(QBĐT) - Để thực hiện hiệu quả đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027” theo Quyết định số 1371/QĐ-TTg, ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Đề án 1371), những năm qua, Đảng ủy-Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án một cách đồng bộ, đa dạng hóa về nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức, góp phần nâng cao sự hiểu biết pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các vùng dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa.
Bản Khe Ngát thuộc thị trấn Nông trường Việt Trung là một trong những địa bàn vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn của huyện Bố Trạch. Nhiều năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương và lực lượng vũ trang tỉnh, đời sống kinh tế-xã hội của nhân dân đã được cải thiện. Trình độ dân trí của nhân dân từng bước được nâng lên, nhu cầu, sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của bà con ngày càng tiến bộ.
Đây cũng là tín hiệu vui sau một năm, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL cho bà con nhân dân theo tinh thần Đề án 1371. Bí thư Chi bộ bản Khe Ngát Hồ Văn Phần phấn khởi cho biết: “Nhờ bộ đội “cầm tay, chỉ việc”, giúp đỡ, hướng dẫn, tuyên truyền nên ý thức của bà con có nhiều tiến bộ…”.
Năm 2023, thực hiện Đề án 1371, Đảng ủy-Bộ CHQS tỉnh đã cử đội công tác tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình địa bàn và nhu cầu của bà con nhân dân để xây dựng, triển kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày bộ đội đến với bản làng, đồng bào vui mừng, bởi họ được nghe bộ đội hướng dẫn cho cách tìm hiểu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhất là những nội dung liên quan đến quyền lợi sát sườn và trách nhiệm, nghĩa vụ của mình…
Xác định đây là nhiệm vụ không phải ngày một, ngày hai, Bộ CHQS tỉnh đã huy động tối đa mọi nguồn lực, mua tặng bà con một số cơ sở vật chất, như: Ti vi, âm loa máy, tủ sách pháp luật, radio cầm tay... góp phần nâng cao đời sống tinh thần để bà con, nhất là thế hệ trẻ thuận tiện hơn trong tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
![]() |
Hiệu quả nhất là chiếc radio mà bộ đội tặng. Với ưu điểm là sự tiện lợi và nhỏ gọn, độ phủ sóng rộng, chiếc radio đã theo bà con xuống suối, lên nương, có khi còn theo chị em ra vườn, vào bếp… Như vậy, người dân có thể dễ dàng có thể kết nối sóng radio ở bất cứ đâu để theo dõi các chương trình từ tin tức thời sự, thông tin kinh tế, văn hóa, giải trí… Chị Hồ Chị Miên, ở bản Khe Ngát cho biết: “Từ ngày có cái đài, quá thuận tiện để tôi được nghe và mở mang nhiều kiến thức. Đặc biệt, các câu chuyện liên quan đến đời sống hàng ngày mang đến cho tôi nhiều thông tin…”.
Từ mô hình điểm về tuyên truyền, PBGDPL cho bà con nhân dân bản Khe Ngát, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố chủ động làm tốt công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương nhân rộng ra nhiều mô hình với tiêu chí cơ bản là “hiệu quả, sát địa bàn, đúng đối tượng và nhu cầu thụ hưởng”. Trên cơ sở kế hoạch đã được khảo sát, xây dựng, các cơ quan, đơn vị mà trực tiếp là các tổ, đội công tác đã phát huy vai trò, trách nhiệm, chủ động đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, trong đó ưu tiên hình thức tuyên truyền trực quan, như: Xây dựng kịch bản, video clip, các vở kịch ngắn có lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật... để bà con dễ tiếp nhận, dễ nhớ, dễ thuộc…
Những nội dung cơ bản của Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Giao thông đường bộ, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật An ninh mạng, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình… đều được cơ quan Quân sự lồng ghép vào các nội dung tuyên truyền và mang lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu, có mô hình tuyên truyền pháp luật ở bản Cáo, xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa); bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy)…
Ba năm thực hiện Đề án 1371 là khoảng thời gian chưa dài nhưng bằng sự năng động, sáng tạo và trên hết là bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên; bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của đề án, Bộ CHQS tỉnh mà trực tiếp là cán bộ, nhân viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đã phát huy vai trò, trách nhiệm, chú trọng đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, PBGDPL cho bà con nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bằng hình thức phong phú, khi thì tổ chức các đợt hành quân dã ngoại trực tiếp đến với nhân dân để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lúc thì biên tập, phát các tờ rơi đến tận tay cho bà con tham khảo rồi làm theo… đã đưa các nội dung cần tuyên tuyền, giáo dục thấm dần, ngấm vào nhận thức, tiềm thức của bà con. Từ đó, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm tham gia tố giác tội phạm của nhân dân được nâng lên, góp phần giữ vững an toàn địa bàn, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Từ năm 2021 đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã mua tặng cơ sở 9 bộ tăng âm, loa cơ động, loa cầm tay; 9 tủ sách pháp luật với gần 1.300 đầu sách, tạp chí; sửa chữa, làm mới 120 pa nô, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền và tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền trực tiếp cho gần 5.000 người dân, học sinh, tại 17 xã, 2 trường học thuộc các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, để góp phần nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng, phương pháp tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, Bộ CHQS tỉnh và các cơ quan, đơn vị đã ban hành hàng trăm đầu văn bản liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai Đề án 1371 và tổ chức 50 hội nghị sinh hoạt, quán triệt, tuyên truyền thực hiện đề án cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, nhất là số cán bộ chính trị các cấp.