(QBĐT) - 1. Trận chiến đấu chống càn của quân và dân làng Cảnh Dương ngày 12 tháng 7 năm 1948: Nắm rõ Cảnh Dương là nơi tập kết hàng hóa, vũ khí từ Thanh – Nghệ Tĩnh để tiếp tế vào Nam Quảng Bình và mặt trận Bình -Trị - Thiên, ngày 12 tháng 7 năm 1948, giặc Pháp đã mở một trận càn lớn vào khu vực Roòn nhằm mục đích xóa sổ làng chiến đấu Cảnh Dương, lập một bàn đạp thọc sâu lên Tuyên Hóa và chốt chặn, kiểm soát tuyến vận chuyển biển của ta.
Hơn 1.000 quân dù, bộ binh với sự yểm trợ mạnh mẽ của máy bay, tàu chiến, trọng pháo tiến công vào làng biển có diện tích chưa đầy cây số vuông nhưng đã bị quân dân trong làng đánh bật trở lại. Kết quả, quân ta đã tiêu diệt tại chỗ 11 tên Pháp, trong đó có 1 tên quan ba. Kẻ địch không chiếm được làng, không thực hiện được âm mưu triệt hạ nhà cửa, hệ thống phòng thủ của Cảnh Dương.
2. Trận phục kích Tiên Lương (Quảng Trạch, Quảng Bình) của Đại đội 2, Tiểu đoàn 274, Bộ đội địa phương Quảng Bình ngày 10 tháng 8 năm 1948. Đây là trận phục kích có quy mô tác chiến tập trung, lần đầu tiên ta tổ chức tiêu diệt địch giữa ban ngày, phá được xe, bắt được tù binh.
Đây cũng là trận mở đầu của chiến dịch Thu-Đông 1948 ở Quảng Bình. Kết quả, ta đã phá hủy được 5 xe Zép, diệt tại chỗ 17 tên địch, trong đó có 14 tên Pháp (1 cấp tá, 3 cấp úy), 3 tên cầm đầu ngụy quyền địa phương bị thương nặng vào đến bệnh viện thì chết; nhiều tù binh bị bắt, trong đó có 1 trung sỹ Pháp; thu được 1 máy vô tuyến điện.
Thắng lợi của trận đánh đã tạo được tiếng vang lớn trong toàn tỉnh, làm cho nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào cách mạng, vào kháng chiến và khả năng tiêu diệt địch của lực lượng vũ trang địa phương, tạo đà cho việc xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng kháng chiến.
3. Trận tập kích Chợ Chè của Đại đội 1, bộ đội địa phương huyện Lệ Thủy vào ngày 24 tháng 1 năm 1949. Đây là trận đánh giữa ban ngày trong vùng địch hậu, hiệu suất chiến đấu cao, có tác dụng gây thanh thế cho quân ta; gây chấn động tâm lý bất lợi cho kẻ thù, là trận đánh mẫu mực của phong trào “du kích chiến” ở vùng địch hậu.
Với lực lượng nhỏ, lối đánh táo bạo, xuất quỷ nhập thần, trận Chợ Chè tại Hồng Thủy, Lệ Thủy vừa gây kinh hoàng cho kẻ địch, vừa là thúc đẩy quan trọng cho phong trào “Du kích chiến”. Kết quả, chỉ sau 15 phút, ta làm chủ chiến trường, thu gọn 5 khẩu súng và toàn bộ đạn dược của địch, bắt sống được 5 tên.
4. Trận chống càn Xuân Bồ (xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy) của Trung đoàn bộ binh 18 thuộc mặt trận Bình-Trị-Thiên ngày 20 tháng 5 năm 1950. Là trận thắng gây ảnh hưởng lớn trong nhân dân, gây dựng lòng tin của nhân dân với lực lượng Vệ quốc đoàn, đập tan âm mưu càn quét, tàn phá mùa lúa của địch ở các huyện phía Nam tỉnh Quảng Bình, để lại bài học quý về kinh nghiệm đánh địch chống càn trong thế trận chiến tranh nhân dân thời kỳ đầu chống thực dân Pháp xâm lược.
