(QBĐT) - Nếu như với những người lính nói chung, công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn được xem là nhiệm vụ chiến đấu thì với những người lính lái xuồng cứu hộ, nhiệm vụ của họ được ví như những trận chiến “giáp lá cà”. Họ dũng cảm, gan dạ, mưa trí đối mặt với lũ dữ, với hiểm nguy mà chẳng hề nao núng, sờn lòng…
Trong trận lũ vừa xảy hồi tháng 9 năm 2019, trên chiếc xuồng cùng thiếu tá Ngô Mậu Thắng chở lương thực, thực phẩm tiếp tế cho bà con vùng bị nước lũ chia cắt, chúng tôi mới thấm thía nỗi vất vả, gian truân của người lái xuồng cứu hộ.
15 năm trong nghề, kiến thức thường xuyên được cập nhật, kinh nghiệm được tích lũy, địa hình cũng khá thông thạo, vậy mà chiếc xuồng đang chạy êm ru đột nhiên rú lên, xoay tròn, không chịu tiến, chẳng chịu lùi làm anh em trong đoàn một phen hú vía.
Anh Thắng bình thản cho giảm ga, nhấc bánh lái lên cao, gỡ ra một nắm những dây dợ, túi nilon bị quấn chặt vào bánh lái rồi tiếp tục tăng ga chở hàng cứu trợ đến với bà con. Vất vả, hiểm nguy là vậy mà khi chúng tôi gặng hỏi, anh Thắng trả lời nhẹ tênh: "Anh em tôi quen rồi, cứ thấy mưa lớn là chuẩn bị xăng dầu, sẵn sàng nổ máy kiểm tra phương tiện kể cả lúc nửa đêm hay rạng sáng. Nói chung là tinh thần sẵn sàng luôn thường trực."
![]() |
Cùng với anh, lúc thì chạy xuồng giữa dòng nước lũ, lúc thì chậm rãi luồn lách qua từng ngõ nhỏ, từng hộ dân, có lúc lại lội bộ đẩy xuồng vì quá nhiều chướng ngại vật, chúng tôi hiểu, anh Thắng nói vậy thôi chứ làm gì có ai quen với gian khổ, hiểm nguy.
Được biết, đợt này, anh Thắng đã góp phần di dời được 31 hộ dân và nhiều tài sản quý của bà con các xã vùng giữa huyện Lệ Thủy đến nơi tránh trú an toàn. Trong lúc bị nước lũ chia cắt, anh cũng đã chở hàng trăm thùng hàng cứu trợ đến với bà con. Có thể nói rằng, lúc hiểm nguy là lúc các anh-những người lính lái xuồng cứu hộ có mặt.
Không riêng gì ở Lệ Thủy mà khắp các vùng ngập lụt trong toàn tỉnh, khi nước lũ tràn về, những người lính lái xuồng cứu hộ luôn xông trận đầu tiên. Nước lũ dâng cao, các anh dũng cảm cầm lái băng mình giữa mưa lũ sơ tán dân và tài sản đến vị trí an toàn. Nước lũ chia cắt, các anh vượt qua nhiều loại chướng ngại vật chở nước uống, lương thực, thực phẩm tiếp tế cho người dân.
Đó là chưa kể đến hàng chục tình huống nguy cấp mà các anh phải tự mình xử lý nhanh nhất có thể. Trung tá Cao Sỹ Chung, Ban chỉ huy Quân sự Minh Hóa kể lại, trong lúc nước lũ dâng cao, nhận được tin báo có sản phụ chuyển dạ, không nề hà, quản ngại gian khó, anh tức tốc cùng đồng đội đến tận nhà dân chở sản phụ đến bệnh viện sinh con an toàn.
Chúng tôi được biết, trong đợt mưa lũ ấy, tổ lái xuồng của Ban chỉ huy Quân sự huyện Minh Hóa đã chở 2 bệnh nhân bị tai nạn và 3 sản phụ đến bệnh viện điều trị và sinh nở an toàn.
Anh Cao Anh Hùng, chồng của sản phụ Nguyễn Thị Dung ở xã Minh Hóa, người may mắn được anh Cao Sỹ Chung lái xuồng trong lũ chở đến bệnh viện kịp giờ chuyển dạ cảm động chia sẻ: “Trong lúc nước lũ dâng cao, con nhỏ, mẹ già chưa kịp tránh trú, đồ đạc chưa kịp di chuyển thì vợ tôi lại chuyển dạ. Ruột gan tôi như lửa đốt, may mắn có xuồng cứu hộ của các anh bộ đội. Tôi chẳng biết nói hơn ngoài lời cảm ơn bộ đội đã giúp vợ tôi sinh nở được mẹ tròn con vuông.”
Chỉ tính riêng 3 năm trở lại đây, với hàng trăm chuyến vận chuyển, những người lính lái xuồng cứu hộ đã góp phần di dời được 3.400 hộ dân đến nơi an toàn; tiếp tế được 97.000 thùng mì tôm, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con bị lũ chia cắt; đã có 8 bệnh nhân được cấp cứu kịp thời; 5 sản phụ vượt cạn thành công…
Hơn cả những con số đã được thống kê, những tình cảm, lòng biết ơn của nhân dân các địa phương, sự ghi nhận của lãnh đạo các cấp mới là nguồn động viên, cổ vũ to lớn để những người lính lái xuồng cứu hộ tiếp tục cống hiến… Sự ứng cứu kịp thời của những chiếc xuồng cứu hộ và sự dũng cảm của người lính sẽ là niềm tin, là chỗ dựa vững chắc cả về vật chất và tinh thần cho người dân trong bão lũ.
Phạm Nguyễn Hà My