icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Sáng tạo trong sử dụng "voi thép" tác chiến

  • 10:03, 16/03/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Trong cuộc đời quân ngũ, tôi đã trải qua nhiều trận đánh, tham gia nhiều chiến dịch trong đội hình đơn vị tăng thiết giáp. Nhưng trận đánh để lại trong tôi nhiều kỷ niệm và những suy ngẫm về nghệ thuật chiến dịch, nghệ thuật sử dụng tăng thiết giáp trong thực hành chiến đấu là trận tiến công thị xã Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3/1975).
 
Trước khi bước vào trận chiến, đơn vị chuẩn bị kỹ lưỡng về kỹ thuật, chiến thuật. Đại đội 9, Trung đoàn 273 chúng tôi được trang bị xe tăng T-54B thế hệ mới. Đơn vị tổ chức cho từng kíp xe tăng luyện tập kỹ và quyết định trong chiến dịch ra quân sẽ sử dụng ổn định tầm-hướng, bảo đảm tác chiến nhanh, chính xác. Trong điều kiện khí hậu ẩm ướt, lực lượng kỹ thuật thông tin tổ chức sấy máy thông tin bằng cách cho đốt than củi, vì vậy, suốt quá trình chiến đấu, tất cả các xe đều bảo đảm thông số kỹ thuật, không bị hư hỏng.
 
Giai đoạn làm công tác chuẩn bị tại vị trí tập kết, thủ trưởng Bộ tư lệnh chiến dịch hỏi: "Mỗi xe tăng 34 viên đạn, liệu có đủ chiến đấu không?". Tôi đề xuất: Mỗi xe tăng cố định thêm 10 viên đạn pháo (8 viên buộc phía trên, vòng quanh phía trong tháp pháo, 1 viên đạn xuyên cố định dưới sàn, trong nòng pháo sẵn sàng 1 viên đạn nổ) và mỗi xe thiết giáp K63 chở thêm 10 viên. Sáng kiến bổ sung đạn này về sau được toàn Trung đoàn 273 áp dụng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. 
Xe tăng và bộ binh tiến công các mục tiêu ở Buôn Ma Thuột, tháng 3/1975. Ảnh tư liệu
Xe tăng và bộ binh tiến công các mục tiêu ở Buôn Ma Thuột, tháng 3/1975. Ảnh tư liệu
Ngoài việc bổ sung đạn, tôi còn đề nghị trên tăng cường cho mỗi xe tăng một thùng 20 quả lựu đạn, riêng xe tôi được ưu tiên hai thùng (số lựu đạn này, tôi chỉ huy sử dụng hết trong buổi sáng 10/3/1975 để tiêu diệt địch khi chúng bu bám đội hình xe tăng). Một sự kiện đáng nhớ nữa là khi xuất phát tiến công, với kinh nghiệm cơ động xe tăng trong chiến đấu, tôi đề nghị cấp trên cho xuất phát trước 15 phút (theo hiệp đồng là 2 giờ ngày 10/3/1975, nhưng chúng tôi xuất phát lúc 1 giờ 45 phút) và được chỉ huy Bộ tư lệnh chiến dịch đồng ý. 
 
Cuộc tiến công vào mục tiêu then chốt Buôn Ma Thuột bắt đầu. Khi pháo binh, đặc công tiến công sân bay thị xã, khu kho Mai Hắc Đế và sân bay Hòa Bình thì Đại đội 9, mũi đột kích thọc sâu do tôi chỉ huy gồm 10 xe tăng T-54B và 10 xe K63 được tổ chức thành 4 thê đội. Mọi yếu tố bí mật vẫn giữ đến phút chót, địch không hề biết “voi thép” của chúng tôi đang lao về phía chúng.
 
