Lao động trong Quân đội là ngành lao động đặc biệt, lao động “xương máu”, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua” để bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Đội ngũ sĩ quan trong Quân đội phần lớn đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo, thường xuyên, trực tiếp chỉ huy, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lao động sản xuất trong điều kiện lao động “đặc thù của đặc thù”. Cụ thể là phải làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt; thường xuyên tiếp xúc với vũ khí, đạn dược, trang thiết bị quân sự; cường độ huấn luyện rất cao. Điều đó đòi hỏi bên cạnh trí tuệ, kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, sĩ quan còn phải có sức khỏe đủ tốt, đủ dẻo dai thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Việc tăng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ trong Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/12/2024, đã được Quốc hội, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tính toán rất kỹ lưỡng, tạo được sự đồng thuận cao, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội là ngành lao động đặc biệt.
![]() |
Theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ sẽ được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75%, theo nguyên tắc đóng-hưởng. Nếu không tăng hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo cấp bậc quân hàm như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được Quốc hội biểu quyết nhất trí thông qua ngày 28-11-2024, thì nam sĩ quan từ cấp Trung tá trở xuống, khi nghỉ hưu sẽ không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75%. Do đó, một bộ phận sĩ quan trẻ sẽ không yên tâm công tác, ảnh hưởng đến chất lượng công việc, cuộc sống gia đình. Cùng với đó, sẽ làm giảm sức thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào phục vụ Quân đội.
Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi, đảm bảo tính khoa học, hài hòa các yêu cầu, khi nâng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan quân đội, đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn, sự trông đợi của sĩ quan và người thân; tăng hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan từ 1 đến 5 tuổi, tuổi của nam và nữ sĩ quan bằng nhau: Cấp úy 50 tuổi, Thiếu tá 52 tuổi, Trung tá 54 tuổi; Thượng tá 56 tuổi, Đại tá 58 tuổi, cấp tướng giữ nguyên 60 tuổi.
Mục đích của tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan nhằm phát huy năng lực, trí tuệ, sức khỏe, nhất là kinh nghiệm trong xây dựng, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam của đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản; trực tiếp góp phần giảm áp lực đào tạo cán bộ, bảo đảm cho đa số sĩ quan, đặc biệt là cấp Trung tá trở xuống, khi nghỉ hưu có đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội, được hưởng mức lương hưu tối đa 75%, khắc phục được những vướng mắc, bất cập của luật hiện hành; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế công tác cán bộ của Đảng và Quân đội, thể hiện chính sách ưu việt, tác động trực tiếp đến tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ sĩ quan và thân nhân.
Tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan trong Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi lần này đóng vai trò rất quan trọng, là chính sách mới đã được toàn quân phấn khởi đón nhận, trở thành nguồn cổ vũ, động viên, động lực quan trọng khích lệ sĩ quan Quân đội tiếp tục cống hiến, sẵn sàng hy sinh, là điểm nhấn đặc biệt quan trọng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài vào phục vụ trong Quân đội thời kỳ mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc.
Theo Báo QĐND