(QBĐT) - Những năm qua, cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới; đấu tranh, phòng, chống tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, Đồn Biên phòng (BP) Làng Mô luôn đồng hành với địa phương triển khai hiệu quả nhiều hoạt động giúp dân phát triển kinh tế-xã hội. Những việc làm của người lính mang “quân hàm xanh” nơi đây đã góp phần bồi đắp, củng cố tình đoàn kết quân-dân keo sơn, gắn bó nơi dải biên cương phía Tây này.
Từ “Tiếng máy vùng biên”
Đầu tháng 9/2020, 1 chiếc máy xay nghiền mini “đa năng” đầu tiên được các cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) Đồn BP Làng Mô “cõng” lên tặng cho đồng bào Bru-Vân Kiều ở bản Dốc Mây. Sở dĩ các anh phải "cõng" là vì bản Dốc Mây cách trung tâm xã Trường Sơn (Quảng Ninh) đến hơn 20km và chưa có đường để ô tô đi lại. Đường vào bản phải đi bộ hơn 5 giờ đồng hồ. Bản Dốc Mây cũng chưa có điện lưới. Thiếu tá Trần Thanh Nam, Chính trị viên phó Đồn BP Làng Mô nhớ lại, những chuyến công tác vào bản, các anh đã bị day dứt bởi hình ảnh những người phụ nữ Bru-Vân Kiều vẫn còn giã gạo, xay lúa bằng tay. Điều đó đã trở thành động lực cho các anh trăn trở và tìm cách để giúp bà con.
Sau những ngày tìm kiếm trên các phương tiện thông tin đại chúng, các anh biết được, ở một số tỉnh miền núi phía Bắc đã sử dụng khá phổ biến một loại máy xay nghiền mini, vừa có thể sử dụng được bằng động cơ điện, vừa có thể sử dụng bằng động cơ xăng. Nếu có được chiếc máy này, chắc chắn người phụ nữ miền núi nơi đây sẽ được giải phóng sức lao động.
Máy tuốt lúa mini được Bộ đội Biên phòng Làng Mô tặng cho người Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn (Quảng Ninh).
Qua nhiều kênh kết nối, cuối cùng, các anh đã kêu gọi nhà hảo tâm tài trợ kinh phí để mua về tặng cho dân bản. Từ món quà đầu tiên này, Đồn BP Làng Mô đã có sáng kiến về mô hình “Tiếng máy vùng biên”, thu hút được sự quan tâm của các nhà tài trợ và tạo nên phong trào đưa phương tiện, máy móc sản xuất nông nghiệp hiện đại lên vùng miền núi, biên giới.
Thiếu tá Trần Thanh Nam vui vẻ cho biết: “Từ đó đến nay, đồn đã kết nối, kêu gọi hỗ trợ người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn 26 máy cày, máy xay nghiền “đa năng”, máy tuốt lúa (loại nhỏ), trị giá 236 triệu đồng cho các thôn, bản trên địa bàn xã. Lợi ích của những chiếc máy này là giá thành không cao (từ 6-10 triệu đồng/chiếc) và có thể kêu gọi, vận động các nhà tài trợ. Những chiếc máy xay nghiền mini rất dễ sử dụng, vừa có thể xay xát gạo, vừa xay nghiền ngô, sắn để làm thức ăn chăn nuôi. Còn máy cày nhỏ rất tiện lợi cho việc làm đất ở những diện tích nhỏ, hẹp và dễ cơ động ở các địa hình đồi, dốc. Điều quan trọng và ý nghĩa hơn cả là từ khi có máy móc, thiết bị hỗ trợ, người dân đỡ vất vả trong quá trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Đây còn là nguồn động lực lớn, khuyến khích bà con tích cực lao động, mở rộng sản xuất, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống”.
Chị Hồ Thị Thư, Trưởng bản Đá Chát, xã Trường Sơn chia sẻ: “Từ khi có những cái máy này, dân bản siêng năng ra đồng, lên rừng làm việc hơn. Việc chăn nuôi, trồng trọt cũng dễ hơn trước rất nhiều. Chăn nuôi lợn, gà giờ đây cũng bớt mệt và vất vả nữa! Nhiều nhà trong bản đã mua thêm lợn, gà về chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình”.
