Quốc tế
icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Nguy cơ sụp đổ của hệ thống y tế châu Phi

  • 08:02, 27/02/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Theo tờ Guardian ngày 27/2, hệ thống y tế tại châu Phi đang đứng trước nguy cơ sụp đổ trong vài năm tới do sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm, trong bối cảnh nguồn viện trợ nước ngoài chủ yếu tập trung vào các bệnh truyền nhiễm.
 
Đây là cảnh báo của Tiến sĩ Githinji Gitahi, Tổng giám đốc điều hành Amref Health Africa, tại Diễn đàn Liên minh NCD Toàn cầu tổ chức ở Kigali, Rwanda đầu tháng này.
 
Theo ông Gitahi, các bệnh như ung thư, tiểu đường và cao huyết áp đang trở thành mối đe dọa lớn đối với hệ thống y tế châu Phi. Năm 2019, bệnh không lây nhiễm chiếm 37% số ca tử vong ở khu vực cận Sahara, tăng đáng kể so với mức 24% vào năm 2000. Dự báo đến năm 2030, đây sẽ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong khu vực, do tác động của chế độ ăn uống không lành mạnh, lối sống ít vận động và ô nhiễm môi trường.
Nhân viên y tế điều trị cho em nhỏ mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Zomea Kaka thuộc vùng Lobaya, CH Trung Phi. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế điều trị cho em nhỏ mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Zomea Kaka thuộc vùng Lobaya, CH Trung Phi. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại một bệnh viện điển hình ở châu Phi, bệnh không lây nhiễm chiếm tới 50% tổng số ca nhập viện, trong khi 80% chi phí điều trị các bệnh này do người dân tự chi trả. Các chính phủ khu vực không có đủ nguồn lực để đối phó với tình trạng này.
 
Nguồn viện trợ quốc tế chủ yếu tập trung vào các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lan rộng, như lao và HIV, trong khi chỉ dưới 3% ngân sách viện trợ y tế toàn cầu được phân bổ cho các bệnh không lây nhiễm. Ông Gitahi cho rằng viện trợ không phải là từ thiện mà phục vụ lợi ích của các nước tài trợ, chủ yếu nhằm kiểm soát dịch bệnh trước khi chúng vượt ra ngoài biên giới châu Phi.
 
Các đại biểu tham gia diễn đàn cũng thảo luận về tác động từ việc Mỹ đóng băng phần lớn ngân sách viện trợ nước ngoài, trong đó có nhiều chương trình y tế quan trọng. Theo ông Gitahi, Amref Health Africa - tổ chức y tế công cộng lớn nhất châu Phi - đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
 
Mỗi năm, Amref thực hiện các chương trình trị giá khoảng 250 triệu USD, trong đó 50 triệu USD đến từ các đối tác của chính phủ Mỹ. Việc cắt giảm ngân sách đã khiến một số nhân viên của tổ chức phải nghỉ phép không lương. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng bao gồm sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phòng chống HIV và nâng cao năng lực xét nghiệm.
 
Ông Gitahi bày tỏ hy vọng rằng chính quyền Mỹ sẽ xem xét lại quyết định sau thời hạn 90 ngày. Ông cho rằng các chương trình viện trợ cần được tiếp tục không chỉ vì lý do chính sách đối ngoại mà còn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và lợi ích của chính người dân Mỹ.
 
Trước những khó khăn về tài chính, ông Gitahi đề xuất các chính phủ châu Phi cần nâng cao hiệu quả quản lý, đẩy mạnh chống tham nhũng và áp dụng thuế đối với các sản phẩm có hại như thuốc lá, rượu và đường để tài trợ cho hệ thống y tế. Ông cũng khuyến nghị các nước châu Phi học hỏi từ phương Tây trong việc siết chặt quy định về quảng cáo thực phẩm có hại cho trẻ em.
 
Hiện nay, viện trợ của Mỹ chiếm một nửa tổng viện trợ phát triển dành cho châu Phi, với khoảng 6,5 tỷ USD trong tổng số 13 tỷ USD mỗi năm. Theo ông Gitahi, các chính phủ châu Phi không thể hoàn toàn thay thế nguồn ngân sách này do hạn chế về năng lực kinh tế. Điều này có thể buộc các nước phải điều chỉnh mục tiêu mở rộng y tế toàn dân, tập trung vào nhóm dân cư nghèo nhất thay vì toàn bộ người dân.
 
Ông nhấn mạnh rằng châu Phi không thể tự mình huy động đủ nguồn tài chính để đáp ứng toàn bộ nhu cầu y tế. Sự đoàn kết khu vực và hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế là yếu tố quan trọng. Một hệ thống y tế yếu kém không chỉ là vấn đề của riêng châu Phi mà còn là mối đe dọa đối với an ninh y tế toàn cầu.
Theo TTXVN/Báo Tin tức

tin liên quan

Nhật Bản: Hơn 80 ngôi nhà bị thiêu rụi, khoảng 2.000 người phải sơ tán do cháy rừng
Nhật Bản: Hơn 80 ngôi nhà bị thiêu rụi, khoảng 2.000 người phải sơ tán do cháy rừng

Hơn 80 ngôi nhà đã bị thiêu rụi và khoảng 2.000 người đã được lệnh sơ tán sau khi một vụ cháy rừng bùng phát ở thành phố Ofunato, miền Đông Bắc Nhật Bản.

Chủ tịch Triều Tiên kêu gọi quân đội nâng cao năng lực để chuẩn bị cho xung đột
Chủ tịch Triều Tiên kêu gọi quân đội nâng cao năng lực để chuẩn bị cho xung đột

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi xây dựng một quân đội mạnh mẽ, hiện đại nhằm đối phó với mọi cuộc chiến.

Châu Âu bất đồng về cách thức xử lý tài sản Nga
Châu Âu bất đồng về cách thức xử lý tài sản Nga

Ngày 25/2, tờ Politico đưa tin Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và các nước thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) phản đối việc chuyển giao tài sản nhà nước của Nga đã bị đóng băng cho Ukraine do lo ngại điều này sẽ ảnh hướng tới tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài.