Quốc tế
icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Canada cam kết chia sẻ 100 triệu liều vaccine với các nước thu nhập thấp

  • 03:06, 12/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Trong một phát biểu ngày 11-6, ông Ralph Goodale, Cao ủy Canada tại Vương quốc Anh cho biết Canada sẽ đóng góp 100 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho các quốc gia có thu nhập thấp.
Vaccine ngừa COVID-19 của Hãng Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Vaccine ngừa COVID-19 của Hãng Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Thủ tướng Justin Trudeau dự kiến sẽ đưa ra thông báo này vào ngày 13-6 khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Cornwall, Vương quốc Anh.
 
Việc đóng góp số vaccine trên của Canada sẽ là một phần trong cam kết của các nhà lãnh đạo G7 về việc cung cấp tổng cộng ít nhất một tỷ liều vaccine phòng COVID-19 cho các quốc gia khác. Hầu hết các khoản đóng góp của G7 sẽ được gửi tới COVAX, sáng kiến toàn cầu nằm đảm bảo các nước được tiếp cận công bằng với vaccine.
 
Mỹ có kế hoạch mua 500 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech và tặng phần lớn cho COVAX, phần còn lại sẽ được chuyển đến các quốc gia có nhu cầu trong năm tới. Vương quốc Anh sẽ đóng góp 100 triệu liều cho COVAX bắt đầu từ tháng 9 tới, bằng cách "chuyển hướng" nguồn cung cấp mà nước này đã đặt hàng nhưng không cần đến nữa. Tương tự như Vương quốc Anh, Canada cũng dự định "chuyển hướng" các lô vaccine mà nước này đã đặt hàng. Ví dụ, Canada đã đặt hàng 52 triệu liều vaccine Novavax nhưng loại vaccine này vẫn chưa được Bộ Y tế Canada phê duyệt, nên lô vaccine này có thể được gửi đến COVAX.
 
Cam kết trên của Ottawa dự kiến sẽ không ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình tiêm chủng tại Canada, vốn đã đặt hàng 252,9 triệu liều vaccine, đủ để tiêm chủng cho một lượng người tương đương ba lần dân số của quốc gia Bắc Mỹ này. Chính phủ Canada đã phải chịu áp lực ngày càng tăng trong việc chia sẻ một phần nguồn cung này cho các nước nghèo hơn.
 
Cũng liên quan đến vaccine, Bộ Y tế Canada vừa ra thông báo cho biết lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên của hãng Johnson & Johnson (J&J) mà nước này đã tiếp nhận gồm hơn 300.000 liều sẽ không được phép sử dụng. Bộ Y tế Canada đã tạm dừng kế hoạch phân phối lô vaccine J&J này sau khi phát hiện nguyên liệu bào chế được sản xuất ở nhà máy Emergent BioSolutions tại Mỹ, nơi đã để xảy sự cố nhầm lẫn thành phần vaccine của J&J và AstraZeneca khiến 15 triệu liều vaccine bị hỏng. 
 
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Bộ Y tế Canada cho biết thành phần của 310.000 liều vaccine trên được sản xuất cùng thời điểm xảy ra sự cố về kiểm soát chất lượng tại Emergent Biosolutions và không thể xác định liệu lô vaccine này có đáp ứng các tiêu chuẩn của Canada hay không. Do đó, hơn 300.000 liều vaccine này sẽ không được phân phối để sử dụng tại Canada.
 
Nhà máy Emergent Biosolutions đã bị Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) “thổi còi” do vi phạm lỗi làm sạch và khử trùng, không tuân thủ các quy trình bắt buộc trong sản xuất. Bộ Y tế Canada cũng đã loại bỏ 1,5 triệu liều vaccine Oxford/AstraZeneca được sản xuất tại cơ sở này. Bộ Y tế Canada đang lên kế hoạch thanh tra nhà máy Emergent Biosolutions vào mùa Hè này và cho đến khi hoàn tất việc kiểm tra, Canada sẽ không chấp nhận bất kỳ liều vaccine nào hoặc thành phần nào của vaccine được sản xuất ở đó.
 
Trước đó, tờ The New York Times ngày 11-6 dẫn thông báo của FDA cho biết Mỹ cũng đã buộc phải vứt bỏ khoảng 60 triệu liều vaccine J&J với lý do trên. Theo FDA, còn có 10 triệu liều vaccine khác của nhà máy này sẽ được phân phối, nhưng cơ quan trên không thể đảm bảo rằng chúng được sản xuất theo đúng quy trình an toàn. FDA hiện vẫn chưa quyết định có mở cửa trở lại nhà máy hiện do công ty Emergent BioSolutions vận hành hay không.
 
Theo Hương Giang (TTXVN)
 

tin liên quan

47.000 động vật hoang dã được bán tại chợ Vũ Hán trước khi COVID-19 bùng phát
47.000 động vật hoang dã được bán tại chợ Vũ Hán trước khi COVID-19 bùng phát

Một nghiên cứu mới đã phát hiện hàng nghìn động vật hoang dã đã được bày bán tại các chợ ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, trước khi bùng phát dịch bệnh COVID-19.

Thái Lan: Đi về từ nước ngoài bằng máy bay sẽ phải chịu chi phí cách ly
Thái Lan: Đi về từ nước ngoài bằng máy bay sẽ phải chịu chi phí cách ly

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, từ đầu tháng 7 tới, người dân Thái Lan về nước từ nước ngoài bằng đường hàng không sẽ phải trả chi phí cách ly nhưng vẫn được hưởng quyền lợi về y tế và chăm sóc sức khỏe.

Dưới bầu trời mùa Hè Italy...
Dưới bầu trời mùa Hè Italy...

Dưới bầu trời mùa Hè Italy năm 2021, tiếng còi mở màn Giải vô địch bóng đá châu Âu EURO 2020 lại vang lên, như một biểu tượng của nhịp sống sôi động đang dần trở lại ở nơi từng là tâm dịch COVID-19 tại "lục địa già".