icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Phân loại rác tại nguồn-Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

  • 05:06, 08/06/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dưới cái nắng gắt như đổ lửa của một ngày đầu tháng 6, mỗi động tác thu gom, kéo và đóng nắp thùng rác của công nhân vệ sinh môi trường như nặng hơn. Và điều khiến họ luôn trăn trở là cảnh tượng quen thuộc, các thùng rác vẫn chứa đủ loại, từ vỏ hộp sữa, thức ăn thừa, túi nilon, chai nhựa… Tất cả trộn lẫn vào nhau. Làm gì để tháo gỡ “điểm nghẽn” về phân loại rác tại nguồn, đưa hoạt động này trở thành một phần trong nếp sống văn minh, hiện đại và bền vững của người dân là câu hỏi đang đặt ra hiện nay?
 
Xây dựng ý thức phân loại rác tại nguồn
 
Gia đình bà Cao Thị Mai Huệ, đường Nguyễn Du, TP. Đồng Hới là một trong số rất ít hộ dân duy trì thói quen phân loại rác tại nguồn. Hành động này được bà Huệ thực hiện đều đặn mỗi ngày từ nhiều năm nay, khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Đồng Hải vận động.
 
Bà Cao Thị Mai Huệ chia sẻ: “Gia đình tôi thực hiện phân loại rác thải thành 3 nhóm, gồm: Rác hữu cơ làm phân, rác tái chế, tái sử dụng và rác sinh hoạt khác. Đây là việc làm đơn giản, không khó khăn, phức tạp gì và ai cũng có thể làm được trong vài phút. Tôi cho rằng việc phân loại rác tại nguồn không chỉ là trách nhiệm mà còn là hành động mang lại ý nghĩa thiết thực đối với cộng đồng và môi trường. Qua đó, góp phần hạn chế lượng rác thải chôn lấp, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.
Phân loại rác tại nguồn đã trở thành thói quen hàng ngày của bà Cao Thị Mai Huệ (TP. Đồng Hới).
Phân loại rác tại nguồn đã trở thành thói quen hàng ngày của bà Cao Thị Mai Huệ (TP. Đồng Hới).
Tại tổ dân phố Phú Mỹ, phường Đồng Hải, nơi đang thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn, nhiều hộ dân đã bắt đầu thay đổi hành vi. Ngoài ra, ở các vùng nông thôn, khu dân cư khắp các địa phương tỉnh, thông qua phong trào “5 không, 3 sạch” của Hội Phụ nữ, việc phân loại rác thải cũng được lồng ghép khéo léo vào các hoạt động thường nhật. Một số địa phương đã làm tốt việc tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác tại nhà. Tuy nhiên, số mô hình hiệu quả vẫn chưa cao, thiếu sự thống nhất giữa chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn và người dân. Việc phân loại rác vẫn chưa trở thành ý thức phổ biến.
 
Khó phân loại nếu người dân không hợp tác
 
Một ngày đầu tháng 6, chúng tôi theo chân đội thu gom rác của Công ty CP Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình trên những tuyến phố trung tâm TP. Đồng Hới. 15 giờ, nắng như thiêu đốt mặt đường, từng đợt hơi nóng phả lên hầm hập từ lớp nhựa đen bỏng rát, chị Trần Thị Kim Duyên vẫn cặm cụi đẩy thùng rác qua từng ngõ phố. Thỉnh thoảng đưa tay lau nhanh những giọt mồ hôi đang chảy thành dòng nơi thái dương, chị lại tiếp tục khom người buộc chặt từng túi rác thải sinh hoạt. Là lực lượng trực tiếp tiếp xúc và thu gom rác thải mỗi ngày, chị Duyên hiểu rõ nhất về thực trạng phân loại rác thải tại nguồn hiện nay.
 
Chị cho biết: “Thực tế thu gom cho thấy, các gia đình bỏ rác lẫn lộn chung một túi nên để phân loại rác thải tại nguồn là rất khó. Việc thu gom rác không phân loại khiến chúng tôi không thể thực hiện bước xử lý sơ bộ, dẫn đến quá tải trong quy trình xử lý rác ở bãi tập kết, ảnh hưởng tới cả hệ thống quản lý chất thải của thành phố”.
 
Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn người dân trên địa bàn TP. Đồng Hới vẫn chưa có thói quen phân loại rác. Mỗi gia đình chỉ có một thùng rác chung, tình trạng trộn lẫn rác thực phẩm, nilon, chai lọ, thủy tinh... diễn ra hầu hết tại tuyến phố, khu dân cư. Thói quen này không chỉ cản trở công tác xử lý rác mà còn gây áp lực lớn cho hệ thống thu gom.
Việc thu gom rác thải không phân loại làm ảnh hưởng đến hệ thống quản lý chất thải của TP. Đồng Hới.
Việc thu gom rác thải không phân loại làm ảnh hưởng đến hệ thống quản lý chất thải của TP. Đồng Hới.
Theo Điều 75, Luật Bảo vệ môi trường 2020, kể từ ngày 1/1/2025, tất cả các hộ gia đình phải phân loại rác tại nguồn thành ba nhóm: Rác tái chế, tái sử dụng; rác thực phẩm (hữu cơ) và rác sinh hoạt khác. Nếu không phân loại đúng, rác có thể bị từ chối thu gom hoặc bị xử phạt hành chính. Phóng viên đã khảo sát tại các phường trung tâm TP. Đồng Hới và ghi nhận phần lớn người dân đều tỏ ra mơ hồ, chưa nắm bắt thông tin về quy định, hiệu lực thi hành của luật.
 