5 giờ 30 phút ngày 10/3/1975, trong khi pháo binh điều chỉnh tọa độ bắn chuyển làn thì từ các hướng, xe tăng thiết giáp và các binh chủng cơ giới của ta mở hết tốc lực, theo đường trinh sát đã đánh dấu húc đổ cây, xông ra khỏi rừng, tiến thẳng về thị xã Buôn Ma Thuột. Mặc dù không có lệnh của trên nhưng với sự quan sát nhạy bén trên chiến trường, trước tình thế địch hoang mang cực độ sau trận "bão lửa" từ pháo binh của ta, tôi hạ lệnh cho bật đèn lên. Thấy xe Đại đội 9 bật đèn, các thê đội tăng khác cũng bật đèn lên. Cả núi rừng Tây Nguyên như chuyển động trong "bão lửa".
 
Các loại hỏa lực và ánh đèn pha sáng rực của xe tăng làm bùng lên ý chí quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ, khiến kẻ địch hoang mang, khiếp đảm. Về ý định bất ngờ này, trước đó, trong trận tấn công Đắk Pét, đồng chí Đặng Vũ Hiệp, Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên có hỏi tôi: “Tại sao trong chỉ huy trận đánh, đồng chí không dùng mật ngữ?”. Tôi báo cáo: Theo quy định công tác tham mưu là phải dùng mật ngữ, nhưng trong chỉ huy hành động tác chiến trên chiến trường hết sức mau lẹ, khi địch biết được ý định của ta thì ta đã thực hành xong rồi.
 
Tôi còn nhớ trước khi xuất kích, đồng chí Lê Ngọ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 273 điện cho tôi và căn dặn: “Dành cho mày hướng khó nhất, ác liệt nhất. Đánh không thắng nhanh, về tao xẻo...”. 10 giờ ngày 11/3/1975, các hướng mũi đồng loạt tiến công vào sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Đến 10 giờ 30 phút, cả xe tăng, bộ binh đánh đến chân cột cờ. Xe tăng Đại đội 9 rải ra chốt giữ những vị trí khống chế địch, hỗ trợ các chiến sĩ nhanh chóng hạ cờ ngụy quyền, kéo cờ giải phóng lên trong niềm vui hân hoan chiến thắng.
 
Khi địch đã đầu hàng, tôi cùng anh em vào phòng làm việc của Tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy. Trong phòng làm việc của hắn, giấy tờ, đồ dùng hỗn độn. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy máy thu hình (ti vi) nên khi thấy chiếc ti vi trong phòng làm việc, tôi nói với anh em là bóng điện tử, chịu khó mang về, chắc có nhiều công dụng. Sau này, anh em cứ nhắc mãi cái “bóng điện tử” trận Buôn Ma Thuột, cũng như thu lượm hai chiếc chảo chiến lợi phẩm trong trận Đắk Pét...
Theo QĐNDĐT

tin liên quan

Đội 589 quy tập được 10 hài cốt liệt sĩ tại Lào
Đội 589 quy tập được 10 hài cốt liệt sĩ tại Lào

(QBĐT) - Thực hiện kế hoạch quy tập hài cốt liệt sĩ mùa khô năm 2024-2025, từ tháng 10/2024 đến nay, Đội 589, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã khảo sát, tìm kiếm và quy tập được 10 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại tỉnh Khăm Muồn (Lào). 

Chấn chỉnh thái độ làm việc cầm chừng
Chấn chỉnh thái độ làm việc cầm chừng

Công cuộc tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đang được thực hiện quyết liệt, triệt để nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tăng tốc phát triển đất nước. Bên cạnh tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân nhiệt tình ủng hộ chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao thì cũng có một bộ phận làm việc cầm chừng, từ đó dẫn tới bê trễ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ thấp.

37 năm sự kiện Gạc Ma: "Thấy bóng hình cha giữa biển trời Trường Sa"
37 năm sự kiện Gạc Ma: "Thấy bóng hình cha giữa biển trời Trường Sa"

Mùa hè năm ngoái, anh Nguyễn Đình Thế, 40 tuổi, ở thôn Tây Thôn, xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là con trai liệt sĩ Gạc Ma được tham gia cùng đoàn công tác tỉnh Quảng Bình thăm huyện đảo Trường Sa. Khoảnh khắc tàu ngang qua đảo Gạc Ma, anh Thế không bao giờ quên.