Nhiều “món quà” đáng quý…
Từ thành công của "Tiếng máy vùng biên", CB, CS Đồn BP Làng Mô đã thực hiện nhiều mô hình, hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân trên địa bàn. Với mong muốn từng bước thay đổi nếp sống sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh môi trường, năm 2022, CB, CS đơn vị đã triển khai mô hình "Nhà vệ sinh vì cộng đồng". Sau khi thực hiện thí điểm thành công 10 công trình vệ sinh tự hủy, đến nay, Đồn BP Làng Mô đã phối hợp với các đoàn thể địa phương, nhà hảo tâm hoàn thành thi công 55 nhà vệ sinh.
Từ năm 2020 đến nay, Đồn BP Làng Mô cũng đã triển khai xây dựng 16 công trình “Ánh sáng vùng biên” chiều dài 16,2km với tổng trị giá 815 triệu đồng; kết nối xây dựng 7 công trình nước sạch, 9 ngôi nhà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá hơn 920 triệu đồng; đỡ đầu cho 39 em học sinh trong dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”, 6 em trong chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng”.
Thiếu tá Trần Thanh Nam cho hay: “Để giảm chi phí đến mức thấp nhất và tạo thuận lợi trong quá trình thi công, anh em trong đơn vị đã lựa chọn thùng nhựa nguyên sinh HDPE, một loại vật liệu có độ bền, dẻo, chịu lực, không bị oxy hóa để làm hầm tự hủy. Xung quanh hầm chứa chất thải được xây bằng gạch, mặt trên đặt các tấm bê tông, sau đó được tráng phủ bằng xi măng. Anh em đơn vị chủ yếu triển khai thực hiện phần hầm chứa và nền phía dưới, là phần quan trọng nhất của công trình, còn vật liệu để làm nhà vệ sinh, chúng tôi vận động bà con cùng đóng góp. Với bà con, việc cùng nhau bỏ công sức ra làm như vậy, họ mới có ý thức giữ gìn, bảo quản và sử dụng công trình hiệu quả”.
Thượng tá Lê Văn Sỹ, Chính trị viên Đồn BP Làng Mô chia sẻ: “Đóng quân trên địa bàn biên giới khó khăn, bên cạnh hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, chúng tôi nghĩ rằng, làm được gì cho bà con chúng tôi sẽ cố gắng hết sức. Chỉ mong cuộc sống và điều kiện phục vụ lao động, sản xuất của bà con đỡ vất vả hơn. Và khi điều kiện vật chất được nâng lên, cách nghĩ và lối sống của bà con sẽ đổi khác, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây”.
Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Hoàng Trọng Đức chia sẻ: “Trong điều kiện nguồn lực của địa phương còn nhiều khó khăn, sự giúp đỡ của Đồn BP Làng Mô trong thời quan qua là vô cùng đáng quý. Những mô hình, việc làm, công trình quy mô, bài bản đó đã giúp cho cuộc sống, lao động, sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây không chỉ được tiếp cận với phương tiện sản xuất cơ giới hiện đại, mà còn thay đổi nhận thức, ý thức lao động cho bà con. Sự chuyển biến rõ nét thể hiện ở chỗ, bà con nơi đây đã làm chủ quy trình sản xuất, chăn nuôi, tự lực cánh sinh và biết chủ động trong lao động, sản xuất, làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình”.
Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội Phòng không-Không quân đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, chiến đấu anh dũng, cùng quân và dân cả nước bảo vệ vững chắc vùng trời.
Tại hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương: Bối cảnh tình hình mới cần phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết mới của Trung ương về nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng là bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
(QBĐT) - Xác định công tác xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu" vừa là vinh dự, trách nhiệm, vừa là nhiệm vụ chính trị và thời cơ để nâng cao chất lượng toàn diện các mặt công tác, những năm qua, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Quảng Ninh luôn khắc phục khó khăn, chủ động bám sát hướng dẫn của cấp trên trong triển khai thực hiện.