Cần sự đồng bộ và bền bỉ
 
Ông Trương Công Định, Giám đốc Công ty CP Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình cho hay: “Thực hiện chủ trương, kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, công ty đã tiến hành rà soát phương tiện, trang thiết bị phục vụ hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt và thấy còn nhiều điểm bất cập, từ hạ tầng kỹ thuật cho đến phương tiện thu gom rác thải chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Luật thì phải thực hiện, nhưng hiện nay chúng tôi vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Muốn triển khai đồng loạt thì cần nguồn lực đầu tư lớn và lộ trình thực hiện rõ ràng”.
 
Cũng theo ông Trương Công Định, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt sau phân loại hiện nay đó là quy trình, công nghệ xử lý rác thải chưa phù hợp, thiếu đồng bộ. Hiện nay, bãi rác chung Đồng Hới-Bố Trạch đang áp dụng một phương pháp xử lý là chôn lấp hợp vệ sinh cho tất cả rác thải sinh hoạt được thu gom. Về hạ tầng kỹ thuật, hiện tại, trên địa bàn TP. Đồng Hới chưa quy hoạch điểm tập kết, trung chuyển rác nên các điểm tập kết, trung chuyển rác thường tự phát trên cơ sở thống nhất giữa chính quyền địa phương và công ty nên khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các phương tiện thu gom, vận chuyển chưa được thiết kế phù hợp đối với từng loại rác thải đã được phân loại và nguồn kinh phí bố trí cho dịch vụ công ích chưa bảo đảm để thực hiện.
 
Việc phân loại rác thải tại nguồn không phải là vấn đề “làm cho có”, mà là hành động thiết thực bảo vệ môi trường sống. Và để Luật Bảo vệ môi trường thực sự đi vào cuộc sống, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và kiên trì của chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể và quan trọng hơn cả đó là sự thay đổi từ trong nhận thức, ý thức mỗi cá nhân, hộ gia đình.

Trao đổi về những giải pháp và hướng xử lý trong phân loại rác thải tại nguồn, ông Phan Xuân Hào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: “Với vai trò quản lý nhà nước, sở đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh các cơ chế, chính sách để trong thời gian tới, quy định phân loại rác thải tại nguồn sẽ sớm đi vào cuộc sống. Luật đã rõ, thời điểm bắt buộc đang đến gần. Nhưng người dân vẫn thiếu thông tin, thiếu công cụ. Chúng tôi đang phối hợp với các ban, ngành, hội, đoàn thể và chính quyền địa phương để sớm triển khai đồng bộ các giải pháp về truyền thông, hỗ trợ phương tiện và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để người dân nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm pháp lý của mình theo Luật Bảo vệ môi trường. Ngoài ra, việc đầu tư hạ tầng thu gom và xử lý rác phân loại cũng là yêu cầu cấp thiết, nếu không sẽ không thể triển khai hiệu quả dù có luật và kế hoạch rõ ràng”.

Khi ý thức người dân chưa cao, thiết bị thu gom còn thiếu, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và công tác truyền thông chưa đủ mạnh, thì việc thực hiện đúng lộ trình về phân loại rác tại nguồn vẫn là một dấu hỏi lớn. Thiết nghĩ, ngay từ hôm nay, mỗi người dân cần nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác thải; làm quen, hiểu và xem việc phân loại rác như một tập quán trong đời sống hàng ngày, xem rác như một nguồn tài nguyên, có lợi cho chính mình và cộng đồng xã hội. Đó cũng là cách để mỗi công dân thực hiện trách nhiệm bảo vệ hành tinh bắt đầu từ việc nhỏ nhất: Chiếc túi rác trong gia đình.

Hiền Chi

tin liên quan

Quảng Bình muôn vẻ
Quảng Bình muôn vẻ
(QBĐT) - Vụ muối ở làng Phú Hội, xã Quảng Phú (Quảng Trạch) thường bắt đầu từ giữa tháng 4 và kéo dài đến tháng 9 dương lịch hàng năm, nếu thời tiết thuận. Trời càng nắng nóng, hạt muối càng đẹp, vụ muối càng có chất lượng tốt, sản lượng cao. Những ngày bỏng rát, cả cánh đồng muối ánh lên màu trắng lấp loáng…
 
Hành trình kiến tạo nông thôn mới-Bài 1: "Cái khó ló cái khôn"
Hành trình kiến tạo nông thôn mới-Bài 1: "Cái khó ló cái khôn"

(QBĐT) - Với sự nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân, những vùng quê khang trang, đổi mới đang từng ngày hiện lên. Người dân được sống trong những làng quê đáng sống với đầy đủ những công trình thiết yếu và môi trường xanh-sạch-đẹp do chính họ kiến tạo.

Đất Quảng Bình... Nghĩa tình Quảng Trị!-Bài 4: Chiến dịch K15-gạch nối ân tình Quảng Bình, Quảng Trị!
Đất Quảng Bình... Nghĩa tình Quảng Trị!-Bài 4: Chiến dịch K15-gạch nối ân tình Quảng Bình, Quảng Trị!

(QBĐT) Có một cuộc di dân lần thứ ba với tên gọi Kế hoạch 15 (K15), được tỉnh Quảng Trị gấp rút triển khai ngay sau ngày Quảng Trị giải phóng lần thứ nhất (1/5/1972), đưa nhân dân các vùng chiến sự Hải Lăng, Triệu Phong sơ tán ra Quảng Bình, Vĩnh Linh. K15 thêm một lần nữa giúp Quảng Bình, Quảng Trị càng khăng khít nhau hơn, chan chứa nghĩa tình.