Kết quả, sau 16 giờ chiến đấu với 4 đợt tiến công, ta đã đánh làm thiệt hại nặng tiểu đoàn Spaihis và lực lượng quân địa phương tỉnh ở Quảng Bình, tiêu diệt và làm bị thương 500 tên, bắt 4 tù binh Âu – Phi, thu 2 khẩu cối 81, 1 đại liên 7,6ly, 1 khẩu FM 24-29, 3 khẩu các bin, 3 khẩu súng trường mát.
5. Trận đánh biệt kích của quân – dân xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa ngày 6 tháng 1 năm 1963. Vào lúc 22 giờ ngày 6 tháng 1 năm 1963, quân Ngụy – Sài Gòn đã cho máy bay thả 5 tên biệt kích xuống khu vực thôn Tân Kiều nhằm mục đích điều tra nắm hoạt động của quân dân ta.
Với tinh thần cảnh giác cao, chỉ hơn 10 tiếng đồng hồ bao vây lùng sục, ta đã bắt gọn cả 5 tên gồm 1 toán trưởng, 1 toán phó, 1điện đài, 2 toán viên, thu toàn bộ vũ khí. Đây là trận đánh biệt kích xuất sắc, điển hình nhất của dân quân du kích địa phương trong những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, đã được phát động học tập rộng rải trong toàn Quân khu.
6. Trận đánh biệt kích của quân dân thôn Đồng Thành, Đồng Hới vào ngày 30 tháng 6 năm 1964. Đêm 30 tháng 6, một toán biệt kích Mỹ – Ngụy gồm 20 tên được tàu chiến đưa vào gần cửa biển Nhật Lệ rồi dùng thuyền cao su chở vào đổ bộ phía bắc thôn Đồng Thành. Với tinh thần cảnh giác cao độ, lực lượng dân quân du kích Đồng Thành đã sớm phát hiện khẩn trương phối hợp với lực lượng công an nhân dân vũ trang đồn Nhật Lệ truy tìm tiêu diệt.
Sau gần 20 phút chiến đấu, toán biệt kích bị ta tiêu diệt 1 tên, 1 tên bị bắt sống, 3 tên khác bị thương, số còn lại phải tháo chạy thoát thân. Đặc biệt, trận chiến đấu này đã ghi nhận tấm gương chiến đấu dũng cảm, ngoan cường và sự hy sinh oanh liệt của chiến sỹ dân quân Trương Pháp. Anh vinh dự được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVTND vào năm 1999.
7. Trận đánh tàu chiến Mỹ của cụm pháo binh Tỉnh đội Quảng Bình tại vùng biển Tân Định (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) ngày 17 tháng 5 năm 1967. Đây là trận thắng đánh dấu một bước phát triển mới về nghệ thuật sử dụng lực lượng của bộ đội pháo binh tỉnh Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là lần đầu tiên lực lượng pháo binh địa phương tổ chức cụm chiến đấu, có hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội phòng không và dân quân tự vệ, từ xa cơ động qua địa hình phức tạp…
Kết quả, ta đã bắn cháy tàu khu trục địch mang số hiệu 029 với 24 viên đạn pháo, biên đội tàu địch phải rút ra khỏi khu vực xẩy ra trận đánh.
8. Trận tiến công tàu chiến Mỹ của Đại đội pháo binh dân quân xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy ngày 7 tháng 2 năm 1968. Là lần đầu tiên trên miền Bắc, một đơn vị pháo binh nữ dân quân độc lập chiến đấu bắn cháy tàu chiến Mỹ.
Với sức vóc nhỏ nhưng ý chí quyết tâm cao, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy đã dũng cảm, mưu trí, gan dạ sử dụng pháo nòng dài 85ly, nổ súng tiến công 1 biên đội tàu khu trục Mỹ xâm phạm vùng biển Nam Quảng Bình, bắn cháy tàu khu trục hạm mang số hiệu 013 với 8 phát đạn pháo. Trận đánh không những tạo tiếng vang trong nước mà còn được bạn bè quốc tế ca ngợi, khâm phục.
Hà My (sưu tầm và biên soạn)