakhstan là 4,5%, Kyrgyzstan 6,8%, Tajikistan 6,5% và Uzbekistan 5,9%.
 
Tăng trưởng của khu vực Trung Á bắt nguồn từ tự do hóa kinh tế, giảm rào cản đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhấn mạnh vào kỹ thuật số hóa và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cùng với nhân khẩu học thuận lợi và dân số ngày càng trẻ và được đào tạo. Những yếu tố này đã tăng cường triển vọng kinh tế và ổn định của khu vực.
Theo TTXVN/Báo Tin tức và Dân tộc

tin liên quan

100 người thiệt mạng trong vụ tấn công bằng súng tại Nigeria
100 người thiệt mạng trong vụ tấn công bằng súng tại Nigeria

Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn truyền thông Nigeria ngày 15/6 cho biết ít nhất 100 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công bằng súng xảy ra từ đêm 14/6 đến rạng sáng 15/6 tại làng Yelewata thuộc khu vực Guma, bang Benue, miền Trung nước này.

Nhật Bản cấm bán lại gạo để ổn định giá
Nhật Bản cấm bán lại gạo để ổn định giá

Ngày 13/6, Chính phủ Nhật Bản quyết định cấm các cửa hàng bán lại gạo đã mua tại các cửa hàng bán lẻ để bảo đảm rằng người tiêu dùng mua được gạo dự trữ mới được đưa ra thị trường với giá thấp hơn.

Pháp cân nhắc cấm trẻ dưới 15 tuổi dùng mạng xã hội
Pháp cân nhắc cấm trẻ dưới 15 tuổi dùng mạng xã hội

Mới đây, Chính phủ Pháp đã công bố một loạt biện pháp nhằm tăng cường an toàn học đường, trong đó có đề xuất cấm trẻ dưới 15 tuổi sử dụng mạng xã hội và siết chặt việc bán dao cho trẻ vị thành niên. Động thái này diễn ra sau vụ việc một học sinh 14 tuổi đã dùng dao tấn công trợ giảng tại một trường trung học ở miền Đông nước này.