icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Làm gì để giữ mạch nguồn xanh?-Bài 3: Ước nguyện xanh cho dòng Gianh

  • 07:06, 20/06/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để giải quyết vấn đề nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân các địa phương ven sông Gianh đòi hỏi những giải pháp toàn diện, căn cơ và bền vững. Bên cạnh đầu tư các công trình có quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu của cả khu vực, cần có tầm nhìn xa và sự đồng bộ. Có như thế mới từng bước khắc phục được tình trạng thiếu nước kéo dài, đồng thời chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân.
 
 
Mong ước… Khe Rôn
 
Khe Rôn nằm tại xã Lê Hóa (Tuyên Hóa). Đi cùng chúng tôi vào Khe Rôn, Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa Mai Văn Minh cho biết, nơi này từng là Nhà máy thủy điện Khe Rôn cấp điện cho trung tâm thị trấn Đồng Lê. Sau khi có điện lưới, do công trình xuống cấp và không còn hiệu quả, nên đã loại bỏ. Hiện, đập Khe Rôn và hệ thống kênh mương vẫn còn dấu tích cũ.
 
Đầu tư xây dựng đập thủy lợi Khe Rôn là giải pháp được địa phương nghiên cứu, xem xét kỹ. Phương án này sẽ giải quyết cùng lúc cả vấn đề nước cho sản xuất và sinh hoạt, chủ động điều tiết nguồn nước sông Gianh và ngăn chặn hiệu quả tình trạng xâm nhập mặn. Đây cũng là mong ước của cán bộ và nhân dân các xã vùng ven sông Gianh.
Đập Khe Rôn và hệ thống kênh mương dẫn nước cũ.
Đập Khe Rôn và hệ thống kênh mương dẫn nước cũ.
Để bảo đảm Khe Rôn, nếu được đầu tư, sẽ trở thành nguồn cung cấp nước ngọt an toàn cho các xã vùng hạ lưu, Huyện ủy, UBND huyện Tuyên Hóa đã tiến hành khảo sát các khu vực lân cận. Trong số đó, bãi rác của huyện Minh Hóa đặt tại xã Hồng Hóa là một trong những vị trí cần đặc biệt lưu ý. Đây là khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước do nằm gần các dòng chảy hợp lưu tạo thành khe nước dẫn về Khe Rôn, cách đó khoảng 10km. Do vậy, nếu triển khai dự án đập Khe Rôn, việc di dời bãi rác này cần được tính toán, lồng ghép trong tổng thể phương án bảo vệ nguồn nước.

Chia sẻ về giải pháp này, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa Võ Xuân Trường bày tỏ sự đồng tình cao, bởi đây là một giải pháp bền vững, không chỉ góp phần bảo đảm nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân vùng hạ lưu mà còn phù hợp với định hướng phát triển lâu dài, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
 
Trăn trở Khe Nét
 
Việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Khe Nét đã được đề xuất từ những năm 2010, với tổng diện tích khoảng 22.000ha. Khu vực này hiện lưu giữ các hệ sinh thái rừng phong phú, giá trị khoa học về đa dạng sinh học, địa chất, cảnh quan, cùng nhiều loài động thực vật hoang dã quý hiếm, đặc hữu. Đặc biệt, rừng Khe Nét còn giữ vai trò là rừng phòng hộ đầu nguồn quan trọng của sông Gianh. Do đó, việc thành lập Khu BTTN Khe Nét là một trong những giải pháp then chốt nhằm bảo vệ rừng đầu nguồn, góp phần duy trì dòng chảy trong lành, ổn định cho sông Gianh.
 
Trước tình trạng thiếu nước sản xuất, sinh hoạt kéo dài tại các địa phương ven sông Gianh, huyện Tuyên Hóa đang tích cực đề xuất đầu tư xây dựng đập thủy lợi Khe Rôn và thành lập Khu BTTN Khe Nét. Đây là hai giải pháp căn cơ, bền vững, không chỉ giúp bảo đảm nguồn nước mà còn góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ rừng đầu nguồn và phát triển sinh kế lâu dài cho người dân.

Nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của khu vực rừng Khe Nét, huyện Tuyên Hóa đã triển khai các bước đề xuất thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Khe Nét với tổng diện tích dự kiến khoảng 26.800ha, thuộc địa phận các xã Thanh Hóa, Hương Hóa, Kim Hóa, Thuận Hóa, Đồng Hóa và Thạch Hóa, bao gồm cả diện tích khoảng 175ha rừng trên núi đá vôi các xã Thạch Hóa và Đồng Hóa, nơi phân bổ loài Voọc gáy trắng.

Nếu được thành lập, Khu BTTN này sẽ là “chiếc nôi” an toàn giúp ổn định thành phần loài, phục hồi và gia tăng số lượng cá thể, quần thể của nhiều loài đang bị đe dọa. Đồng thời, khu bảo tồn còn góp phần duy trì chức năng phòng hộ đầu nguồn của lưu vực các sông, suối trong khu vực, từ đó bảo vệ hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp của các xã thuộc huyện Tuyên Hóa và các huyện vùng hạ lưu sông Gianh.
 
“Khi rừng đầu nguồn được bảo vệ bền vững, cộng với công trình đập Khe Rôn được đầu tư, bài toán thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt của người dân ven sông Gianh sẽ được tháo gỡ một cách hiệu quả, đồng thời hạn chế được những tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu”, Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa Mai Văn Minh nhấn mạnh.
 
Niềm vui mới
 
Cuối tháng 5/2025, đồng chí Trần Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện Tuyên Hóa. Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện đã đề xuất một số nội dung quan trọng, trong đó có việc đầu tư xây dựng đập Khe Rôn và đẩy nhanh tiến độ thành lập Khu BTTN Khe Nét. Đại diện các sở, ngành liên quan cũng đã tham gia trao đổi, đóng góp ý kiến cụ thể đối với từng đề xuất. Sau khi nghe báo cáo và nắm bắt tình hình thực tế, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ sự đồng tình với các kiến nghị của địa phương.

Thông báo số 2600/TB-VPUBND của Văn phòng UBND tỉnh về kết luận của đồng chí Trần Phong, Chủ tịch UBND tỉnh về buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện Tuyên Hóa nhấn mạnh, các sở, ngành liên quan cần triển khai các bước thành lập Khu BTTN Khe Nét và đầu tư nâng cấp Khe Rôn, nhằm bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học của Khe Nét, đồng thời bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân địa phương. Đây là niềm vui lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tuyên Hóa khi những kiến nghị sát thực tiễn của địa phương đã được lắng nghe, tiếp thu và cụ thể hóa bằng những chỉ đạo rõ ràng, kịp thời của lãnh đạo tỉnh.

Ngọc Mai-Mỹ Hạnh

 

tin liên quan

Làm gì để giữ mạch nguồn xanh?-Bài 2: Làng ven sông… vẫn khát!
Làm gì để giữ mạch nguồn xanh?-Bài 2: Làng ven sông… vẫn khát!
(QBĐT) - Nằm ven sông Gianh, các xã Châu Hóa, Phong Hóa, Đức Hóa (Tuyên Hóa) thường xuyên đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn. Những năm hạn hán kéo dài, nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trở thành thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân. 
Làm gì để giữ mạch nguồn xanh?-Bài 1: Loay hoay "bài toán" nước sạch
Làm gì để giữ mạch nguồn xanh?-Bài 1: Loay hoay "bài toán" nước sạch
(QBĐT) - Với dòng Gianh ngọt mát, Tuyên Hóa sở hữu nhiều tiềm năng thế mạnh. Thế nhưng, nơi này cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch, nếu không kịp thời có những giải pháp căn cơ, bền vững, thì dòng Gianh sẽ khó giữ được mạch nguồn xanh, đời sống và sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn, thách thức.
 

 

Chuyện nghề giữa mùa lũ kép
Chuyện nghề giữa mùa lũ kép

(QBĐT) - Cùng với sự phát triển của quê hương và sự đi lên của ngành, các thế hệ làm báo nói, báo hình Quảng Bình lưu giữ biết bao kỷ niệm. Với tôi, ký ức về những ngày làm báo hình giữa mùa lũ kép năm 2010 mãi mãi là những dấu ấn sâu sắc, khó phai mờ.